Rủi ro khi giao kết giao dịch với hộ gia đình

Hương Giang

Luật sư Phạm Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội đưa ra những phân tích về rủi ro trong giao dịch dân sự với hộ gia đình.

Hộ gia đình là khái niệm đã được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật ít nhất là từ năm 1964. Tuy nhiên, đó chỉ là những khái niệm để giải quyết một số vấn đề chính sách xã hội như Khoản 6, Điều 29, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990), quy định về một trong những đối tượng được hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, đó là “Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ”.

Khái niệm “Hộ gia đình” được chính thức đưa vào Luật Đất đai năm 1993, Bộ luật Dân sự năm 1995 với ý nghĩa là một trong những chủ thể sử dụng đất; Là một trong những đối tượng nộp thuế liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất…hay cơ bản hơn là một chủ thể pháp lý tham gia quan hệ dân sự và tiếp tục được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.

Hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự

Xuất phát từ khái niệm trên, có thể thấy, hộ gia đình khi tham gia quan hệ dân sự phải có đủ ba điều kiện sau:

Thứ nhất, phải là hộ gia đình “mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”, chứ mọi hộ gia đình nói chung không đương nhiên là chủ thể trong quan hệ dân sự;

Thứ hai, chỉ khi hộ gia đình “tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực” để “hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”. Như vậy, chỉ trong các quan hệ sản xuất, kinh doanh như vay vốn, mua vật tư nguyên liệu sản xuất…của hộ gia đình thì mới có sự tham gia của chủ thể hộ gia đình. Còn, nếu như tham gia vào các hoạt động khác chẳng hạn như mua bán xe ô tô hoặc mua bán nhà ở không vì mục đích kinh doanh thì không xuất hiện chủ thể hộ gia đình trong quan hệ dân sự.

Thứ ba, các thành viên hộ gia đình “có tài sản chung”, nhưng không phải là bất cứ tài sản nào, mà chỉ trong trường hợp có tài sản chung theo quy định tại Điều 108 về “Tài sản chung của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ”.

Rủi ro khi giao kết giao dịch với hộ gia đình - Ảnh 1
tson
Pháp luật cần quy định căn cứ để xác định thành viên hộ gia đình. Liệu tiếp tục căn cứ vào sổ hộ khẩu như hiện nay có phù hợp không, có đảm bảo tính pháp lý không? Căn cứ xác minh tài sản thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình; Căn cứ xác minh những tài sản nào khi tham gia giao dịch cần sự đồng ý của tất cả các thành viên, những tài sản nào chỉ cần đại diện hộ gia đình đồng ý là đảm bảo tính pháp lý của giao dịch…Việc pháp luật quy định rõ những vấn đề nêu trên, chúng tôi tin rằng có thể giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ các giao dịch liên quan đến tài sản của hộ gia đình

Từ việc phân tích khái niệm về hộ gia đình như nêu trên, Luật sư Phạm Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội đã đưa ra một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, hộ gia đình “mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”. Điều này đồng nghĩa với việc căn cứ để xác định thành viên của hộ gia đình là phải có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế…Một câu hỏi đặt ra ở đây là: Việc xác định thành viên của hộ gia đình hiện nay của các cơ quan Nhà nước chính là căn cứ vào sổ hộ khẩu của gia đình liệu có thể hiện đúng bản chất của hộ gia đình là các thành viên cùng đóng góp công sức. 

Theo Luật sư Sơn, việc đó là không hoàn toàn chính xác và không thể hiện được đúng bản chất của hộ gia đình - hộ kinh doanh cá thể. Bởi đâu phải tất cả các thành viên có tên trên sổ hộ khẩu đều có tài sản chung và đều đóng góp công sức cho hoạt động kinh tế chung của gia đình. Theo quy định của pháp luật, thành viên trong hộ gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền quyết định liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình. Liệu, với những người đủ 15 tuổi trở lên (như hiện nay là đối tượng vẫn còn đang đi học trừ những trường hợp khác) đã đủ “tư cách” (có tài sản chung, đóng góp công sức cho hoạt động kinh tế chung…) để tham gia quyết định đến những vấn đề liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình khi vẫn còn thuộc diện được “bao bọc” bởi gia đình?

Thứ hai, chỉ trong các quan hệ sản xuất, kinh doanh thì mới có sự tham gia của chủ thể hộ gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc, các loại giao dịch liên quan đến tài sản của hộ gia đình vì mục đích kinh doanh cũng có sự tham gia của chủ thể là hộ gia đình. Tuy nhiên, ngoài tài sản là “quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, “quyền sử dụng rừng, rừng trồng” thì chủ thể hộ gia đình được xác định ngay trên giấy chứng nhận, còn đối với các loại tài sản khác như (ô tô, xe máy, phương tiện sản xuất, kinh doanh…) thì căn cứ vào đâu để xác định được đó là tài sản của hộ gia đình? Đây cũng là một vấn đề tương đối khó khăn nên trên thực tế, hầu hết các giao dịch đều coi các loại tài sản khác mà không được ghi nhận tên chủ sở hữu là hộ gia đình thì đều là tài sản của cá nhân để đơn giản hóa các thủ tục và tránh tranh chấp. Tuy nhiên, nếu là tài sản của hộ gia đình thì các thành viên khác sẽ không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của mình. 

Thứ ba, tài sản của hộ gia đình chỉ là những tài sản được ghi nhận thuộc quyền sở hữu chung hoặc theo thỏa thuận của các bên. Do đó, đôi khi tài sản thuộc sở hữu chung do các bên thỏa thuận, có văn bản thỏa thuận (không thuộc loại tài sản ghi nhận quyền sở hữu tên đích danh hộ gia đình trên giấy chứng nhận), nhưng khi giao kết hợp đồng chẳng hạn là hợp đồng thế chấp tài sản, bên thế chấp vì một lý do nào đó (có thể do vô ý hoặc cố ý) mà không cung cấp văn bản thỏa thuận tài sản chung này thì tài sản đó được coi là tài sản của cá nhân bên thế chấp. Theo đó, ngân hàng (bên nhận thế chấp) sẽ ký kết hợp đồng với cá nhân bên thế chấp mà không cần giấy ủy quyền của các thành viên khác. Và khi xảy ra tranh chấp, văn bản thỏa thuận có thể là một trong những căn cứ dẫn đến hợp đồng vô hiệu do không đảm bảo yếu tố về mặt chủ thể. 

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) đã bỏ đi khái niệm về hộ gia đình.Theo đó, điều này rất cần được giải thích trong các văn bản pháp luật hướng dẫn khác.

Trách nhiệm của Hộ gia đình trong quan hệ dân sự

Trong quan hệ dân sự, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 về “Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình” của Bộ luật Dân sự như sau:

1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.

2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; Nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình”.

Khoản 2, Điều 107 cũng quy định “Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình”. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật thì giao dịch dân sự có thể bị tuyên vô hiệu và hộ gia đình không phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 nói trên.

Tin Cùng Chuyên Mục