Thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ chờ duyệt đề án tái cơ cấu tổng thể PVN

NĐH

Đạm Phú Mỹ vừa bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập đến từ PVN là ông Tạ Quang Huy.

Ngày 30/9, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) họp ĐHĐCĐ bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT độc lập.

Cụ thể, HĐQT Đạm Phú Mỹ sau kỳ họp cổ đông thường niên 2020 có 6 thành viên. Tuy nhiên, ngày 21/7, thành viên HĐQT độc lập Lê Minh Hồng đã gửi tới HĐQT đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Bởi vậy, doanh nghiệp phải tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường để bầu thành viên thay thế.

Có 2 ứng viên gồm ông Tạ Quang Huy (1978), do cổ đông Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 59,58% vốn đề cử và bà Lưu Thị Thu Hương (1985) do nhóm cổ đông Tổng CTCP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An cùng CTCP Lương thực, Vật tư nông nghiệp Đắk Lắk sở hữu 5,93% vốn đề cử.

Theo kết quả kiểm phiếu, ông Tạ Quang Huy đã trúng cử với tỷ lệ bầu 81% trong khi bà Lưu Thị Thu Hương chỉ được 13,8%.

Tại đại hội, đại diện nhóm cổ đông Vật tư Nông nghiệp Nghệ An cho rằng PVN chỉ nắm gần 60% vốn  nhưng số lượng thành viên HĐQT do tập đoàn đề cử chiếm hơn 80% trong HĐQT. Điều này không tương xứng với số cổ đông còn lại nắm giữ hơn 40% vốn. Theo đó, đại diện đến từ Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đề nghị PVN giải thích việc đề cử ứng viên bầu thành viên độc lập có đúng luật và khi nào tiến hành thoái vốn.

Đại diện PVN khẳng định thực hiện đề cử thành viên HĐQT đúng theo quy định của pháp luật và theo số cổ phần nắm giữ. Liên quan đến vấn đề thoái vốn, đề án tái cơ cấu tổng thể của PVN giai đoạn 2020-2025 xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng từ năm 2018 đến nay đã được hoàn thiện và đang ở bước trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để trình lên Chính phủ.

Trong thời gian qua, do những quy định về quản lý vốn, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thay đổi, thủ tục thoái vốn rất chặt chẽ nên tiến độ thực hiện của PVN cũng như nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác chưa đạt như mong muốn và PVN không chủ động được về tiến độ. Khi đề án tái cơ cấu tổng thể chính thức được Thủ tướng phê duyệt, PVN sẽ có cơ sở để chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, trong đó có nội dung về tái cơ cấu/thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DPM có bước tăng giá gần 40% lên 17.800 (chốt phiên 1/10) trong vòng 2 tháng qua.

Nguồn: VNDirect
Nguồn: VNDirect

Đà tăng của cổ phiếu DPM có lẽ đến từ kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh nghiệp ước doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 5.978 tỷ đồng, lãi trước thuế 664 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 275% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón quý III và 9 tháng diễn biến khả quan, các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất được vận hành đạt công suất tối ưu trong khi chi phí được kiểm soát chặt.

Sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy NPK trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 722.000 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón ước đạt khoảng 835.000 tấn, tăng 25%; sản lượng sản phẩm hóa chất ước đạt 100.000 tấn, hoàn thành 87% kế hoạch năm và tăng 37% so với cùng kỳ.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục