Vì sao Vinaconex đạt doanh thu cao nhất trong 12 năm nhưng lợi nhuận 'xuống đáy'?

Trung Hiếu

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) đã kết thúc năm 2023 với doanh thu cao nhất 12 năm qua, song lại chỉ có lợi nhuận sau thuế thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.

 Vinaconex đạt doanh thu cao nhất trong 12 năm nhưng lợi nhuận “xuống đáy”
Vinaconex đạt doanh thu cao nhất trong 12 năm nhưng lợi nhuận “xuống đáy”

Doanh thu đạt đỉnh, lợi nhuận “xuống đáy”

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Tổng công ty Cổ phần Vinaconex (HoSE: VCG) cho thấy, doanh thu thuần đạt 3.789 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận gộp đạt 291 tỷ đồng, tăng 74%, biên lợi nhuận gộp đạt 7,68%.

Trong quý, VCG có thêm 98 tỷ đồng doanh thu tài chính (tăng 36%) và 8 tỷ đồng lợi nhuận khác. Công ty cũng giảm được 7% chi phí tài chính (đạt 179 tỷ đồng) và 76% chi phí quản lý (đạt 25 tỷ đồng).

Kết quý IV/2023, VCG có lợi nhuận trước thuế 139 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 131 tỷ đồng, đảo ngược ấn tượng so với cùng kỳ năm trước (lần lượt lỗ trước và sau thuế 26 tỷ đồng và 38 tỷ đồng).

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của VCG đạt 12.705 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước và là doanh thu năm lớn nhất trong 12 năm qua.

Cơ cấu doanh thu ghi nhận mảng xây lắp đạt 8.273 tỷ đồng, tăng 35%; mảng kinh doanh bất động sản đạt 2.314 tỷ đồng, tăng 11 lần; mảng giáo dục đạt 282 tỷ đồng, tăng 51%; mảng cho thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đạt 1.113 tỷ đồng, tăng 11%; chỉ duy mảng sản xuất công nghiệp chỉ đạt 720 tỷ đồng, giảm 24%.

Nhờ doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận gộp đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 27%. Biên lợi nhuận gộp đạt 9,17%. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của mảng xây lắp là -0,03% (tức VCG kinh doanh dưới giá vốn trong mảng này).

Trong năm 2023, doanh thu tài chính đạt 332 tỷ đồng, giảm 69%, chủ yếu do không còn khoản lãi từ đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản mục đầu tư tại Công ty Vinaconex – ITC như năm trước.

Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 8%, đạt 828 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 85%, đạt 106 tỷ đồng. Lỗ trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 112 tỷ đồng (năm trước chỉ lỗ 27 tỷ đồng).

Những điều này khiến VCG chỉ có thể kết thúc năm 2024 với lợi nhuận trước thuế 493 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 336 tỷ đồng, giảm 64% so với năm trước và thấp nhất trong 11 năm qua.

Năm 2023, VCG đặt mục tiêu doanh thu 16.340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 78% mục tiêu doanh thu và 39% mục tiêu lợi nhuận.

Nợ phải trả và hàng tồn kho giảm

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VCG đạt 30.199 tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận những chuyển biến khá tích cực. Cụ thể, các khoản phải thu giảm 35% còn 5.957 tỷ đồng, tương đương 19,7% tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm 43% còn 640 tỷ đồng. Nợ xấu của VCG hiện tập trung tại An Khánh JVC (167 tỷ đồng), Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (43 tỷ đồng)…Hàng tồn kho năm qua cũng giảm 11% còn 6.293 tỷ đồng, tương đương 21% tổng tài sản.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng giảm 3%, xuống 7.167 tỷ đồng, tương đương 23,7% tài sản, tập trung tại các dự án: khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà (5.277 tỷ đồng), Kim Văn Kim Lũ (518 tỷ đồng), trung tâm thương mại Chợ Mơ (876 tỷ đồng), khu công nghệ cao Hòa Lạc (228 tỷ đồng)…

Trong khi đó, lượng tiền tăng lên đáng kể, đạt 3.787 tỷ đồng, gồm: tiền và tương đương tiền 2.282 tỷ đồng, tăng 33%; tiền gửi tại khoản “đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn” 1.505 tỷ đồng, giảm 7%.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 đạt 20.016 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm hơn phân nửa, đạt 11.064 tỷ đồng, giảm 18%. Người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 3.215 tỷ đồng, tăng 27%. Doanh thu chưa thực hiện đạt khoảng 488 tỷ đồng.Với vốn chủ sở hữu đạt 10.182 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,96 lần.

Năm 2023, dòng tiền kinh doanh của VCG dương tới 3.301 tỷ đồng (năm trước âm 1.766 tỷ đồng) chủ yếu do giảm các khoản phải thu và hàng tồn kho.Trong năm, công ty mở rộng chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác. Ngược lại, việc chi mua sắm tài sản đã giảm khoảng 70% so với năm trước.

Dòng tiền đi vay hầu như đi ngang so với năm trước, đạt 10.210 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền trả nợ gốc vay tăng 17% lên 12.507 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong năm dương 572 tỷ đồng.

So với bức tranh chung của các doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2023, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Vinaconex đã thể hiện tại báo cáo tài chính quý IV là một nỗ lực lớn.

So với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh trong quý IV năm 2023 của Vinaconex có mức tăng trưởng mạnh. Kết quả này đang được kỳ vọng là tín hiệu tích cực sẽ tiếp tục được tổng công ty phát huy trong thời gian tới, đặc biệt khi doanh nghiệp đang tập trung mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 12/2023 đạt 73,5% tổng kế hoạch năm (704.000 tỷ đồng) tương ứng hơn 517.000 tỷ đồng. Năm ngân sách 2023 sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2024, như vậy so với kế hoạch, số vốn cần phải giải ngân trong tháng 1/2024 ước khoảng 186.560 tỷ đồng. Do đó tháng 1/2024 sẽ là cao điểm giải ngân của năm. Chính phủ cũng đã trình kế hoạch dự chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.

Cùng với việc tăng tốc thực hiện dự án đầu tư công, giá trị trúng thầu của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành xây lắp như Vinaconex tiếp tục tăng mạnh. Phân khúc xây lắp được dự báo tiếp tục chiếm phần lớn tăng trưởng của Vinaconex và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu trong thời gian tới, trong đó chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông.

Tin Cùng Chuyên Mục