Quy định cụ thể về mức hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19

Thành Trung

TP Hà Nội bổ sung chính sách hỗ trợ 10 nhóm đối tượng gặp khó khăn do Covid-19. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ là hơn 345,5 tỷ đồng.

HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 15 về quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Quy định cụ thể về mức hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 - Ảnh 1

Cụ thể mức hỗ trợ đối với đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 như sau:

- Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của TP Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận; mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/hộ.

- Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐTB&XH nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người.

- Hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người.

- Hỗ trợ người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người.

- Hỗ trợ người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 21 Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người.

- Hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

- Người được hỗ trợ đồng thời đảm bảo điều kiện: Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12; thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5 đến 31/12. Mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người.

- Hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12 do cơ sở giáo dục dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người.

- Hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn TP Hà Nội) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5 đến 31/12 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/chủ cơ sở.

- Hỗ trợ bổ sung cho người lao động quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 điều này trong các trường hợp sau: Người lao động đang mang thai. Mức hỗ trợ bổ sung là 1.000.000 đồng/người; Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi. Mức hỗ trợ bổ sung là 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).

Nghị quyết cũng nêu rõ, việc hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên phải đảm bảo các nguyên tắc: Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không để lợi dụng trục lợi chính sách.

Mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ nêu trên; trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.

Người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết này.

Các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này. Phương thức hỗ trợ sẽ chi trả một lần trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí chi trả cho các đối tượng thụ hưởng do các sở, ngành thực hiện. Ngân sách quận, huyện, thị xã sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng; ngân sách thành phố kịp thời bổ sung kinh phí còn thiếu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện chính sách.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng bổ sung là hơn 345,5 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục