VinFast vừa rót vốn đầu tư vào một startup công nghệ pin của Mỹ

Bùi Linh

Các nhà đầu tư TDK Ventures, Foothill, Vinfast, SAIC Capital... đã tham gia đầu tư 3 triệu USD vào AM Batteries trong vòng hạt giống.

AM Batteries (AMB), một startup công nghệ pin của Mỹ vừa thông báo đã kêu gọi thành công 3 triệu USD trong vòng gọi vốn seed (hạt giống).

Đáng chú ý, vòng đầu tư này của AMB do TDK Ventures và Foothill dẫn dắt, ngoài ra còn có sự góp mặt của các nhà đầu tư VinFast (EV OEM Việt Nam), SAIC Capital (nhà sản xuất cấp I), Doral Energy-Tech Ventures (Công ty Năng lượng tái tạo Israel), Creative Ventures (công ty tài chính VC đến từ Thung lũng Silicon).

Khoản đầu tư mới này sẽ giúp AMB thương mại hoá được công nghệ phủ điện cực khô, đồng thời cải thiện việc sản xuất pin lithium-ion.

Công nghệ của AMB giúp loại bỏ việc thu hồi dung môi và làm khô điện cực, cho phép giảm tiêu thụ năng lượng của nhà máy pin xuống 50%.
Công nghệ của AMB giúp loại bỏ việc thu hồi dung môi và làm khô điện cực, cho phép giảm tiêu thụ năng lượng của nhà máy pin xuống 50%.

Các điện cực của AMB không chỉ giúp tiết kiện chi phí mà còn hướng viên pin tới công nghệ sạc nhanh, mật độ năng lượng cao cùng khả năng tương thích cao hơn. Hiện, công nghệ của AMB thu hút được khá nhiều sự quan tâm trong ngành công nghiệp nhằm triển khai thí điểm, hướng tới sản xuất hàng loạt.

Theo Investable Universe, AMB đã phát triển một kỹ thuật sản xuất lithium-ion phụ gia mới, qua đó các vật liệu hoạt động (cực âm/cực dương) được sạc và phun lên bộ thu dòng điện kim loại. Quá trình này sau đó được chuyển tới giai đoạn cuối cùng để sản xuất pin mà không cần dùng đến các chất dung môi độc hại. Phương pháp phủ khô sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và năng lượng so với phương pháp phủ ướt truyền thống. 

TDK Ventures lưu ý rằng, với xu hướng đang lên của xe điện, nhu cầu pin lithium-ion sẽ ngày càng tăng lên. Đến năm 2030, nhu cầu kỳ vọng có thể chạm mốc 2.000 GWh. Thực tế này cũng khiến nhiều chuyên gia nghi ngại đến các tác động về môi trường của hoạt động sản xuất pin. 

Theo các chuyên gia, công nghệ phủ ướt hiện tại tiêu tốn 50% năng lượng sản xuất của toàn bộ quá trình làm pin khi yêu cầu nhiều năng lượng để làm khô dung môi và tăng đầu tư tài sản cố định cho các nhà máy.

Nói đơn giản, công nghệ của AMB giúp loại bỏ việc thu hồi dung môi và làm khô điện cực, cho phép giảm tiêu thụ năng lượng của nhà máy pin xuống 50%, tiết kiệm 40% vốn thiết bị sản xuất điện cực và có khả năng tạo ra năng lượng cao hơn, sạc nhanh hơn và chi phí pin lithium-ion thấp hơn.

Hồi tháng 1/2020, AMB cũng nhận được khoản tài trợ 2,4 triệu USD ngân sách nghiên cứu trong 3 năm từ Hiệp hội Pin tiên tiến Mỹ (USABC) dựa trên các bước tiến nền tảng đáng chú ý trong nghiên cứu.

Tin Cùng Chuyên Mục