Ứng dụng dạy gia sư online của Việt Nam huy động thành công 1,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên

Như Quỳnh

Trước Marathon, Việt Nam đã có tới 6 công ty edtech gọi vốn thành công trong năm 2021.

Công ty khởi nghiệp Việt Nam - Marathon đã huy động được 1,5 triệu USD trong vòng sơ tuyển (pre-seed round) do quỹ đầu tư mạo hiểm Forge Ventures (Singapore) dẫn đầu. Quỹ đầu tư Venturra Discovery, iSeed SEA,... cũng được cho là đã tham gia vào vòng gọi vốn này.

Thị trường công nghệ giáo dục trong nước đang bùng nổ với hàng loạt start-up mới. Ảnh: TechCrunch
Thị trường công nghệ giáo dục trong nước đang bùng nổ với hàng loạt start-up mới. Ảnh: TechCrunch

Marathon là một công ty trong ngành công nghệ giáo dục (edtech), được thành lập bởi cựu giám đốc điều hành TPG Capital Phạm Đức và doanh nhân Trần Việt Tùng.

Phạm Đức là sinh viên đại học đầu tiên ở Đông Nam Á được TPG Capital tuyển dụng. Quỹ đầu tư Mỹ có trị giá 103 tỷ USD đã giao cho Đức nhiệm vụ đánh giá lại các khoản đầu tư tiềm năng trong khu vực.

Trong khi đó, Trần Việt Tùng là một doanh nhân giàu kinh nghiệm và hiện đã có 2 công ty khởi nghiệp - Triip.Me và Christina’s.

Marathon chuyên cung cấp giải pháp kết nối giữa gia sư với học sinh phổ thông. Cụ thể, các gia sư trên nền tảng Marathon sẽ được hỗ trợ bởi các trợ lý trên ứng dụng để giảng dạy học sinh thông qua internet. 

Marathon dự kiến cung cấp các khóa học toán và khoa học từ lớp 6 đến lớp 12, dựa trên Chương trình Quốc gia do Bộ Giáo dục Việt Nam (MOET) phát triển. Công ty cũng có kế hoạch ra mắt các khóa học môn mới như ngữ văn, lịch sử,... trong tương lai gần. Theo Marathon, tiềm năng phát triển ngành công nghệ giáo dục Việt Nam đang rất lớn. Cả nước có đến 18 triệu học sinh có nhu cầu học thêm ngoài giờ. 

Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu học trực tuyến tăng cao, đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với các công ty edtech trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ riêng tại Việt Nam, trước Marathon đã có 6 công ty edtech gọi vốn thành công ít nhất 22 triệu USD trong năm 2021. Trước đó, tổng tài trợ vốn cho các edtech Việt trong hai năm 2019 và 2020 đã lên tới 40 triệu USD. 

Vào tháng 7, tập đoàn Educa đã huy động được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ quỹ ReDefine Capital do gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hậu thuẫn.

Trước đó, công ty TNHH giáo dục Edmicro cũng vừa hoàn thành vòng tiền Series A + do công ty đầu tư mạo hiểm BEENEXT dẫn đầu. Không chỉ gia tăng số lượng công ty khởi nghiệp edtech nội địa, Việt Nam cũng thu hút nhiều tập đoàn edtech lớn trong khu vực và toàn cầu như Astrid (Thụy Điển), Geniebook (Singapore), Snapask (Hong Kong) và Ruangguru (Indonesia).

Tin Cùng Chuyên Mục