Shark Bình bàn về thất bại muối mặt của WeWork: Do nhà đầu tư "ngáo bóng"!

Dạ Hành (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Theo shark Nguyễn Hòa Bình, nếu start-up có chứng bệnh "ngáo giá" thì một số nhà đầu tư lại "ngáo bóng" - định giá sai lầm về start-up rồi đốt tiền vô tội vạ.

Thất bại của WeWork

WeWork là "chúng ta làm việc", và công ty này kiếm tiền bằng cách cho thuê bất động sản, bán đi một không gian chung (co-working space) cùng làm việc. Công ty mẹ We Company mô tả: "Chúng tôi cung cấp cho các thành viên một hệ thống không gian tuyệt đẹp, một văn hóa bao hàm và năng lượng của một cộng đồng đầy cảm hứng, tất cả đều được kết nối qua cơ sở hạ tầng công nghệ giàu có".

Shark Bình bàn về thất bại muối mặt của WeWork: Do nhà đầu tư

Không gian làm việc của WeWork

Tuy nhiên yếu tố công nghệ ở đây rất mờ nhạt. Trong khi WeWork thường đi thuê 15 năm, những khách hàng có thể chỉ thuê 1 tháng. Điều này cho thấy WeWork đơn giản là “tay chơi” trung gian trong việc cho thuê văn phòng, ngoài ra có thêm cách quản lý bằng công nghệ tốt chứ không thể gọi là công ty công nghệ. Dù vậy, nhờ hai từ khóa hot là "công nghệ" và "kinh tế chia sẻ" mà WeWork - dưới sự dẫn dắt của CEO lập dị Adam Neumann - mạnh dạn định giá công ty rất cao, hay nói theo từ shark Bình vẫn dùng là "ngáo giá".

Shark Bình bàn về thất bại muối mặt của WeWork: Do nhà đầu tư

CEO Adam Neumann lấy tiền công ty mua ô tô, cho công ty thuê lại BĐS của chính mình kiếm lời, khiến WeWork bỏ ra 3 tỷ USD điên cuồng mua 21 start-up...

Tiếp theo là sự xuất hiện của nhà đầu tư công nghệ quyền lực bậc nhất thế giới, tỷ phú giàu thứ hai Nhật Bản Masayoshi Son. Ông là CEO của SoftBank và quỹ đầu tư Vision Fund. Quỹ này nắm giữ 100 tỷ USD với "tầm nhìn 300 năm". Ông Son rất ấn tượng với sự tự tin của nhà sáng lập cùng bức tranh công nghệ mà anh ta vẽ ra, bất chấp nhiều lời can ngăn của SoftBank đã định giá công ty lên tới 47 tỷ USD, ước mong biến thành start-up kỳ lân. Họ cũng rất tự tin về khả năng chiếm thị trường Trung Quốc với hơn tỷ dân.

Shark Bình bàn về thất bại muối mặt của WeWork: Do nhà đầu tư

 Masayoshi Son

Tuy nhiên, hai cái sự "ngáo" gặp nhau đã dẫn tới cú nổ thảm họa. Sau khi hồ sơ IPO của WeWork được tung ra, định giá công ty đã rớt thảm hại từ 47 tỷ USD chỉ còn chưa đầy 10 tỷ USD. Kéo theo đó, những lời đề nghị rót vốn (từ các nhà đầu tư khác SoftBank) đều bị hủy bỏ, chiếc ghế lãnh đạo của Adam Neumann cũng văng khỏi công ty. Đáng chú ý hơn, WeWork từ một trong những thương vụ IPO được mong chờ trở thành thương vụ thảm bại nhất trong lịch sử.

"Ngáo bóng"...

Bàn về sự thất bại của WeWork, shark Bình nhìn nhận: 

Chính các nhà đầu tư đang "ngáo bóng", chuyên bơm tiền vào để thổi bong bóng giá trị của các startup nhằm mục đích dễ kiếm lợi nhuận sau này.

