Tổng lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Trung Hiếu

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thời gian qua cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều biện pháp để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững…

Khơi thông nguồn vốn

Bất động sản đóng góp tới 11% GDP và có sức ảnh hưởng chi phối đến hàng trăm ngành nghề. Tuy nhiên, thời gian vừa qua bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn lao động các ngành nghề liên quan.

Tổng lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản - Ảnh 1

Hàng nghìn doanh nghiệp trên thị trường bất động sản đang bị rơi vào tình cảnh đói vốn, khó khăn chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng, giãn, hoãn các dự án đang triển khai, thậm chí sa thải 30-50% lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng, dòng vốn tín dụng bị đóng và dư nợ trái phiếu cao.

Thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn. Việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho cả chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng như người mua nhà. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách đột phá khơi thông nguồn vốn, vực dậy thị trường bất động sản.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay có 6 vấn đề tác động lớn đến thị trường bất động sản bao gồm: kinh tế vĩ mô bao gồm tăng trưởng, lạm phát, thu nhập, tỷ giá tác động rất mạnh; vấn đề pháp lý và thách thức trong vấn đề quản lý; vấn đề về quy hoạch và cơ sở hạ tầng; yếu tố tài chính: thuế phí. Tiếp theo là nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn từ các kênh vốn khác (huy động vốn cộng đồng…); vấn đề về các thông tin dữ liệu, tính minh bạch của thị trường và vấn đề cuối cùng là liên quan đến cung cầu và giá mua bán trên thị trường.

Trao đổi về vốn, ông Lực đánh giá, mặc dù nguồn vốn tín dụng năm vừa qua vẫn tăng 15% đổ vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, có 2 áp lực về vốn khi quý I, II/2022 tăng quá nhanh dẫn đến việc quý III phải “phanh gấp”. Mặt khác, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm lớn, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp không phát triển, phát hành giảm đã dồn áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng.

Mặc dù vậy, vốn nước ngoài đổ vào bất động sản tương đối tốt, khoảng hơn 4 tỷ USD cho đến thời điểm hiện nay. trong đó hơn 2 tỷ USD là M&A và gần 2 tỷ USD là vốn góp cổ phần.

Đánh giá về cấu trúc vốn cho thị trường bất động sản năm nay, ông Lực cho biết khoảng 700-800 ngàn tỷ đồng. Thông thường vốn ngân hàng chiếm 50%. Nhưng do năm 2023 các kênh vốn khác không phát triển nên vốn ngân hàng chiếm đến 70%, 30% là vốn từ các kênh còn lại. Chính vì vậy, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cấu trúc vốn cần trở về trạng thái cân bằng hơn trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, để xử lý trái phiếu đáo hạn năm tới và năm tiếp theo, ông Lực cho rằng, Việt Nam không thể dùng tiền ngân sách để giải cứu mà phải dùng cơ chế, chính sách, phương pháp hướng dẫn. Theo ông Lực, hiện nay Bộ Xây Dựng và Bộ Tài Chính đang tích cực nỗ lực đưa ra các biện pháp khả thi, phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam.

Thị trường trái phiếu đến hạn toàn thị trường năm tới khoảng 600 ngàn tỷ 2 năm, mỗi năm khoảng 300 ngàn tỷ. Riêng lĩnh vực bất động sản, lượng trái phiếu đến hạn khoảng 130 ngàn tỷ vàn 2024 khoảng 120 ngàn tỷ. Do đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, chủ phát hành đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ. Và việc sửa đổi Nghị định 156 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là bước quan trọng khi cho phép giãn hoãn nợ với trái chủ.

  1. Cấn Văn Lực cũng đề nghị có thể xem xét đổi tiền lấy hàng: đổi trái phiếu lấy nhà. Tuy nhiên, Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, cũng như cách thức và giá cả… Đồng thời, được phép phát hành trái phiếu mới, đặc biệt có giãn hoãn một số điều kiện hơi chặt hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, ông Lực gợi ý cần tiến hành tái cấu trúc, bên cạnh đó phấn đấu nợ đến hạn phải trả. Không trả được phải đàm phán khất; đồng thời chấp nhận cắt lỗ, bán đi một số tài sản, dự án để có tiền trả nợ.

Chính phủ liên tục tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, tạo niềm tin cho thị trường

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong vòng 1 tháng qua Chính Phủ đã liên tục ban hành các văn bản, yêu cầu các bộ ban ngành liên quan khơi thông vốn, ổn định lại thị trường. Cụ thể, ngày 17/11 Chính phủ đã ban hành quyết định số 1435 về thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tại công điện này, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.

Tiếp đó, ngày 14/12/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Tại công điện này, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Các nhà băng cần cho vay, giải ngân nhanh với những dự án, doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện, có khả năng trả nợ, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.

Không chỉ tháo gỡ về vốn, về chính sách, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thời gian vừa qua Bộ Tài Chính cũng liên tục ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu... sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện thay vì từ 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65. Đáng chú ý, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Đánh giá về những chính sách gần đây của Chính Phủ cùng với các Bộ, các chuyên gia cũng cho biết những giải pháp tổng hòa của Chính phủ thời gian qua đã giúp lấy lại niềm tin của thị trường. Mặc dù những chính sách trên chưa thật sự hiệu quả ngay nhưng cũng tháo gỡ được một phần khó khăn cho doanh nghiệp, giãn nợ, giãn áp lực giúp doanh nghiệp “dễ thở” để tiếp tục bước sang năm 2023.

“Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, do đó cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường có thể phục hồi trong quý III/2023”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận tín dụng, một trong những nút thắt lớn nhất. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng việc tiếp cận vốn vay vẫn rất khó khăn ngay cả với dự án pháp lý hoàn chỉnh, kế hoạch kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo. Nếu gỡ được nút thắt này, những khó khăn của doanh nghiệp, của thị trường cơ bản sẽ được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong khó khăn và tháo gỡ khó khăn. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc một số địa phương, doanh nghiệp và ghi nhận một số nhóm vấn đề vướng mắc có thể tác động đến thị trường bất động sản và bước đầu báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Thông tin về các nhóm giải pháp này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: với nhóm giải pháp thúc đẩy dự án đang triển khai các bộ ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm giải pháp này, khi được tháo gỡ khó khăn sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường.

Cùng với đó là những giải pháp tháo gỡ khó khăn các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ ở thành phố lớn…

Về các giải pháp lâu dài, căn cơ, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục