SCIC muốn thoái toàn bộ vốn khỏi Vinacontrol, loạt khu “đất vàng” sẽ thuộc về ai?

An Chi

SCIC sẽ bán đấu giá 3,15 triệu cổ phiếu VNC, tương đương 30% vốn điều lệ của Vinacontrol, với giá khởi điểm 171,6 tỷ đồng.

Vinacontrol được biết đến là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán hoạt động trong ngành giám định hàng hoá tại Việt Nam
Vinacontrol được biết đến là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán hoạt động trong ngành giám định hàng hoá tại Việt Nam

Mức giá khởi điểm cao hơn thị giá của VNC khoảng 9%

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá theo lô của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (mã CK: VNC) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Cụ thể, SCIC sẽ bán đấu giá 3,15 triệu cổ phiếu VNC, tương đương 30% vốn điều lệ của Vinacontrol vào ngày 15/1/2024.

Đây là toàn bộ số cổ phiếu VNC mà SCIC đang sở hữu. Giá khởi điểm là gần 172 tỷ đồng cho cả lô cổ phần, tương đương khoảng 54.500 đồng/cổ phiếu. Trên thị trường chứng khoán, VNC đang giao dịch với mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Đồng nghĩa với mức giá khởi điểm của phiên đấu giá đang cao hơn thị giá của VNC khoảng 9%.

Bên cạnh SCIC, Vinacontrol còn 2 cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN và Công ty TNHH DOHA Đầu tư. Số lượng cổ phần nắm giữ của 2 công ty này lần lượt là hơn 1,2 triệu đơn vị và hơn 1,9 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu là 11,95% và 18,67%. Chủ tịch HĐQT Vinacontrol là ông Bùi Duy Chinh hiện có tỷ lệ sở hữu là 4,03%.

Thủ tướng vừa phê duyệt chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Chiến lược này đặt ra giai đoạn nói trên SCIC có doanh thu bình quân hằng năm đạt 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước là 5.400 tỷ đồng, giải ngân đầu tư là 36.300 tỷ đồng.

Tỷ trọng vốn đầu tư các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm nhà nước tập trung đầu tư theo chiến lược 2021 - 2030 là các ngành công nghệ cao, kinh tế số, năng lượng, dự án hạ tầng trọng điểm, đô thị thông minh, y tế hiện đại, dược phẩm, tài chính ngân hàng, các lĩnh vực khác sẽ chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư.

Từ năm 2026 - 2030, sẽ hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Tỉ trọng phân bổ vốn đầu tư cho các ngành, dự án trọng điểm nhà nước cần tập trung sẽ chiếm trên 70% vốn đầu tư; các ngành lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế khác chiếm không quá 30% tổng vốn.

SCIC sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vốn, đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, dự án lớn, các ngành lĩnh vực có tính then chốt, dẫn dắt, mở đường… Sau 2030, SCIC sẽ hoạt động theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, là kênh đầu tư của Chính phủ. SCIC cũng thực hiện nhiệm vụ là cầu nối để huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế thông qua hoạt động tư vấn, xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trên thế giới đầu tư hoặc cùng SCIC thành lập các quỹ đầu tư chuyên ngành để đầu tư vào lĩnh vực dự án trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng của Việt Nam…

Loạt đất vàng sắp đổi chủ

Vinacontrol được thành lập vào năm 1957, tiền thân là Cục Kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là giám định, thử nghiệm, chứng nhận và đánh giá chất lượng.

Tập đoàn Vinacontrol hiện có các địa điểm kinh doanh nằm tại những vị trí đông đúc của Hà Nội như Trụ sở chính đặt tại số 54 Trần Nhân Tông , phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; chi nhánh Vinacontrol Hà Nội ở số 96 Yết Kiêu , phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; trụ sở CTCP Chứng nhận và Kiểm Định Vinacontrol ở số 41 Nguyễn Thượng Hiền , phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng và có các chi nhánh tại các thành phố lớn khác: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh; các chi nhánh cấp 2, trạm, văn phòng đại diện tại: Lào Cai, Thanh Hóa, Móng Cái, Cửa Ông, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Cần Thơ ...

Cuối năm 2006, Vinacontrol được niêm yết trên HNX với vốn điều lệ lúc đó là 52,5 tỷ đồng. Hiện tại, vốn điều lệ đã tăng lên gần 105 tỷ.

Về tình hình kinh doanh, trong hơn 10 năm qua, doanh thu thuần của công ty liên tục tăng trưởng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) duy trì trên mốc 30 tỷ đồng trong 7 năm gần đây.9 tháng đầu năm 2023, Vinacontrol ghi nhận doanh thu thuần 511 tỷ đồng và lãi ròng 28 tỷ, tăng lần lượt 12% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, công ty đã thực hiện 80% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Cuối quý III, tổng tài sản đạt gần 414 tỷ đồng, trong đó tiền, tiền gửi ngân hàng và chứng khoán kinh doanh là 133 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn gần 119 tỷ, đa số là phải thu từ khách hàng.Cuối tháng 9, nợ phải trả của Vinacontrol gần 126 tỷ, với dư nợ vay tài chính chỉ khoảng 1 tỷ đồng, số còn lại chủ yếu là phải trả người lao động . Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 0,44 lần.

Tin Cùng Chuyên Mục