Tập toàn TKV không lùi thời hạn thoái vốn tại Công ty VTTC, hé lộ toan tính của công ty con

Nhóm PV

Trước đó, trong bài viết Làm trái quyết định của Thủ tướng, công ty “con” của TKV gây nghi ngờ cho cổ đông, Báo Pháp luật Việt Nam đã nêu về lộ trình thoái hết vốn của TKV tại 16 công ty con.

Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài phản ánh về việc Công ty cổ phần Thương mại du lịch Vinacomin (VTTC) thuộc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoán sản Việt Nam (TKV) làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu TKV, Tập đoàn này đã lên tiếng khẳng định, sẽ không có chuyện lùi thời hạn thoái hết vốn tại công ty “con” này. Nhưng, việc đại diện của TKV bỏ phiếu để cho HĐQT Công ty VTTC đưa thêm “người mới” vào công ty cũng “nguy hiểm” không kém việc lùi thời hạn thoái vốn.

Trước đó, trong bài viết Làm trái quyết định của Thủ tướng, công ty “con” của TKV gây nghi ngờ cho cổ đông, Báo Pháp luật Việt Nam đã nêu về lộ trình thoái hết vốn của TKV tại 16 công ty con, được quy định tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV. Theo đó, đến năm 2020, Tập đoàn TKV phải thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty VTTC.

Tập toàn TKV không lùi thời hạn thoái vốn tại Công ty VTTC, hé lộ toan tính của công ty con - Ảnh 1
Khách sạn Biển Đông của Công ty VTTC

Tuy nhiên, trong văn bản gửi HĐQT Công ty VTTC, bà Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Công ty đã nêu lý do “trong quá trình hoạt động, VTTC phát sinh một số mảng hoạt động vì mục tiêu chính trị - xã hội trong chương trình tái cơ cấu TKV dẫn đến thay đổi vị thế của VTTC với TKV” nên đề nghị lùi thời hạn thoái vốn nhà nước do Tập đoàn TKV là đại diện chủ sở hữu tại Công ty VTTC đến năm 2022, chậm 2 năm so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do được Giám đốc Công ty VTTC đưa ra thực sự mù mờ, đó là sự thay đổi “vị thế” của Công ty VTTC với Tập đoàn, nhưng không được giải thích là sự thay đổi vị thế này theo hướng công ty con VTTC trở nên quan trọng hay ít quan trọng với Tập đoàn TKV. Theo đăng ký kinh doanh của công ty này thì đến nay, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn chủ yếu là du lịch và khách sạn, các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến hoạt động du lịch, buôn bán lốp xe ô tô và không có ngành nghề nào bổ sung để nâng cao “vị thế” của công ty này với Tập đoàn.

Ngược lại, trong văn bản gửi Tập đoàn TKV, giám đốc Công ty VTTC đã nói ra một ý rất đáng chú ý, đó là Công ty VTTC cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ Tập đoàn, đảm bảo sự chỉ đạo của Tập đoàn thông qua việc sở hữu cổ phần tại công ty. Như vậy đã rõ, việc muốn chậm thoái vốn thực sự không phải là sự thay đổi vị thế nào cả mà vẫn là mục đích muốn sử dụng vốn và uy tín, vị thế của TKV để kinh doanh.

Trong lúc lãnh đạo Công ty VTTC muốn “dựa hơi” Tập đoàn để làm ăn thì một mặt, họ vẫn tìm cách làm giảm vai trò và tiếng nói của Tập đoàn trong quản trị công ty bằng việc tăng vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư mới. Với việc mời thêm nhà đầu tư trở thành cổ đông của công ty thông qua phát hành cổ phiếu chào bán, lãnh đạo Công ty VTTC sẽ thực sự làm giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn TKV và các cổ đông khác, điều này rõ ràng làm giảm vị thế của các cổ đông hiện hữu và làm giảm giá trị của lô cổ phần của TKV tại công ty VTTC.

Trong văn bản gửi Tập đoàn TKV, bà Nguyễn Đoan Trang đề nghị kéo dài lộ trình thoái vốn nhà nước tại Công ty VTTC theo hướng, giai đoạn 2018-2020 sẽ giảm vốn nhà nước xuống còn 29%. Khi lô cổ phần này bị xé nhỏ để bán, giá trị sẽ khác hăn với lô cổ phần trọn gói 36% như hiện nay.

Theo Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh sáng Công lý thì việc “tăng vốn” và “lùi thời hạn thoái vốn của TKV” tuy là hai việc làm khác nhau nhưng đều có cùng mục đích là làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước do TKV đại diện tại VTTC. Khi lô cổ phần do nhà nước sở hữu bị giảm tỷ lệ so với vốn điều lệ, có thể sẽ không còn hấp dẫn và sẽ bị “làm giá”. Đó là điều thực sự đáng quan ngại đằng sau những việc làm mà giám đốc, HĐQT của Công ty VTTC đang thực hiện.

Phóng viên đã nỗ lực liên lạc với bà Nguyễn Đoan Trang, Giám đốc Công ty VTTC để làm rõ những nội dung nêu trên nhưng không thể liên lạc được do bà giám đốc không trả lời điện thoại, tin nhắn. Trao đổi với ông Vũ Văn Long, đại diện quản lý vốn của Tập đoàn TKV tại Công ty VTTC, ông Long cho biết ông đã được Tập đoàn rút khỏi Công ty VTTC nên cũng không thể trả lời.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề thoái vốn tại VTTC, Tập đoàn TKV cho biết, việc triển khai thoái vốn của TKV tại VTTC nói riêng cũng như tất cả các đơn vị khác nói chung đều gặp khó khăn do thay đổi các quy định pháp luật liên quan đến công tác thoái vốn Nhà nước. TKV đã có các văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Uỷ ban QLVNN tại doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn cách thức đánh giá và xác định giá trị trên, nhưng đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

TKV đang tiến hành thuê các đơn vị tư vấn để xây dựng bộ tiêu chí xác định giá trị văn hoá lịch sử, nhãn hiệu của doanh nghiệp làm cơ sở tính toán giá trị này khi thẩm định giá. Do vậy TKV tiếp tục đưa việc thoái vốn tại VTTC vào kế hoạch năm 2019, đến thời điểm hiện nay, TKV không có chủ trương dừng thoái vốn tại VTTC.

Với câu trả lời này từ Tập đoàn TKV, câu trả lời cũng đã rõ là TKV sẽ không lùi thời gian thoái vốn như đề nghị của giám đốc Công ty VTTC. Tuy nhiên, thực tế việc thoái vốn có về đích như thời hạn nêu trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ hay không thì vẫn còn quá sớm để khẳng định.

Nhưng, một điều quan trọng hơn mà Tập đoàn TKV cần phải thực hiện ngay để ngăn chặn việc lãnh đạo công ty con VTTC làm phương hại đến quyền lợi của Nhà nước, đó là dừng ngay việc tăng vốn theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ. Nếu thực sự công ty khát vốn để đầu tư thì vẫn có thể vay ngân hàng, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Việc chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư mới chắc chắn sẽ làm giảm tỷ lệ vốn của TKV tại công ty con này và sẽ gây khó khăn cho quá trình thoái vốn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và chỉ phục vụ cho những toan tính cá nhân của những người đang điều hành công ty VTTC.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Tin Cùng Chuyên Mục