Sức mua điện thoại không còn "nóng", lợi nhuận quý II/2023 của Digiworld (DGW) giảm 39%

Linh Anh

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Digiworld đạt 8.555,7 tỷ đồng, giảm 28,2% so với nửa đầu năm 2022. Lãi sau thuế đạt 169 tỷ đồng, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld - mã ck: DGW), doanh thu thuần của công ty ghi nhận 4.595,8 tỷ đồng giảm 6% so với cùng kỳ.

Trong đó, mảng điện thoại vẫn luôn đem lại doanh thu lớn nhất cho Digiworld với 2.190 tỷ đồng (giảm 19%), chiếm 48% cơ cấu doanh thu của Digiworld. Theo sau là mảng laptop và máy tính với doanh thu 1.342 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu doanh thu.

Mảng thiết bị gia dụng ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với mức tăng 54%, đạt 166 tỷ đồng nhờ việc thêm các nhãn hàng mới và các nhãn hàng hiện có được biết đến và tin dùng.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của DGW
Kết quả kinh doanh quý II/2023 của DGW

Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm 8,4% về 4.202,8 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí như chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng tăng gần 106% lên mức 242 tỷ đồng. 

Khấu trừ giá vốn, chi phí, DGW ghi nhận lãi sau thuế công ty mẹ đạt 83 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Digiworld đạt 8.555,7 tỷ đồng, giảm 28,2% so với nửa đầu năm 2022. Lãi sau thuế đạt 169 tỷ đồng, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, DGW đặt mục tiêu 20.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp mới hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận và 43% chỉ tiêu doanh thu đã đề ra.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 6.560 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền là 963,3 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản tới 40% là hàng tồn kho, ghi nhận với 2.592,9 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Phần công ty trích lập dự phòng hàng tồn kho ghi nhận với gần 166 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của DGW
Thuyết minh báo cáo tài chính của DGW

Đến cuối quý II/2023, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 2.228 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm.

Cụ thể, bản thuyết minh của DGW cho thấy, Digiworld phải thu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã ck: MWG) là 750,1 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã ck: FRT) là 215,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phong Vũ với 118,9 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Digiworld là 4.006 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.990 tỷ đồng, và nợ vay dài hạn là 16,5 tỷ đồng. 

Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm tới gần 54% nợ ngắn hạn, chủ yếu là nợ vay từ các ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của DGW đạt 2.552,9 tỷ đồng, trong đó bao gồm 842,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trước đó, vào cuối tháng 6, các chuyên gia phân tích của SSI Research có đưa ra nhận định, Digiworld (DGW) có thể chịu rủi ro hàng tồn kho do sức cầu tiêu thụ yếu hơn. Theo ban lãnh đạo DGW, hiện các sản phẩm của Apple chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của Digiworld.

Dưới góc nhìn lạc quan của Digiworld, các chuỗi bán lẻ vẫn duy trì tốt dù Apple có mở cửa hàng trực tuyến. Bởi công ty tin rằng, người tiêu dùng có thể mua được iPhone với mức giá rẻ hơn do các chuỗi bán lẻ thường có các chương trình giảm giá, trong khi cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple thường bán với giá niêm yết (không giảm giá).

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam chưa phát triển nên người tiêu dùng vẫn lo ngại khi mua các mặt hàng có giá trị cao theo hình thức trực tuyến, thay vào đó là mua trực tiếp cửa hàng.

Do đó, việc ra mắt cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các đại lý phân phối hoặc doanh nghiệp bán lẻ. 

Ban lãnh đạo DGW nhận định, doanh thu trong nửa cuối năm có thể phục hồi nhờ sự kiện Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.

Tin Cùng Chuyên Mục