Vì sao thị trường tài chính Mỹ vẫn bình thản trước tin Fed sắp tăng lãi suất?

Quỳnh Chi

Gần một tuần sau tuyên bố siết chặt chính sách tiền tệ của Fed, thị trường tài chính Mỹ không xuất hiện các cơn giận dữ (taper tantrum) như từng xảy ra vào năm 2013. Có hai cách giải thích hiện tượng này.

Năm 2013, khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu bàn về việc rút lại các hỗ trợ nới lỏng tiền tệ, sự lo lắng của nhà đầu tư đã khiến thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Vì sao thị trường tài chính Mỹ vẫn bình thản trước tin Fed sắp tăng lãi suất? - Ảnh 1

Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, cổ phiếu thị trường mới nổi sụt giảm, trái phiếu rác giảm giá, cổ phiếu biến động mạnh, tất cả đều được gọi là “cơn giận dữ” của thị trường (taper tantrum) khiến Fed phải bận tâm trong nhiều tháng và khiến kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ bị trì hoãn.

Lần này, điều ngược lại đang xảy ra. Ngày 16/6, Fed tuyên bố sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất và bắt đầu bàn về việc giảm chương trình mua trái phiếu, thị trường dậy sóng ngay lập tức, lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng mạnh và cổ phiếu sụt điểm. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, các nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn. Cổ phiếu của các thị trường mới nổi tăng 5% trong năm nay, lợi suất trái phiếu rác sụt giảm và mức biến động của cổ phiếu giảm bớt.

“Trong vài tháng qua tôi đã lo rằng đến lúc nào đó thị trường sẽ nghĩ rằng hỗ trợ từ chính phủ sắp sửa bị thu hồi sớm hơn dự kiến và điều này sẽ trở thành một vấn đề”, Jeremy Stein, giáo sư kinh tế Đại học Harvard và cựu thống đốc Fed cho biết.

Thực tế là không có xáo trộn xảy ra cho thị trường. Điều này là một điều khác thường và có thể lý giải theo hai cách: thị trường không sao cả hoặc đang gặp vấn đề lớn.

Thị trường bình thường hay có trục trặc?

Nguyên nhân thị trường phản ứng một cách bình thản có thể là vì Fed đã làm tốt hơn công việc chuẩn bị tinh thần cho các nhà đầu tư khi thay đổi chính sách so với năm 2013 và phần lớn thị trường đồng tình với kế hoạch.

Fed hiện bắt đầu bàn về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu kho bạc (treasury bond) và trái phiếu bảo đảm bằng thế chấp (mortgage bond) trị giá 120 tỷ USD/ tháng. Họ cũng dời lịch dự báo tăng lãi suất ngắn hạn lên sớm hơn một chút so với cách đây vài tháng.

Mặc dù lạm phát tăng cao hơn dự báo trước đó, phần lớn quan chức Fed vẫn cho rằng lạm phát này chỉ là tạm thời. Đến khi hết tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và nền kinh tế mở cửa trở lại, tình hình lạm phát không quá cao sẽ cho phép họ tiến hành kế hoạch thắt chặt tiền tệ một cách từ từ để nhà đầu tư dễ thở.

Ngược lại, thị trường có thể đang gặp vấn đề nếu nếu Fed sắp phải thay đổi chính sách một cách đột ngột và quyết liệt hơn dự kiến của các nhà đầu tư, và khi thị trường choàng tỉnh trước thay đổi, hỗn loạn lớn sẽ xảy ra.

“Thị trường đã thoải mái vì lãi suất ngắn hạn không tăng nhiều trong chu kỳ vừa rồi, bản thân tôi nghĩ là quá thoải mái rồi”, theo William Dudley, cựu chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Bối cảnh khác biệt

Cả Dudley và Stein đều là quan chức của Fed trong thời kỳ hỗn loạn năm 2013. Khi đó, Fed cũng thu hồi chính sách nới lỏng định lượng sau đợt khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, bối cảnh khi đó khác hiện tại, một phần vì lúc đó cả Fed và các nhà đầu tư đều không có lộ trình rõ ràng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trước đây, ngân hàng trung ương không sử dụng các chương trình mua trái phiếu hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) như hiện tại. Nhiều nhà đầu tư không chắc về cách thức hoặc thời điểm kết thúc chương trình này.

Vì sao thị trường tài chính Mỹ vẫn bình thản trước tin Fed sắp tăng lãi suất? - Ảnh 2

John Bellows, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Western Asset cho biết: “QE vô cực bấy giờ là thuật ngữ phổ biến. Khi Fed cho biết chương trình đó không tiếp diễn mãi mãi, một số người bị sốc vì đầu tư sai chỗ”. Ngược lại, hiện tại viễn cảnh chấm dứt nới lỏng định lượng ít đáng sợ hơn đối với các nhà đầu tư, vì họ đã từng trải qua chuyện này.

Khi nào thị trường phát sinh vấn đề?

Thị trường tài chính sẽ gặp khó khăn nếu lộ trình cũ của Fed không hiệu quả đối với hoàn cảnh kinh tế mới sau đại dịch. Năm 2013, lạm phát ở Mỹ được khống chế tốt đến mức Fed cũng không thể ngờ. Liệu lần này lạm phát có được tiếp tục kiểm soát khi lập trường chính sách tiền tệ đã thay đổi từ hạn chế sau khủng hoảng 2008-2009 sang mở rộng như hiện nay? Bên cạnh đó, bối cảnh đại dịch làm xáo trộn kéo dài đời sống và kinh tế cũng khác với điều kiện của năm 2013.

 “Fed không thể hỗ trợ các thị trường nếu có bất ngờ về lạm phát”, ông Stein không chắc về hiệu quả chính sách tiền tệ lần này. Ông nói rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell, bạn và đồng nghiệp cũ của ông, đã rất khéo léo trong việc thay đổi lập trường khi cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng trong những tháng sắp tới, Fed thực sự cần thị trường giữ được sự bình tĩnh như hiện nay.

“Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để tránh gây chấn động thị trường. Nhưng sau cùng, khi đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô, chúng tôi sẽ điều chỉnh giảm [mua trái phiếu] cho phù hợp tình hình”, ông Powell nói trong một cuộc họp báo ngày 16/6.

Tin Cùng Chuyên Mục