"Phát triển Hệ thống Kinh doanh: Trì hoãn hay Đổi mới?"

Quang Thảo

Đối với các doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và cách tân là điều tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường có nhiều thay đổi cả về công nghệ, quy mô, khách hàng và sự cạnh tranh.

Cần mở rộng thị trường trên nền tảng trực tuyến

Ngày 22/3/2024, CLB CEO 1983 phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển hệ thống kinh doanh – Trì hoãn hay đổi mới?” tại MRD Place, Tòa nhà Viet Tower, số 1 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. 

Các thành viên CLB CEO.
Các thành viên CLB CEO.

Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển Hệ thống Kinh doanh: Trì hoãn hay Đổi mới?”, ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho biết, doanh nghiệp muốn phát triển được một cách lớn mạnh và bền vững thì cần mở rộng thị trường thương mại điện tử. “Doanh thu của thương mại điện tử hiện nay ở nước ta chiếm khoảng 10%, tại Mỹ là 30-38%, Trung Quốc đã chiếm khoảng 50%. Đặc biệt đối với ngành nội thất, thời trang đang phát triển rất nhanh. Theo dự báo của các chuyên gia trên thế giới, tại Việt Nam, từ giờ đến năm 2030, doanh thu trên thị trường thương mại điện tử có thể lên đến 30%. Vậy nếu không có doanh thu TMĐT thì mặc nhiên doanh nghiệp mất đi 30% doanh thu. Và nếu đối thủ chạy đúng theo mức độ bình thường của thị trường thì người ta sẽ có thêm 30%. Điều đó có nghĩa là kênh doanh thu TMĐT không còn là một kênh mang tính thích thì làm, không thích thì không làm mà nếu bạn không làm thì bạn sẽ bị đào thải, bị tụt hậu." - Ông Quý chia sẻ.

Chủ tịch Novaon Nguyễn Minh Quý.
Chủ tịch Novaon Nguyễn Minh Quý.

Thực tế, có một điều nghịch lý là các doanh nghiệp nhỏ thường thích ứng với thương mại điện tử nhanh hơn so với các doanh nghiệp lớn. Lí do là doanh nghiệp nhỏ thường ít gánh nặng hơn, quyết định được đưa ra nhanh chóng hơn và ít bước phê duyệt hơn, cũng như có ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn đang bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào thương mại điện tử và dự kiến sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời điểm này là cơ hội để họ bắt kịp và thậm chí vượt qua các đối thủ tầm trung và lớn. Hiện nay, cơ sở hạ tầng thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ, bao gồm các dịch vụ vận chuyển, thanh toán, các sàn thương mại điện tử và cả cơ sở người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thương mại điện tử.

Quan điểm “cá nhanh nuốt cá chậm”

Trên thị trường hiện nay, ông Quý chia sẻ quan điểm rằng các doanh nghiệp cần phải đổi mới, sáng tạo và cải tiến nhanh chóng để tồn tại trong một thời kỳ nguy hiểm. Ông nhấn mạnh rằng việc không có cấu trúc phù hợp và không quản trị hiệu quả có thể đặt doanh nghiệp vào tình thế nguy hiểm. Ông Quý ví dụ về sự thay đổi lớn trên thị trường, như sự dịch chuyển từ quảng cáo truyền thống sang quảng cáo marketing online, và từ cửa hàng ngoài đường sang mô hình kinh doanh trực tuyến. Ông cảnh báo rằng, mặc dù một doanh nghiệp có thể đã thành công trong quá khứ, nhưng điều này không đảm bảo sẽ giữ vững thành công trong tương lai. Thay vào đó, ông Quý nhấn mạnh rằng thời kỳ này đòi hỏi sự nhanh nhẹn, linh hoạt và khả năng thích ứng với xu hướng thị trường mới. Ông cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nắm bắt đúng xu hướng thị trường và thích ứng kịp thời với nó, bởi việc chủ quan có thể khiến một doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường bất cứ lúc nào. Để minh họa, ông đưa ra ví dụ về Mark Zuckerberg, người đã hối hận về việc chậm chân trong việc phát triển nền tảng Short Video khi TikTok trỗi dậy. Đồng thời, ông Quý cũng nhấn mạnh rằng không có ai có thể chủ quan trong thời kỳ này, kể cả các doanh nghiệp lớn đều phải thận trọng và liên tục thích nghi với xu hướng thị trường.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Nghịch lý chăm sóc khách hàng cũ và mới

Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho biết: “Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME, thường không chú trọng đúng mức vào việc duy trì khách hàng hiện tại. Họ thường chưa phân tích cẩn thận rằng, sau khi thu hút được khách hàng, họ có thể trở nên chủ quan. Họ tin rằng sự hài lòng của khách hàng và chất lượng sản phẩm/dịch vụ của họ đủ tốt để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, do sự chủ quan này, họ thường không đo lường chính xác sự trung thành của khách hàng, tức là bao nhiêu khách hàng quay lại và bao nhiêu khách hàng bỏ đi. Do đó, họ dành nhiều thời gian và nỗ lực cho việc thu hút khách hàng mới mà không để ý đến việc duy trì khách hàng hiện tại. Thực tế, phân tích cho thấy việc thu hút một khách hàng mới tốn kém gấp 3,4 lần so với việc giữ chân một khách hàng hiện tại. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp phải.

Giải pháp mà ông Quý đề xuất là thực hiện đánh giá một cách chính xác để biết được mức độ hài lòng của khách hàng hiện tại. Mức độ hài lòng có thể được đo bằng các chỉ số cụ thể, như tỉ lệ gia hạn khách hàng. Ví dụ, sau một khoảng thời gian nhất định, bạn có thể đo lại tỉ lệ khách hàng quay lại mua hàng và nếu tỉ lệ này chỉ là khoảng 30-40%, đó có thể là dấu hiệu của việc mất khách hàng cũ. Thay vì tập trung vào việc thu hút khách hàng mới, ông Quý khuyên rằng nên tập trung vào việc giữ chân khách hàng hiện tại để nâng tỉ lệ gia hạn lên đến 80%.

Thứ hai, việc giữ chân khách hàng cũ không phải là điều khó khăn nếu bạn quyết tâm. Bằng cách hiểu rõ tên, sở thích, thói quen mua hàng của khách hàng, bạn có thể cá nhân hoá trải nghiệm của họ và tạo ra sự hài lòng cao hơn. Các phương tiện như thẻ thành viên, chăm sóc đặc biệt, chúc mừng sinh nhật cũng là cách hiệu quả để tăng độ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu của bạn. Khi khách hàng cảm thấy gắn kết với doanh nghiệp, họ sẽ ở lại lâu hơn. Đồng thời, khi doanh nghiệp tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, họ có thể kiểm soát tỉ lệ gia hạn của khách hàng một cách hiệu quả, từ đó đảm bảo sự bền vững cho doanh nghiệp.

CEO Lê Dung – Chủ tịch CLB CEO 1983.
CEO Lê Dung – Chủ tịch CLB CEO 1983.
 

CEO Lê Dung – Chủ tịch CLB CEO 1983 cho biết: "Năm 2024 là một năm còn nhiều biến động đến mức "hỗn loạn" thì thách thức càng đặt nặng lên vai những người quản lý, những lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Mọi cách làm, mọi quyết định theo kinh nghiệm và lối tư duy truyền thống đã trở nên lạc hậu và có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đứng trước bối cảnh đó, hơn lúc nào hết đây là lúc các doanh nghiệp trì hoãn và tiếp tục cách làm truyền thống hãy đổi mới để thích ứng với thị trường mới."

Tin Cùng Chuyên Mục