Thay đổi cách xác định xe quá tải, xe quá khổ

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 35/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

Theo Thông tư 35/2023/TT-BGTVT, xe quá tải trọng của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau: (1)
1- Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "hạn chế trọng tải toàn bộ xe" hoặc biển báo hiệu "Loại xe hạn chế qua cầu" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
2- Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá quy định về giới hạn tổng trọng lượng của xe tại Điều 17 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "hạn chế trọng tải toàn bộ xe" và "Loại xe hạn chế qua cầu";
3- Có tải trọng trục xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế tải trọng trên trục xe" hoặc biển báo hiệu "Tải trọng trục hạn chế qua cầu" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
4- Có tải trọng trục xe vượt quá quy định về giới hạn tải trọng trục xe tại Điều 16 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "Hạn chế tải trọng trên trục xe" và "Tải trọng trục hạn chế qua cầu".

Xe quá khổ giới hạn của đường bộ

Thông tư cũng nêu rõ, xe quá khổ giới hạn của đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau: (2)
1- Chiều dài vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe" hoặc biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc" tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
2- Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều dài xe" và "Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc";
3- Chiều rộng vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều ngang xe" tại nơi có loại biển báo hiệu này;
4- Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét tại nơi không có loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều ngang xe";
5- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu "Hạn chế chiều cao" tại nơi có loại biển báo hiệu này;
6- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét, đối với xe chở container lớn hơn 4,35m mét tại nơi không có loại biển báo hiệu "Hạn chế chiều cao".
Cũng theo Thông tư, xe máy chuyên dùng có tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại đoạn (1) bên trên hoặc kích thước bao ngoài thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại đoạn (2) bên trên khi tham gia giao thông trên đường bộ được coi là xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn.

Thông tư 35/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2024.

Tin Cùng Chuyên Mục