Tổng thư ký VNBA: Vay là phải trả, hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ là không thể chấp nhận

Linh Linh

Quan hệ giữa người cho vay và người vay là bình đẳng, không thể vì không trả được nợ mà quan hệ trở nên bất bình đẳng (chỉ bảo vệ quyền lợi của con nợ).

Vài năm trở lại đây, hoạt động giao dịch thương mại không dùng tiền mặt ở Việt Nam liên tục tăng trưởng 2 con số, dư nợ cho vay tiêu dùng cũng vì thế đi lên. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang sở hữu cơ hội tăng trưởng lớn. 

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm những thách thức. Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có vài chia sẻ, đánh giá thực trạng hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam. 

Sai phạm trong quá trình thu hồi nợ - sai đến đâu xử phạt đến đó

Đầu tiên, cần nói rõ, thị trường tín dụng tiêu dùng được phân khúc bởi hai nhóm nhà cung cấp chính là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng như công ty tài chính tiêu dùng, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức cho vay khác…

Gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng còn được đa dạng hóa hơn với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính và các hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của các công ty bán lẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: VNBA
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: VNBA

Nhóm khách hàng chủ yếu là những người lao động có thu nhập trung bình thấp, nhu cầu vay vốn cao nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đặc biệt, việc vay qua các công ty tài chính là giải pháp tài chính mà không đòi hỏi người dân về tài sản thế chấp hay bắt buộc phải chứng minh thu nhập thì mới được vay. 

Ông Hùng cho rằng, cần xác định rõ công ty tài chính do ngân hàng cấp phép hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, khác công ty tài chính cho vay cầm đồ hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự. Hiện có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động chịu sự thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Hai loại hình này khác nhau vì cho vay cầm đồ thì phải có đồ để cầm mới vay được còn công ty tài chính tiêu dùng là cho vay tín chấp. Tuy nhiên, hiện nay cả 2 nhóm này đang gặp không ít khó khăn.

Tổng thư ký VNBA: Vay là phải trả, hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ là không thể chấp nhận - Ảnh 1

Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động rất hiệu quả, giúp hạn chế tín dụng đen, giảm nạn cho vay nặng lãi, hỗ trợ người lao động, tháo gỡ khó khăn cho công nhân ở khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa... Tuy nhiên thời gian gần đây xuất hiện tình trạng đối tượng vay nhưng không muốn trả hoặc sử dụng sai mục đích khiến công ty tài chính không thể đòi được nợ. Do đó, dễ dẫn đến việc sai phạm trong quá trình thu hồi nợ.

Theo ông Hùng, việc sai phạm đến đâu cần phải xử lý luật đến đó. Nhưng ngược lại, nếu công ty hoạt động đúng Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng thì cần để hoạt động bình thường nhưng có sự thanh kiểm tra, kiểm soát phối hợp với cơ quan công an, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước. 

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết, hiện xuất hiện tình trạng nhiều người vay cùng "hợp sức" lại tạo thành nhóm bùng nợ. Hậu quả là công ty tài chính tiêu dùng không đòi được nợ, nhân viên thu hồi nợ xin nghỉ việc, "con nợ" trở thành "ông chủ", gây áp lực lên cả chủ nợ.

Ông Hùng nhấn mạnh, cần phải thống nhất một nguyên tắc, vay là phải trả và hành động cố tình gây khó khăn khi thu hồi nợ là không thể chấp nhận. Điều này đẩy công ty tài chính thu hồi nợ vào thế khó. 

Nhiều người cho rằng, phải chăng đang có khoảng trống trong quy định pháp luật để các công ty tài chính thu hồi nợ khi người vay không có ý thức trả nợ.

Theo ông Hùng, nhiều người dân hiện nay không có ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ dẫn tới tình trạng nợ xấu công ty tài chính tăng cao. Giải pháp là làm sao cho người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trả nợ. Nếu thấy lãi suất quá cao, có thể đàm phán với các công ty tài chính để giảm bớt lãi. Nhưng cần xác định nếu một người không trả được nợ, có thể cả gia đình sẽ không thể vay được vốn.

Quan hệ giữa người cho vay và người vay là bình đẳng, không thể vì không trả được nợ mà quan hệ trở nên bất bình đẳng (chỉ bảo vệ quyền lợi của con nợ).

Chính vì lẽ đó, ông cho rằng, việc nhanh chóng tích hợp thông tin dữ liệu trong căn cước công dân là một yêu cầu cấp thiết để các công ty tài chính, ngân hàng có dữ liệu khi cấp vốn.

Về việc quản lý đối với các công ty tài chính. Họ được phép cho vay, cũng được phép thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật. Nếu có sai phạm, cơ quan quản lý có thể hoặc là rút giấy phép hoặc là xử lý hình sự.

Tin Cùng Chuyên Mục