Tổ chức bất thành Đại hội cổ đông bất thường 2023, CEO CII tiết lộ nếu cổ phiếu HUT lên mạnh thì bán, giảm về giá trị thực sẽ mua lại

Linh An

Trong buổi thảo luận với cổ đông, Tổng giám đốc CII tiết lộ thêm về lĩnh vực mới là đầu tư hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp y tế.

Sáng ngày 19/9/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã ck: CII) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023.

Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM cho biết, sáng 19/9 có hơn 200 cổ đông đến tham dự, chiếm khoảng 31% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Số lượng này được ban tổ chức CII đánh giá là đông hơn so với mọi năm, dù vậy, tỷ lệ này vẫn không đủ để Đại hội cổ đông bất thường tiến hành.

Trước đó, để khuyến khích nhà đầu tư tham dự Đại hội, Công ty CII cho biết sẽ có món quà tri ân gửi đến cổ đông có quyền tham dự Đại hội nếu nhà đầu tư tham gia đại hội. Tuy nhiên, Đại hội vẫn tổ chức bất thành.

Tổ chức bất thành Đại hội cổ đông bất thường 2023, CEO CII tiết lộ nếu cổ phiếu HUT lên mạnh thì bán, giảm về giá trị thực sẽ mua lại - Ảnh 1

Đại hội lần này nhằm thông qua tờ trình quan trọng là định hướng phát triển chiến lược của CII giai đoạn 2024 - 2030, bao gồm cho phép CII bố trí ngân sách để đẩy mạnh việc nghiên cứu các dự án BOT và các dự án hạ tầng giao thông khác.

Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông là truyền thống, CII còn muốn "lấn sân" sang lĩnh vực y tế theo 2 hướng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.

Đại hội cổ đông thường niên bất thường 2023 diễn ra bất thành, nhưng ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc của CII đã có buổi thảo luận với cổ đông, liên quan đến các vấn đề kinh doanh hiện tại của Công ty.

Tiết lộ thêm về lĩnh vực mới là đầu tư hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp y tế

Tại buổi thảo luận, ông Bình chia sẻ thêm về lĩnh vực mới là đầu tư hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp y tế. Cụ thể, vị Tổng giám đốc Lê Quốc Bình tiết lộ, CII xác định rõ không trực tiếp tham gia vào lĩnh vực bất động sản, mà chỉ khai thác lợi thế bất động sản hình thành từ cơ sở hạ tầng. Còn bất động sản y tế, CII thấy có 2 câu chuyện lớn là TP HCM cho làm BOT trong y tế và giáo dục.

Theo đó, các bệnh viện công hoặc tư hiện có khái niệm "khách sạn bệnh viện", CII đang nghiên cứu lĩnh vực khách sạn bệnh viện (chứ không tham gia vào bệnh viện).

CII cũng sẽ khai thác các dự án chung cư để làm phòng khám. Hiện, CII có dự án nằm ngay trục TP HCM kết nối với các tỉnh miền Tây, và khối đế 4 tầng CII sẽ liên kết với bệnh viện để làm phòng khám. CII cũng dành 1 block chung cư để làm căn hộ cho thuê, ví dụ người miền Tây lên khám bệnh thuê ở.

Tổ chức bất thành Đại hội cổ đông bất thường 2023, CEO CII tiết lộ nếu cổ phiếu HUT lên mạnh thì bán, giảm về giá trị thực sẽ mua lại - Ảnh 2

Mặt khác, khi làm dự án mở rộng đường lộ về các tỉnh miền Tây CII cũng sẽ tìm kiếm các quỹ đất mới. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư vào của CII sẽ không nhiều, tinh thần chỉ khai thác quỹ đất hiện có và phát triển thêm trên cơ sở hạ tầng.

Về hạ tầng y tế, CII không đi làm bất động sản dưỡng lão, mà thay vào đó, CII xây khu chung cư có dịch vụ cho người tầm 55 -65 tuổi, có phòng khám y tế, dịch vụ massage, có dịch vụ giúp việc…

Khả năng trúng thầu 5 dự án sắp triển khai và tiến trình để trúng thầu

Bên cạnh đó, theo vị Tổng giám đốc CII, cũng nói thêm về khả năng trúng thầu 5 dự án sắp triển khai cũng như tiến trình để trúng thầu.

Theo đó, công ty dự kiến triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng.

Các dự án CII đang nghiên cứu tập trung ở khu vực cửa ngõ phía Bắc và phía Tây Nam TP. HCM. Trong đó, dự án lớn nhất mà doanh nghiệp này muốn triển khai là cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.

Đề cập đến 5 dự án TP HCM sắp triển khai, CEO Lê Quốc Bình khẳng định, nếu xét đầu tư theo hình thức BOT, riêng hình thức BOT có khả năng hoàn vốn thì CII đứng số 1 thị trường. Trên cơ sở đó, với khả năng tham gia đấu và trúng thầu, tỷ lệ thành công của BOT cao. 

Cùng với đó, ông Bình cũng chỉ ra hai vấn đề lớn. Đầu tiên đó là nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Ông giải thích, nhiều dự án BOT được đấu thầu xong để đó vì không huy động được vốn.Nếu đi vay làm dự án BOT thì hầu như không có ngân hàng nào cho vay, trừ CII (vì có lịch sử tín dụng tốt, có tên tuổi, có dữ liệu đầu vào tốt…).

Hiện ai tham gia đầu tư sẽ bị siết yêu cầu là có thư bảo lãnh từ ngân hàng sẽ cho vay, tránh trường hợp trúng thầu xong không có tiền làm.

Thứ hai, đó là gần 95% các nhà đầu tư trong PPP hạ tầng là các nhà thầu. Đa phần quan tâm khối lượng thi công hơn là khả năng hoàn vốn dự án, nên khi bỏ giá dự thầu luôn cố bỏ thấp để đạt được khối lượng thi công cao; trong khi đó CII chọn độ an toàn làm trọng, có khả năng hoàn vốn, sau đó mới tính đến sẽ làm gì, lời lỗ sao…

Về tiến trình các dự án PPP, Hội đồng nhân dân TP.HCM sẽ duyệt phần đầu tư, các cơ quan thẩm quyền lập dự án đầu tư, tổ chức mời thầu, nhà thầu tham gia thầu, trúng thầu, làm hợp đồng.

Như vậy, tiến trình nếu nhanh thì phải mất khoảng 18 tháng và chậm là 2-3 năm. Tuy nhiên, muốn tham gia dự thầu, để có cơ sở dữ liệu chắc chắn, tự tin, để đưa ra giá dự thầu thì cần làm ngay từ giờ.

Mục đích việc CII sở hữu 5% cổ phiếu HUT

Tasco (HUT) hiện gắn với CII tại dự án quy mô rất lớn là thu phí tự động. Liên danh để triển khai đầu tư dự án này có 2 đơn vị của HUT, công ty cầu đường và CII (công ty mẹ).

Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu HUT tăng tốt, vượt quá giá trị mà mình đánh giá thì CII sẽ bán và khi nào về giá trị thực thì CII sẽ mua lại.

Đơn cử như đầu tư vào NBB trước đây. Khi dòng tiền trên thị trường trả giá cao, lên 4x thì CII đã bán ra NBB và đến khi giảm về 2x, CII đã tính toán và mua lại nên tỷ lệ sở hữu tại NBB vẫn giữ được.

Tin Cùng Chuyên Mục