Shark Việt trải lòng về chuyện khởi nghiệp ở tuổi 50

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Những tâm sự rất thật của Shark Việt khi đứng trước ngã rẽ: Lựa chọn cuộc sống viên mãn hay lao vào rủi ro, thử thách để khai phá một lĩnh vực hoàn toàn mới?

Cái tên "Shark Việt" đã trở nên không còn xa lạ với giới khởi nghiệp Việt Nam. Suốt từ mùa 2 và cho tới mùa 3 Shark Tank Việt Nam, ông luôn là một vị "cá mập" nhận được sự mến mộ bởi phong thái điềm đạm, trầm tĩnh, cùng triết lý đầu tư nhân văn gắn liền với đạo Phật.

Mới đây, trong chương trình CEO Chìa khóa Thành công 2019, Shark Việt đã trải lòng về sự nghiệp và quyết định khởi nghiệp ở tuổi 50 của ông.

“Tôi đã gần 50 tuổi, công việc đang tốt đẹp, cuộc sống gia đình đang viên mãn, liệu tôi có nên dấn thân vào cuộc khởi nghiệp này không?”. Nguyễn Thanh Việt đã từng băn khoăn như thế, khi có ý định đầu tư vào lĩnh vực y tế. Nhưng rồi, ông vẫn quyết định “xuống tiền” và gọi đó là cuộc khởi nghiệp “cân não” ở giữa đỉnh dốc của cuộc đời.

Shark Việt trải lòng về chuyện khởi nghiệp ở tuổi 50 - Ảnh 1

 

Shark Việt hồi tưởng, ý tưởng xây dựng một tổ hợp y tế chất lượng cao ở Hà Nội đã bắt đầu vào năm 2005, khi mẹ ông bệnh nặng phải nằm viện. Chứng kiến sự đày đọa, thống khổ của người bệnh và gia đình, khi mà một giường có tới 2-3 bệnh nhân, chưa kể còn đầy bệnh nhân phải nằm vạ vật ở hành lang, không gian chật chội, khổ sở, muốn trả thêm tiền để có điều kiện điều trị tốt hơn cũng không được. Đón mẹ ra viện rồi, mà những gì Shark Việt chứng kiến vẫn in hằn trong đầu. Ông đã tự nhủ: “Nhất định phải đầu tư xây dựng một bệnh viện chất lượng cao”.

Nhủ lòng vậy, trong các chuyến công tác nước ngoài, ông bỏ công sức nghiên cứu các mô hình y tế chất lượng cao. Càng nghiên cứu, càng thấy cơ hội để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, ông quyết định bổ sung ngành nghề kinh doanh cho Intracom, đồng thời bắt tay vào việc tìm kiếm dự án.

Đúng lúc đó, vào thời điểm năm 2009, ông tiếp cận được với dự án phát triển tổ hợp y tế của một công ty của Hàn Quốc, được cấp chứng nhận đầu tư đã lâu, nhưng chưa triển khai. Không những nằm gần trung tâm Hà Nội, mà khu đất của dự án còn có diện tích lên đến 9,5 ha, đủ để tạo ra cơ hội có một không hai để ông phát triển một tổ hợp dịch vụ y tế.

Nhìn thấy cơ hội vàng, ông bắt tay vào thương thảo. Nhưng càng thương thảo, càng thấy có quá nhiều vấn đề quanh dự án này, rủi ro tiềm ẩn. Giấy phép kinh doanh của chủ đầu tư cũ đã có từ 5 năm trước, nếu “ôm” vào, nhưng chưa triển khai được ngay, thì nguy cơ bị rút giấy phép là rất lớn.

Hơn nữa, mua lại dự án này là mua lại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nên luật lệ phải nắm thật chắc, nếu không sẽ bị thua ngay đầu nước. Quan trọng nhất, để mua lại dự án, không chỉ cần vốn lớn, mà còn phải đầu tư lâu dài. Sẽ là một đống tiền phải bỏ ra trong một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới và xa lạ.

"Nếu dự án không thành công, cả bộ máy sẽ lao đao. Không chỉ tôi mà cả các đồng sự, nhân viên sẽ bị đẩy vào cảnh khốn cùng".

Chưa kể, còn hàng loạt vấn đề phải lo, từ thiết kế, xây dựng, tuyển dụng nhân lực, nhập máy móc thiết bị, marketing, truyền thông… Ông bắt đầu cảm thấy chênh vênh, rủi ro là thứ không bao giờ vắng mặt trong kinh doanh, nhưng ông thì không còn ở tuổi bắt đầu sự nghiệp, trong khi thương vụ này ẩn chứa quá nhiều rủi ro, chỉ cần sảy chân sẽ mất luôn những gì mình đang có…

Shark Việt trải lòng về chuyện khởi nghiệp ở tuổi 50 - Ảnh 2

 

“Có nên buông bỏ để bảo toàn cơ ngơi của Intracom vẫn đang lớn lên từng ngày?”, Nguyễn Thanh Việt kể, ông đã trăn trở bao đêm để tìm ra lời giải đáp cuối cùng.

Trong đêm tĩnh lặng, hình ảnh mẹ, hình ảnh những bệnh nhân chen chúc trong bệnh viện ở Việt Nam, rồi hình ảnh những bệnh nhân ở bệnh viện nước ngoài hiện lên. Rồi ông vùng dậy. “Nếu không đối mặt với rủi ro, tôi đâu còn là doanh nhân”. Nghĩ vậy, ông quyết định triệu tập Hội đồng Quản trị, phân tích mọi tình huống, đặt ra mọi giả thiết, khả năng để lường trước các rủi ro và phương án dự phòng. Sau khi làm sáng tỏ mọi vấn đề, ông quyết định mua lại dự án.

Mọi thứ khá thuận lợi, việc xin giấy phép đầu tư được triển khai nhanh chóng. Nhưng khó khăn ập đến khi người dân không hợp tác trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Lại phải đến từng hộ dân để thuyết phục. Sau hai năm kiên trì và chân thành thuyết phục từng hộ dân, ông có đất sạch trong tay để bắt đầu xây dựng dự án. Sau đó, biết mình chỉ là “tay ngang” nên lại phải đi các nước phát triển để nghiên cứu việc họ xây dựng các tổ hợp y tế chất lượng cao, mời các y, bác sĩ giỏi tới chung tay với mình. Sau bao nỗ lực, trái ngọt đầu tiên đã được hái, khi Bệnh viện Đa khoa Phương Đông được phép hoạt động vào tháng 9 năm 2018.

“Bước đi đầu tiên của cuộc khởi nghiệp này đã thành”, Shark Việt mỉm cười và bảo rằng, hiện các phân khu chức năng khác của Tổ hợp Y tế Phương Đông, như khu dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, khu người già, khu phục hồi chức năng, khu nghiên cứu gene và tế bào gốc, trung tâm ung thư… đang tiếp tục được xây dựng.

“Cuộc khởi nghiệp cân não ở giữa đỉnh dốc của cuộc đời đã đưa tôi về với tuổi tráng niên, đầy năng lượng và niềm tin, dù biết rằng thách thức còn ở phía trước. Nhưng tôi tin rằng, mình đã chọn đúng đường”, Shark Việt đã chia sẻ như vậy với Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phiên bản “Những câu chuyện thật”.

Tin Cùng Chuyên Mục