Tập trung nguồn lực thực hiện cải cách thể chế

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Sáng ngày 19/7/2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã họp Phiên thứ năm dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban chỉ đạo.

Trình bày tham luận tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, công tác cải cách thể chế 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực. Điểm nhấn trong chỉ đạo về cải cách thể chế là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh nội dung về xây dựng pháp luật tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã có tổ chức 04 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành các nghị quyết, văn bản để chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng lập đề nghị xây dựng, soạn thảo các luật, pháp lệnh và khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản.

Tập trung nguồn lực thực hiện cải cách thể chế - Ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, định kỳ hàng tháng, hàng quý đăng tải công khai tình trạng ban hành văn bản, danh mục văn bản nợ ban hành trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ. Việc tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06 đã được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các bộ, ngành. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động hơn trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm việc truyền thông chính sách trong xây dựng pháp luật, như các lĩnh vực pháp luật về đất đai, quản lý cư trú…

Nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thể chế đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Việc tham gia, phối hợp trong quá trình soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL còn chưa nghiêm túc. Việc tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền ở các bộ, ngành còn chưa được kịp thời, chưa theo sát được tiến độ ban hành văn bản. Việc rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL nhìn chung còn chậm.
Trong 06 tháng cuối năm 2023, theo Thứ trưởng, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cần tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thành việc trình, ban hành đối với văn bản quy định chi tiết, đảm bảo tiến độ và chất lượng, tránh chậm, nợ ban hành văn bản. 

Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực bảo đảm tiến độ, chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Chủ động bám sát quá trình xây dựng, ban hành các văn bản được phân công, thực hiện theo dõi ngay từ giai đoạn soạn thảo đến khi văn bản được thông qua, ký ban hành; theo dõi sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của Bộ, ngành, địa phương; xử lý triệt để, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật đã kết luận, không để tồn tại trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật gây trở ngại đến quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, môi trường sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Tổ công tác, trọng tâm là rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội (theo Đề án 06).

Đồng thời, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030”. Tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong đó chú trọng chỉ đạo các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023; chỉ đạo truyền thông chính sách, bảo đảm 100% chính sách có tác động lớn phải được tổ chức truyền thông theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”./.

Tin Cùng Chuyên Mục