Trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.

65 xã, 22 thôn, bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết

Theo đó, có 65 xã, 22 thôn, bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.

Người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết này được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Cụ thể, trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết này được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết này được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng.

Người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý có các quyền như: Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý;...

Quy định về hồ sơ trợ giúp pháp lý

Nghị quyết nêu rõ, khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có:

a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:

+ Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại (a) và (c) nêu trên; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại (a) và (c) nêu trên, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

+ Trường hợp gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Tin Cùng Chuyên Mục