Vinalines (MVN) chủ trương thoái toàn bộ vốn tại công ty con đang kinh doanh thua lỗ

Linh Anh

Phần vốn góp sắp được Vinalines chuyển nhượng tương ứng 9,85 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại sau thoái vốn là 0 đơn vị.

Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty cổ phần (Vinalines, mã ck: MVN) vừa phê duyệt chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 60% vốn đầu tư tại Công ty TNHH Khai thác Container Việt Nam (Vinabridge).

Vinalines (MVN) chủ trương thoái toàn bộ vốn tại công ty con đang kinh doanh thua lỗ - Ảnh 1

Phần vốn góp sắp được Vinalines chuyển nhượng tương ứng 9,85 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại sau thoái vốn là 0 đơn vị.

Hội đồng quản trị Vinalines yêu cầu Tổng Giám đốc thực hiện từng nội dung cụ thể theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, trong đó đánh giá làm rõ nguyên nhân dẫn tới việc Vinabridge hoạt động thua lỗ và xử lý, báo cáo Hội đồng quản trị nếu vượt thẩm quyền.

Đồng thời, Tổng Giám đốc chủ trì tiến hành thực hiện việc thoái vốn theo quy trình, quy định, bảo đảm thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước.

Theo tìm hiểu, Vinabridge trước đây là Công ty Liên doanh khai thác Container Việt Nam, là liên doanh giữa Vinalines với hãng tàu K’Line Singapore (Kawasaki Kaisha Kisen) được thành lập ngày 12/04/1995.

Đến năm 2015, thời hạn liên doanh kết thúc, Công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH Khai Thác Container Việt Nam.

Hiện, Công ty Vinabridge chuyên cung cấp dịch vụ khai thác kho hàng lẻ (CFS), Depot, giao nhận vận tải, tích hợp logistics; có địa chỉ tại khu công nghiệp Đình Vũ, Phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng.

Kết quả kinh doanh của Vinabridge không khởi sắc, với doanh thu liên tục sụt giảm, đồng thời thường xuyên chịu lỗ trong suốt giai đoạn 2019 - 2022.

Về kết quả kinh doanh của Vinalines, theo báo cáo kinh doanh hợp nhất, lũy kế 9 tháng đầu năm, MVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.418 tỷ đồng, giảm so với con số 11.000 tỷ đồng ghi nhận ở cùng kỳ năm trước.

Vinalines (MVN) chủ trương thoái toàn bộ vốn tại công ty con đang kinh doanh thua lỗ - Ảnh 2

Doanh thu hoạt động tài chính tăng cao lên mức 511,1 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm mạnh về mức 271,6 tỷ đồng so với con số 355 tỷ đồng ở 9 tháng đầu năm 2022.

Dù chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng được tiết giảm nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới gần 50%, về mức 1.271 tỷ đồng. 

Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của MVN ghi nhận tại 27.580 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 26.941 tỷ đồng ở hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản dài hạn với hơn 15.133 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính riêng quý III, Vinalines cho thấy giá trị đầu tư vào Vinabridge là gần 31,5 tỷ đồng, nhưng đã phải trích lập dự phòng đến 14,8 tỷ đồng, tương đương giá trị đầu tư “bốc hơi” gần 47%.

Mới đây, Vinalines thông báo chào bán hơn 1,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,5% vốn tại Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SESCO, mã ck: SSG).

Qua tìm hiểu, công ty này có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực vận tải biển và thực hiện cổ phần hóa vào năm 2000. Giá khởi điểm được công bố là 22.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị thu về khoảng 29,5 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục