Pharmacity “tụt dốc” trong cuộc đua ngành dược, liên tục thay đổi CEO

Trung Hiếu

Chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity vừa thông báo bổ nhiệm ông Deepanshu Madan làm tân Tổng Giám đốc, sau khi bà Trần Tuệ Tri công bố kế hoạch từ nhiệm. Như vậy, chỉ 1 năm Pharmacity lại thay đổi “ghế nóng”, sau khi nhà sáng lập Chris Blank rời đi vào năm 2022, vì lý do sức khỏe.

Pharmacity “tụt dốc” trong cuộc đua ngành dược, liên tục thay đổi CEO
Pharmacity “tụt dốc” trong cuộc đua ngành dược, liên tục thay đổi CEO

Pharmacity tụt dốc, mất vị trí đứng đầu

Động thái thay đổi CEO diễn ra trong bối cảnh Pharmacity đang có dấu hiệu chậm lại, sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Thậm chí, số liệu đến tháng 2/2023, Pharmacity đã đánh mất vị thế dẫn đầu về quy mô vào tay “tân binh” Long Châu.

Pharmacity ra đời vào năm 2011, với nguồn lực mạnh đã sớm dẫn đầu về quy mô và có lúc gần như không có đối thủ. Dưới trướng nhà sáng lập Chris Blank, Pharmacity gây chú ý khi tuyên bố tham vọng lớn với 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025, nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD.

Số liệu đến hết tháng 8/2022, Pharmacity vẫn là chuỗi có nhiều nhà thuốc nhất, với khoảng 1.100 cơ sở. Nhưng sau đó, Pharmacity đóng cửa nhiều cơ sở sau khi có những thay đổi thượng tầng và hiện đã mất vị trí đứng đầu thị trường về quy mô vào tay Long Châu. Tại tháng 2/2023, Long Châu vươn lên dẫn đầu với 1.009 cửa hàng, Pharmacity giảm chỉ còn 936 cửa hàng. Như vậy, cuộc đua ngành dược đã bước sang một “thế trận” mới.

Sau 6 năm FPT Retail “lấn sân” vào thị trường ngành bán lẻ dược phẩm, doanh thu chuỗi Long Châu tính đến quý 3/2023 đạt 11.088 tỷ, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, FPT Long Châu đã vượt kế hoạch mở mới năm 2023 với 447 nhà thuốc mở mới, nâng tổng hệ thống lên mức 1.384 cửa hàng.

Thực tế, dù thấp hơn về quy mô, song chỉ số kinh doanh của Long Châu đã sớm vượt xa Pharmacity khi Công ty đã có lãi. Hiện, Long Châu cho biết đang duy trì được mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức gần 1,1 tỷ đồng. Thừa thắng xông lên, Long Châu cũng vừa tăng gấp đôi vốn để đầu tư mạnh vào chuỗi dược, tập trung đánh về vùng tỉnh song song nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Một tay chơi lớn khác trong thế trận “tam mã” là An Khang của Thế giới Di động (MWG) , nhận định ngành dược đang vào thời điểm vàng hậu Covid-19, MWG từ cuối năm 2021 đã nâng tỷ lệ sở hữu, lên kế hoạch chạy đua đón đầu cơ hội. Dù vậy, chỉ trong năm 2022, Công ty cho biết sẽ giữ ở con số 529 nhà thuốc (thay vì kế hoạch là 800 cửa hàng) vì thời điểm này, đặc biệt là những tháng cuối năm thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn nên việc dừng lại là để phù hợp với tình hình thị trường. Số liệu đến tháng 10/2023, An Khang đang có 540 nhà thuốc.

Mới nhất, một “tân binh” Trung Sơn Pharma không giấu tham vọng tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tức gấp 3 lần hiện tại và tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt. Tuyên bố này được đưa ra sau khi chuỗi nhà thuốc này đón nhận cổ đông lớn là Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) ký hợp đồng mua 51% cổ phần Trung Sơn Pharma (theo Business Korea).

Cùng năm, Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng doanh thu thuần với 937 cửa hàng và An Khang có doanh thu là 1.500 tỷ đồng với 500 hiệu thuốc (số liệu tính đến hết năm 2022). Như vậy, trung bình mỗi cửa hàng Trung Sơn Pharma mang về hơn 9,6 tỷ đồng doanh thu, tương đương với Long Châu là 10,2 tỷ đồng và cao hơn An Khang (trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kiếm được 3 tỷ đồng/năm).

Liên tục thay đổi CEO ở Pharmacity

Ngay sau sự phát triển nóng cùng kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng, chuỗi nhà thuốc này có những biến động về cổ đông lớn và nhân sự cấp cao vào hồi cuối năm ngoái.

Đầu tiên phải kể đến việc nhà sáng lập Chris Blank thông báo rời ghế tổng giám đốc, cũng như người đại diện pháp luật vì lý do sức khỏe. Trước đây, cựu lãnh đạo này tham vọng đến năm 2025, Pharmacity có 5.000 cửa hàng để một nửa người dân Việt Nam có thể tiếp cận chỉ trong vòng 10 phút lái xe.

Vị trí đại diện pháp luật của Pharmacity sau đó được trao cho ông Nguyễn Như Nam - quản lý đầu tư của quỹ Hàn Quốc SK Group. Báo cáo cập nhật sở hữu tính đến cuối tháng 7/2022 cho thấy SK Group đang là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty sở hữu chuỗi nhà thuốc Pharmacity.

Đến tháng 9/2022, Pharmacity bổ nhiệm bà Trần Tuệ Tri, người từng có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng làm tổng giám đốc. Dưới trướng bà Tuệ Tri, Pharmacity đồng thời công bố chiến lược đổi mới, trong đó có tái cơ cấu hệ thống.

Tuy nhiên, bà Trần Tuệ Tri - đã từ nhiệm vào 24/11/2023. Chỉ sau hơn 1 năm Pharmacity lại tiếp tục bổ nhiệm người mới là ông Deepanshu Madan. Theo giới thiệu, ông Deepanshu Madan từng dẫn dắt các khoản đầu tư thành công vào chuỗi nhà thuốc Yifeng (một trong những chuỗi nhà thuốc lớn tại Trung Quốc), chuỗi bệnh viện Max Healthcare (chuỗi bệnh viện tư nhân lớn Ấn Độ) và Vmart (một trong những nhà bán lẻ lớn tại Ấn Độ). Ngoài ra, ông cũng từng làm việc trong lĩnh vực tư vấn, ngân hàng, nhiệm vụ chính phát triển danh mục đầu tư bán lẻ và chăm sóc sức khỏe của quỹ TR Capital tại châu Á trong 5 năm.

Có thể nói, sự thiếu hiệu quả trong kinh doanh thời gian dài trước đó, cũng như những thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo ở thượng tầng doanh nghiệp đã khiến cho các cổ đông ngoại còn lại của Pharmacity cảm thấy "lo lắng".

Đại diện một quỹ đầu tư có hoạt động ở Việt Nam cho biết đã nhận được lời đề nghị bán vốn tại Pharmacity, nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Khả năng cao, cổ đông ngoại muốn "tháo chạy" khỏi Pharmacity nằm trong nhóm các quỹ đã rót vốn cho chuỗi nhà thuốc này trong vòng huy động Series C có giá trị 31,8 triệu USD vào đầu năm 2020, nhưng chưa từng công bố tên nhà đầu tư.

Hai nhóm cổ đông còn lại là SK Group và Mekong Capital. SK Group được cho là đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Pharmacity, thông qua việc sở hữu cổ phần của công ty mẹ là Maroon Bells.Trong khi đó, Mekong Capital thông qua quỹ Mekong Enterprise Fund III đã sớm đầu tư vào Pharmacity năm 2019.

Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo thông lệ của MEFIII, quỹ này sẽ bỏ ra từ 8 đến 15 triệu USD để đầu tư vào mỗi doanh nghiệp.Tuy nhiên, cuộc đua trong ngành bán lẻ dược phẩm Việt Nam dường như không chỉ có chất lượng và dịch vụ. Pharmacity trong thời gian gần đây không chỉ có tân CEO, mà nhiều quản lý cấp C cũng được thay thế.

Theo các chuyên gia, có những sai lầm trong ngành bán lẻ rất khó "sửa chữa" như việc thuê các mặt bằng mở nhà thuốc. Từng có thời điểm doanh nghiệp chạy đua mở rộng, lấy các mặt bằng đẹp với "mọi giá", mà quên đi tính hiệu quả trong kinh doanh, dẫn đến việc lỗ lũy kế ngày một tăng.

Tin Cùng Chuyên Mục