Việc Có gọi vốn 300.000 USD được 4 cá mập tranh giành, shark Bình đòi “ké”, shark Liên cũng muốn theo “đẹp luôn”

Dạ Hành (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Startup Việc Có nhận được tới… 3,5 lời đầu tư khi tham gia Shark Tank tập 15 vừa qua.

Việc Có là nền tảng kết nối người làm việc tự do với các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, startup cho biết có khoảng 20 triệu người lao động phổ thông, làm tự do. Con số tương ứng ở thị trường Đông Nam Á là 100 triệu người.

Từ tiềm năng thị trường như vậy, đến với Shark Tank, hai nhà sáng lập Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng kêu gọi đầu tư 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 10% cho vòng gọi vốn kế tiếp, dự kiến 1 triệu USD.

Việc Có gọi vốn 300.000 USD được 4 cá mập tranh giành, shark Bình đòi “ké”, shark Liên cũng muốn theo “đẹp luôn” - Ảnh 1

 

Về yếu tố con người, hai đồng sáng lập từng là nhân sự đời đầu của Tiki. Họ cũng ấp ủ ý tưởng Việc Có từ năm 2015 với mong muốn dựa vào công nghệ để giải quyết bài toán thị trường việc làm, đáp ứng đủ 3 tiêu chí Nhanh, Chất lượng và Quy mô lớn. 

Từ đầu năm 2019 tới nay, Việc Có đã nhận được 14.000 người đăng ký đi làm, doanh thu tăng 50% hàng tháng. Tháng gần nhất, dự án tạo ra 1,5 tỷ đồng thu nhập cho các cộng tác viên và sẽ thu 20% phí giao dịch từ doanh nghiệp.

Hiện nay, dự án tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, có độ tin cậy cao. "Bọn em tập trung vào khách hàng doanh nghiệp. Vì cuộc chơi C2C rất khốc liệt, có thể một ngày Grab hay Go-jek sẽ nhảy vào" - CEO Xuân Cảnh chia sẻ.

Startup cũng nói thêm, họ đang làm việc với 10 khách hàng doanh nghiệp lớn, thuộc lĩnh vực kho bãi, thương mại điện tử, bán lẻ,... Điều này đảm bảo việc thu phí diễn ra trơn tru, tin cậy; mặt khác, doanh nghiệp trong những lĩnh vực nói trên luôn cần nguồn lao động thời vụ lớn. 

Việc Có gọi vốn 300.000 USD được 4 cá mập tranh giành, shark Bình đòi “ké”, shark Liên cũng muốn theo “đẹp luôn” - Ảnh 2

 

Sau phần trình bày khá hấp dẫn, các shark bắt đầu đặt vấn đề. Shark Bình băn khoăn về cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng. “Hiện có rất nhiều đơn vị tuyển dụng rồi, họ nhảy vào làm app sẽ tiêu diệt bạn ngay?" - Shark Bình đặt câu hỏi.

CEO Xuân Cảnh phản biện: "Câu hỏi của anh giống kiểu các hãng taxi xây dựng ứng dụng thì Grab có chết không? Câu trả lời là không chết. Thực ra câu chuyện là tăng trưởng cực nhanh và trở thành market leader. Bọn em may mắn đang được như thế".

Trong khi đó, shark Liên băn khoăn rằng Việc Có đóng bảo hiểm cho người lao động như thế nào. Cùng chung chủ đề, shark Việt cho rằng khi trở thành doanh nghiệp, rất nhiều cơ quan Nhà nước sẽ đặt vấn đề xoay quanh chuyện thuê lao động. 

Giữa lúc đó, shark Hưng “giải vây” cho startup, bày tỏ ý kiến: Cần loại trừ trách nhiệm của Việc Có với lao động vì đối tượng chủ yếu là lao động thời vụ, có thể là sinh viên đã đóng bảo hiểm ở trường rồi. Thứ hai, nền tảng không phải là công ty thuê mướn lao động trực tiếp, mà chỉ kết nối lao động với doanh nghiệp. Do đó, người sử dụng lao động (doanh nghiệp) phải chịu trách nhiệm về vấn đề đảm bảo an toàn lao động.

Việc Có gọi vốn 300.000 USD được 4 cá mập tranh giành, shark Bình đòi “ké”, shark Liên cũng muốn theo “đẹp luôn” - Ảnh 3

Đồng thời, đồng sáng lập Nguyễn Sơn Tùng cũng cho biết: Việc Có không gây ra thêm vào vấn đề, mà là đang giải quyết nút thắt, giúp người lao động thời vụ và doanh nghiệp tìm thấy nhau dễ dàng, minh bạch hơn thông qua các thông tin mà ứng dụng này cung cấp.

"Thực sự bọn em muốn tạo ra được điều gì đó có ý nghĩa, giúp cho nhiều người. Như trường hợp Tết năm 2018, bọn em có một nhóm CTV là sinh viên, ngày mai về quê nhưng hôm nay vẫn đăng ký đi làm để kiếm 300.000 đồng. Bọn em muốn nhân rộng những câu chuyện như vậy cho nhiều người nữa" - Sơn Tùng chia sẻ thêm.

3-4 shark cùng ngỏ ý đầu tư

Duy nhất shark Việt cho rằng thị trường lao động rất nhạy cảm, nhiều rủi ro nên quyết định không đầu tư. Các cá mập còn lại đều để ngỏ cơ hội xuống deal.

Về shark Liên, “bà ngoại” ấn tượng về yếu tố giúp đỡ xã hội của Việc Có, thị trường cũng tiềm năng nhưng từ chối đầu tư theo offer ban đầu. “Tôi năm nay 60 tuổi và chưa cho ai vay tiền. Theo cách các bạn đang gọi vốn thì tôi không đầu tư, nhưng nếu có shark nào đầu tư được thì tôi sẽ theo cùng" - shark Liên hé lại 1/2 cánh cửa.

Việc Có gọi vốn 300.000 USD được 4 cá mập tranh giành, shark Bình đòi “ké”, shark Liên cũng muốn theo “đẹp luôn” - Ảnh 4

 

Ứng với lời “tiên đoán” của shark Liên, 3 cá mập còn lại nhanh chóng đặt đề nghị. Shark Dũng muốn 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 20% cho vòng gọi vốn sau kèm một số điều kiện đi kèm. 

Shark Hưng đưa ra đề xuất 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, với phương án giảm giá 30% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 15% hoặc phương án giảm giá 20% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 20%.

Shark Bình cũng muốn tham gia vào dự án với đề nghị 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 35% cho vòng gọi vốn sau, lãi suất 6%. Ngoài ra còn “ké” thêm 150.000 USD với nhà đầu tư trước đó mà startup đang làm term sheet.

Sau những màn hội ý, startup vẫn phân vân trước… 3,5 offer, bày tỏ rằng: “Nếu các shark cùng đi chung thì đẹp luôn”. Nghe câu nói này, cả shark Hưng lẫn shark Dũng bày tỏ đều có thể lôi kéo shark Liên vào thương vụ.

Việc Có gọi vốn 300.000 USD được 4 cá mập tranh giành, shark Bình đòi “ké”, shark Liên cũng muốn theo “đẹp luôn” - Ảnh 5

 

Cuối cùng, Việc Có thỏa thuận với Shark Dũng với 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 20% cho vòng gọi vốn kế tiếp. Shark Liên cũng cho biết sẽ đồng hành cùng dự án, bắt tay hợp tác cùng shark Dũng và hai nhà đồng sáng lập Việc Có, chi tiết thỏa thuận sau chương trình.

Tin Cùng Chuyên Mục