Shark Bình bàn về thất bại muối mặt của WeWork: Do nhà đầu tư

 Bài chia sẻ của shark Bình (Ảnh chụp màn hình)

Điển hình là Masayoshi Son, một "phù thuỷ" về đầu tư công nghệ toàn cầu với các thương vụ đầu tư thành công vào Yahoo! và Alibaba từ 20 năm trước. Từ lợi nhuận và uy tín khổng lồ nhờ các thương vụ này, ông đã huy động được quỹ Vision Fund 100 tỷ USD để đầu tư vào các startup kinh tế chia sẻ tiếp theo như Uber, WeWork, Grab,…

Tuy nhiên theo một nhà phân tích của Information nhận định: “Những công ty vẫn đang đốt tiền như Uber, Lyft và Peloton, hay có những nhà lãnh đạo quá quyền lực và cơ chế kiểm soát kém, đồng thời còn đang lỗ như We Company - công ty chủ quản của WeWork - đều phải đối diện với những cái nhìn nghi hoặc từ thị trường”. Giới đầu tư ngày càng thắt chặt hầu bao, nghi ngại hơn vào mô hình kinh tế chia sẻ và luôn cả các start-up công nghệ. Khái niệm "đầu tư mạo hiểm" sinh ra từ thung lũng Silicon lại đang có dấu hiệu chết dần ở đây.

Shark Bình bàn về thất bại muối mặt của WeWork: Do nhà đầu tư

 

Còn lại những nhà đầu tư chấp nhận "liều ăn nhiều" như Masayoshi Son, họ phải "thổi phồng", bơm cho start-up thành quả bóng bay lên với quy trình sau:

1. Tìm một thị trường đủ lớn (Ví dụ: Gọi xe với Uber/Grab, bất động sản với WeWork) và bơm vốn thật mạnh qua nhiều vòng đầu tư để thực thi mô hình "lost leader" - bán hàng dưới giá vốn và chịu lỗ nặng. Mục tiêu hướng tới là educate (giáo dục) thị trường và đè chết các đối thủ.

2. Khi thị trường đã được educate và các đối thủ ít tiền hơn đã bị quét sạch vì không chịu nổi cạnh tranh giá thì tự nhiên startup trở thành nhà độc quyền. Khi đó startup có thể dễ dàng tăng giá sản phẩm, dịch vụ để kiếm được lợi nhuận, hoặc bán lại cho nhà đầu tư khác hay IPO lên sàn bán cho công chúng…

Tuy nhiên trong quan điểm của Shark Nguyễn Hòa Bình, phương thức thổi bóng start-up này có thể mang lại các tác dụng phụ như sau:

1. Đối với start-up: Vì được bơm vốn không giới hạn, không cần đếm xỉa đến hiệu quả kinh doanh nên bản thân start-up và nhà sáng lập trở nên hư hỏng, dựa dẫm thái quá vào chuyện "Đốt, Đốt nữa, Đốt mãi". Kết quá là họ đi quá xa, dẫn đến một mô hình kinh doanh không thể sinh lời được nữa. 

Ngoài ra định giá được thổi lên quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng "ngáo giá", không thể gọi vốn các vòng sau vì định giá quá cao. Khi đó nguy cơ đổ vỡ như WeWork là rất lớn.

2. Đối với ngành: Kéo theo cả ngành phải "chạy đua vũ trang" bằng các vòng gọi vốn đốt tiền liên miên. Cuộc chơi khi đó trở thành game của các nhà đầu tư tài chính chứ không còn là của các doanh nhân công nghệ vốn phải lấy đổi mới sáng tạo làm nòng cốt nữa.

3. Đối với xã hội: Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản là các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm dịch vụ tốt và rẻ hơn nhờ cạnh tranh lành mạnh. Ngược lại, mô hình "Burn-to-Last" (đốt tiền để tồn tại) nói trên là phi kinh tế thị trường. Hiểu một cách đơn giản thì hàng tốt (bởi các startup đổi mới sáng tạo nhưng ít vốn) có thể bị hàng rẻ và kém chất lượng (của các start-up giỏi gọi vốn đốt tiền) đè bẹp và thao túng.

Sau thất bại của WeWork, các tờ báo về kinh doanh cũng thay nhau cảnh báo với những quan điểm tương đồng như shark Bình: “Một bài học được rút ra từ vụ WeWork là các nhà đầu tư không thông minh như họ nghĩ” (theo Slate). “Mô hình kinh doanh của WeWork sai ngay từ đầu. Công ty này còn hoạt động nhờ các nhà đầu tư vẫn đủ ngu ngốc để đổ tiền vào nó” (theo Business Insider).

Tin Cùng Chuyên Mục