Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: “Thần tốc” nhưng phải an toàn!

Trà Long

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin (VX) phòng Covid-19, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ký kết hợp đồng mua VX  từ các nhà sản xuất. Cùng với việc tìm kiếm các nguồn VX, khâu tiêm chủng cũng được các đơn vị chức năng rốt  ráo tiến hành với tiêu chí đưa ra: “Thần tốc” nhưng phải đi đôi với an toàn!

200.000 mũi tiêm/ngày…

Để triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021 theo kế hoạch đã đề ra, Bác sỹ Ngô Khánh Hoàng – Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho hay: CDC Hà Nội đã tham mưu cho Sở Y tế chủ động xây dựng phương án với yêu cầu thực hiện 200.000 mũi tiêm/ngày để đáp ứng tiêm chủng VX phòng Covid-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất với mục tiêu: “Triển khai chiến dịch tiêm chủng VX phòng Covid-19 “thần tốc” để chống dịch chủ động với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn là hàng đầu, tiêm đến đâu an toàn đến đó”.

Bác sỹ Ngô Khánh Hoàng
Bác sỹ Ngô Khánh Hoàng

Hiện tại, Bác sỹ Ngô Khánh Hoàng cho biết: Thành phố đã đã triển khai rà soát thực trạng công tác tiêm chủng và nguồn lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu tiêm chủng 200.000 mũi tiêm / ngày. Với tổng số 1.200 dây chuyền tiêm chủng được huy động từ toàn bộ hệ thống cơ sở tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ tại các Trạm y tế xã, phường; Các bệnh viện, các phòng khám đa khoa; Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cả trong và ngoài công lập với số nhân lực đã được đào tạo cấp Chứng nhận tiêm chủng an toàn còn hiệu lực có thể bố trí được ngay 704 dây chuyền tiêm chủng. Số dây chuyền tiêm chủng cần bổ sung cũng được khẩn trương huy động từ các cơ sở công lập để lên kế hoạch tập huấn, ngoài ra sẽ huy động 768 sinh viên các trường y trên địa bàn hỗ trợ cho các dây chuyền tiêm. “Tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Ban, ngành, đoàn thể sẽ cùng vào cuộc, tham gia chỉ đạo, tổ chức chiến dịch tiêm chủng VX phòng Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”…

Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng đồng thời rà soát trang thiết bị để bảo quản VX tại tất cả các tuyến có thể tiếp nhận cùng thời điểm tối đa 1,3 triệu liều (theo quy cách đóng gói của vắc xin phòng COVID-19 do Astra Zeneca sản xuất), đối với các loại vắc xin có quy cách đóng gói khác số lượng tiếp nhận sẽ thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị phải bảo quản các loại vắc xin phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên để đáp ứng năng lực bảo quản cần huy động hỗ trợ thiết bị bảo quản vắc xin từ các đơn vị khác như kho lạnh của Bộ Tư lệnh Thủ đô và các doanh nghiệp có dây chuyền lạnh, kho lạnh đảm bảo trên địa bàn.

Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca sản xuất và trong thời gian sắp tới sẽ triển khai tiêm chủng các loại vắc xin khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: “Thần tốc” nhưng phải an toàn!  - Ảnh 1

Đảm bảo an toàn tiêm chủng!

Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, nhất là trong tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn, Bác sỹ Ngô Khánh Hoàng cho hay: Thành phố cũng đã huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các sự cố tiêm chủng. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện tại Hà Nội đang triển khai tiêm chủng bằng VX phòng Covid-19 của AstraZeneca sản xuất. Hiệu lực bảo vệ của VX trước tác nhân gây bệnh Covid-19 theo kết quả nghiên cứu lâm sàng từ 62 - 90%.

Bác sỹ Ngô Khánh Hoàng khuyến cáo: Để tránh những tai biến trong quá trình tiêm chủng VX, cần chú ý:

Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng VX Covid-19: Tương tự như các loại VX khác, VX phòng Covid-19 cũng có thể ghi nhận các trường hợp, sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường và tai biến nặng. Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, phản ứng thông thường sau tiêm chủng rất phổ biến (≥10%) như: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt  ≥ 38 độ C), ớn lạnh, các phản ứng này hầu hết tự khỏi trong vài ngày sau tiêm chủng. Các trường hợp tai biến có thể xảy ra là những phản ứng quá mẫn, phản ứng phản vệ sau tiêm chủng VX. 

Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: “Thần tốc” nhưng phải an toàn!  - Ảnh 2

An toàn tiêm chủng: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, phòng chống phản vệ trong buổi tiêm chủng, tất cả quy trình tiêm chủng đều được tổ chức thực hiện chặt chẽ, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo tiêm chủng an toàn là hàng đầu, tiêm đến đâu an toàn đến đó. Tất cả các cán bộ y tế đều được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng VX phòng Covid-19; Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng tuân thủ chỉ định, chống chỉ định, hoãn tiêm, thận trọng tiêm theo hướng dẫn tại Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng VX phòng Covid-19 và Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT.

Tất cả các điểm tiêm chủng đều trang bị sẵn các phương tiện phòng chống phản vệ như hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại bàn tiêm chủng và khu vực theo dõi xử trí phản vệ sau tiêm chủng, có bảng phân công nhân lực cụ thể để xử trí phản vệ sau tiêm chủng tại từng điểm tiêm, xây dựng các phương án và quy trình xử trí phản vệ; Tất cả các Trung tâm Y tế, bệnh viện, các điểm tiêm chủng lưu động đều có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng thường trực tại đơn vị với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu sẵn sàng tham gia cấp cứu, điều trị người bệnh khi có trường hợp phản vệ xảy ra.

Đối tượng không nên tiêm: Theo hướng dẫn tại Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng VX phòng Covid-19, các đối tượng chống chỉ định là các trường hợp có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên với bất cứ dị nguyên nào và có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất. Ngoài ra các đối tượng trì hoãn tiêm chủng như đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển; Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, điều trị corticoid liều cao; Phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ…; Các đối tượng phải thận trọng tiêm chủng tại bệnh viện như người có bị lý nền nặng, người có bệnh mãn tính có bất thường về dấu hiệu sống…

 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì việc tiêm chủng VX là một trong các biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cùng với thực hiện 5K. Tiêm chủng VX phòng bệnh là quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, gia đình và toàn xã hội, vì vậy mọi người dân nên hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng VX Covid-19…

Tin Cùng Chuyên Mục