Phải nâng mức lương hưu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống người về hưu, giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Công nhân và doanh nghiệp kiến nghị nâng mức lương hưu tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cho cuộc sống người về hưu, giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Tiền lương hưu phải đảm bảo cuộc sống

Hơn 20 ý kiến xoay quanh quy định được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các vấn đề liên quan đến lương hưu, giảm tuổi nghỉ hưu, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, chế độ trợ cấp thai sản, thời gian hưởng chế độ khi đình chỉ thai nghén, tử tuất… được đông đảo công nhân lao động và chủ doanh nghiệp đặc biệt quan tâm góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại buổi tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức chiều 18/10.

Phải nâng mức lương hưu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống người về hưu, giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội - Ảnh 1

Liên quan đến quy định được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bà Ngô Thị Mỹ Kha, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ (quận Bình Tân) cho rằng, người lao động luôn nghĩ đến vấn đề an sinh xã hội về lâu dài và nhất là khi đến tuổi về hưu. 

Tuy nhiên, phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần là những người không có tích lũy, không có việc làm ổn định nên khi có vụ việc trong gia đình thì họ chọn giải pháp rút một lần thay vì đi vay ở tín dụng, khó đảm bảo chi trả khi việc làm bấp bênh, nhất là người lao động ngoài 45 tuổi. 

Nếu xác định phương án 2 không được rút quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất thì số tiền có được không giải quyết được gì so với đời sống kinh tế, xã hội hiện nay và 50% còn lại cũng không thấm vào đâu, nhất là khi về già phải trông chờ vào lương hưu ít ỏi và dự báo sẽ có biến động lớn về tình hình lao động việc làm. 

Cũng từ vấn đề này, bà Ngô Thị Mỹ Kha kiến nghị nâng mức lương hưu tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cho cuộc sống người về hưu.

Dẫn chứng thực tiễn từ bản thân có 22 năm làm việc, đóng bảo hiểm xã hội từ mức lương mới vào làm năm 2002 là 500.000 đồng/tháng đến 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu nghỉ hưu thì tính ra chỉ được khoảng 2,7 triệu đồng/tháng vì lương hưu được tính bình quân cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội. 

“Trong khi đó, giả sử cách đây vài năm nghỉ việc thì tôi sẽ có trợ cấp thất nghiệp 12 tháng được hơn 70 triệu đồng và rút 1 lần thì được 182 triệu đồng, tính tổng hơn 252 triệu đồng. 

Sau khi nghỉ việc 1 năm, tôi xin việc trở lại, với kinh nghiệm có sẵn, lương tham gia bảo hiểm xã hội sẽ cao hơn và vẫn đủ ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, như vậy tiền lương hưu vẫn cao hơn so với việc tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2002”, bà Ngô Thị Mỹ Kha chia sẻ.

Mức lương hưu hằng tháng không công bằng đối với lao động nam

Xoay quanh về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Trách nhiệm hữu hạn Intel Products Việt Nam cho rằng mức lương hưu hằng tháng theo chế độ hưu trí tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là không công bằng đối với lao động nam, vì điều này đã có quy định tại luật bảo hiểm xã hội 2006, khi đó tuổi nghỉ hưu (trong điều kiện lao động bình thường) của nam là 60, nữ là 55, khoảng cách là 5 năm giữa nam và nữ, nên mức tính ban đầu là 20 năm đối với nam và 15 năm đối với nữ. 

Nhưng theo quy định hiện nay, tuổi hưu của nam và nữ chỉ cách nhau 2 năm thì tại sao không thay đổi mức hưởng lương hưu cho nam thành 17 hoặc 18 năm và tính bằng 45% sẽ hợp lý hơn.

Về quy định tại khoản 2 điều 66, mức giảm 2% đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi theo điều 65, bà Phạm Thị Hồng Yến cho là không hợp lý, cần quy định có lợi hơn cho người lao động đã tham gia vào lực lượng sớm. 

“Trong trường hợp này, nếu do suy giảm khả năng lao động mà người lao động không thể làm việc và thỏa điều kiện về hưu theo điều 65 thì không nên trừ % nào hoặc tối đa không quá 1%. 

Đây là chính sách có lợi để động viên người lao động ở lại với quỹ hoặc tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi đủ tuổi nghỉ hưu theo Điều 65 và khả năng lao động bị suy giảm”, bà Phạm Thị Hồng Yến chia sẻ.

Mức lương hưu tối thiểu hiện nay khó giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội

Liên quan đến điều 70, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cơ khí Đại Dũng cũng khuyến nghị việc chọn phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ làm xáo trộn tình hình lao động việc làm, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động… 

Để lao động an tâm và tập trung vào sản xuất kinh doanh, nên chọn phương án một, tức người tham gia trước ngày 1/7/2025 vẫn được quyền lựa chọn rút hay ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho nhóm lao động chuẩn bị gia nhập thị trường hiểu rõ bản chất, lợi ích của bảo hiểm xã hội và không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần; kèm với đó là có các chính sách hỗ trợ các nguồn tài chính cho người lao động vay khi gặp khó khăn trong cuộc sống...

Cùng quan điểm, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho rằng, Bảo hiểm xã hội cần xây dựng chính sách để người lao động có thêm niềm tin; đảm bảo mức sống khi về hưu, ổn định an sinh xã hội và không bị ảnh hưởng khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới có hiệu lực. 

Đồng thời, ông Củ Phát Nghiệp đề xuất cần tạo điều kiện thuận lợi cho lao động là người nước ngoài khi nghỉ việc được nhận trợ cấp 1 lần với thủ tục đơn giản hơn hoặc tạo điều kiện thuận lợi để họ được ủy quyền.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu là công nhân lao động, người đại diện công nhân lao động cũng nhấn mạnh vấn đề lương hưu thiết kế trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay rất thấp. 

Mặc dù hằng năm, cơ quan Bảo hiểm xã hội có tính toán đến mức trượt giá nhưng lương hưu vẫn không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. 

Theo Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Products Việt Nam một người khi nghỉ hưu chỉ nhận mức lương hưu 2,7 triệu đồng/tháng thì rõ ràng không đủ sống trong thời điểm hiện nay và buộc phải tìm thêm việc để sinh sống. 

Mức lương hưu tối thiểu hiện nay thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng sẽ rất khó giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội…./.

Tin Cùng Chuyên Mục