Tham vọng bành trướng trong lĩnh vực thương mại điện tử bị cản trở bởi lệnh cấm Indonesia mua sắm, bán hàng trên TikTok

Tuấn Anh

Theo công ty nghiên cứu thị trường Cube Asia, "cú ngã" ở Indonesia - thị trường chiếm gần 60% tổng doanh thu thương mại điện tử của TikTok trong khu vực, đặt ra dấu hỏi lớn về cách mô hình nền tảng video ngắn tiếp tục phát triển.

Theo South China Morning Post, kế hoạch mở rộng trong lĩnh vực thương mại điện tử của TikTok đã gặp phải trở ngại, đặc biệt là thị trường trọng điểm Đông Nam Á, sau khi Indonesia áp đặt lệnh cấm mua sắm trực tuyến qua mạng xã hội.

Ông William Yuen Yee, nhà tư vấn tại Rhodium Group cho biết: “TikTok đang trông cậy vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, với các nền kinh tế lớn như Indonesia, nhằm đạt được mục tiêu doanh thu toàn cầu đầy tham vọng".

“Nhưng những mục tiêu đó hiện đang bị nghi ngờ", ông Yee nói thêm. SCMP nhận định, cộng đồng kinh doanh truyền thống, bị ảnh hưởng bởi các nền tảng thương mại xã hội, sẽ phản hồi và vận động để các cơ quan quản lý hạn chế TikTok Shop ở các thị trường Đông Nam Á.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Cube Asia, "cú ngã" ở Indonesia - thị trường chiếm gần 60% tổng doanh thu thương mại điện tử của TikTok trong khu vực, đặt ra dấu hỏi lớn về cách mô hình nền tảng video ngắn tiếp tục phát triển. Bởi TikTok không hề đơn độc ở thị trường này và các tên tuổi khác cũng đang cạnh tranh gay gắt.

Nhà phân tích Li Chengdong nhận định, lệnh cấm từ chính phủ Indonesia có thể là tín hiệu tốt cho các nền tảng thương mại điện tử khác - đơn vị ít phụ thuộc vào những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để rao bán hàng hóa thông qua các video clip ngắn hoặc buổi phát trực tiếp.

Chuyên gia này kể tên một vài nền tảng bao gồm Shopee của Tập đoàn công nghệ Singapore, Tokopedia của GoTo hay Lazada - một đơn vị của Tập đoàn Alibaba.

Li cho biết: “TikTok đã thử nghiệm thương mại điện tử ở Anh, Mỹ và các thị trường khác nhưng không có nhiều thành công. Mô hình này hoạt động tốt nhất ở Đông Nam Á nhờ lưu lượng truy cập ở Indonesia. Vì vậy, lệnh cấm chắc chắn sẽ có tác động lớn".

Indonesia - quốc gia đông dân và sở hữu nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á - là một trong những thị trường đầu tiên mà TikTok thiết lập hoạt động thương mại điện tử vào năm 2021, nhờ có gần 100 triệu người dùng trong nước trên nền tảng video ngắn.

Trên khắp Đông Nam Á, TikTok Shop cũng đang tăng cường hiện diện tại Malaysia, Philippines, Việt Nam, Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, TikTok Shop cũng đã có mặt ở Arab Saudi.

Theo Zhang Zhoupin, Giám đốc nghiên cứu thương mại điện tử xuyên biên giới của công ty tư vấn 100ec, lệnh cấm giao dịch mua bán qua mạng xã hội của Indonesia có thể là khởi nguồn cho việc hạn chế mô hình này tại nhiều thị trường khác. Đơn cử như Douyin tại thị trường Trung Quốc. 

Theo ước tính của Cinda Securities, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát trực tiếp của Douyin đã ghi nhận tổng khối lượng hàng hóa (GMV) gần 1.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 205 tỷ USD) ở đại lục vào năm ngoái.

Báo cáo của Momentum Works cho biết, năm ngoái, TikTok Shop đã tạo ra hơn 2,5 tỷ USD GMV ở Indonesia. Trong khi đó, GMV thương mại điện tử tổng thể ở Đông Nam Á đạt 4,4 tỷ USD vào năm ngoái.

Tin Cùng Chuyên Mục