Vụ kiện đình đám về đồng tiền số hàng đầu: vén màn bí ẩn thực sự cha đẻ của Bitcoin?

Quỳnh Chi

Tờ Wall Street Journal đưa tin một vụ kiện ở Florida có thể vén màn bí mật về Satoshi Nakamoto - cha đẻ của Bitcoin. Craig Wright liệu có phải là người tạo ra Bitcoin? Ông có hợp tác với Dave Kleiman đào hay tạo ra Bitcoin hay không?

Ngày 1.11 giờ Bắc Mỹ, vụ kiện Kleiman v. Wright được tiếp tục đem ra xét xử tại tòa án Miami (bang Florida). Bồi thẩm đoàn gồm mười người sẽ có ba tuần nghe các chứng cứ liên quan đến việc “nhóm của ông Craig Wright” liệu có phải là những người đứng sau bí danh Satoshi Nakamoto – cha đẻ của Bitcoin hay không.

Vụ kiện đình đám về đồng tiền số hàng đầu: vén màn bí ẩn thực sự cha đẻ của Bitcoin? - Ảnh 1

Vụ kiện theo đuổi đồng tiền (follow the money)

Vụ tranh chấp giữa Kleiman và Wright liên quan đến khối tài sản trị giá 1,1 triệu đồng Bitcoin – tương đương 68 tỷ USD mà người mang bí danh Satoshi Nakamoto, tác giả của sách trắng Bitcoin đang nắm giữ. Bên nguyên, ông Ira Kleiman cho rằng anh trai quá cố của mình - Dave Kleiman – một chuyên gia điều tra công nghệ cao (computer forensics), trước đây đã từng hợp tác với Craig Wright để tạo ra Bitcoin, nên gia đình họ đáng lẽ phải được hưởng một nửa số tài sản trên.

Vụ kiện đình đám về đồng tiền số hàng đầu: vén màn bí ẩn thực sự cha đẻ của Bitcoin? - Ảnh 2

“Chúng tôi tin rằng có những bằng chứng cho thấy sự hợp tác của cả hai để đào được hơn 1 triệu đồng Bitcoin”, Vel Freedman, luật sư nguyên đơn cho biết.

“Đó là sự hợp tác giữa hai người bạn, và một người tìm cách lấy hết thành quả sau khi người còn lại qua đời”, Tibor Nagy, một luật sư theo dõi vụ kiện chia sẻ gay gắt.

Để phản biện, Craig Wright sẽ phải đưa ra bằng chứng cho thấy mình là người tạo ra Bitcoin và quá trình này không liên quan đến Kleiman. “Tôi tin rằng tòa án sẽ nhận ra rằng không có bằng chứng hay ghi chép nào cho thấy cả hai [Craig Wright và Dave Kleiman] là đối tác”, Andrés Rivero, luật sư của Wright cho biết.

Nỗ lực chứng minh của phía bị đơn có vẻ sẽ vén màn bí mật mà giới crypto mong đợi từ lâu: ai là Satoshi Nakamoto? Hai người Craig và Dave có thực sự cùng tạo ra Bitcoin hay đào Bitcoin cùng nhau?

Craig Wright là người như thế nào?

Craig Steven Wright (sinh năm 1970, nhà khoa học máy tính người Úc, sống tại Anh) bắt đầu được dư luận chú ý vào năm 2016 khi ông đứng ra tự nhận mình là người sáng lập ra Bitcoin. Ông gặp một vài người tiên phong về Bitcoin, trả lời phỏng vấn độc quyền ba cơ quan truyền thông, trong đó có hãng BBC, và tạo ra một website đăng tải những nghiên cứu của mình về tiền số và Bitcoin.

Craig Wright tại phiên tòa liên bang tại Florida năm 2019. Nguồn: Saul Martinez/Bloomberg via Getty Image
Craig Wright tại phiên tòa liên bang tại Florida năm 2019. Nguồn: Saul Martinez/Bloomberg via Getty Image

Thực ra, cách để chứng minh mình chính là cha đẻ Bitcoin khá dễ dàng. 1,1 triệu đồng Bitcoin được cho là do Satoshi Nakamoto tạo ra nằm im trong ví từ đầu năm 2009 – thời điểm Bitcoin mới ra đời, được gọi là “tiền xưa” (old money). Chỉ người nắm giữ mã khóa riêng tư (private key) mới chuyển khoản được số Bitcoin xưa này. Tháng Năm 2016, Wright tuyên bố có thể chứng minh mình nắm giữ chìa khóa “ngàn vàng”.

Tuy nhiên, ba ngày sau, trước làn sóng chỉ trích dữ dội, Wright có những hành động khó hiểu, gỡ hết nội dung đã đăng khỏi website và thay bằng một lời xin lỗi vỏn vẹn bốn đoạn: “Tôi đã tin rằng mình có thể bỏ lại những năm ẩn danh và che giấu đằng sau. Nhưng khi các sự kiện của tuần này diễn ra và tôi chuẩn bị công bố bằng chứng về những mã khóa ngày đầu [của tài khoản Bitcoin], tôi đã gục ngã. Tôi không có can đảm đó. Tôi không thể”, ông viết một cách mập mờ. Nhưng rồi sau đó, ông lại tiếp tục thừa nhận mình là Satoshi Nakamoto, dù không đưa thêm bằng chứng.

Hành động quái lạ của Wright có vẻ phù hợp với một điều: ông bị chẩn đoán mắc chứng Rối loạn phổ tự kỷ. Amanda McGovern, cố vấn của Wright, tuyên bố rằng chứng tự kỷ của Wright khiến ông khó giao tiếp, tiếp nhận mọi điều theo nghĩa đen và dễ gây gổ. McGovern vẽ một bức tranh về quãng đời khó khăn của Wright, tuyên bố rằng ông đến từ “một gia đình rất khó khăn”, có “rất ít bạn bè trong thời thơ ấu của mình” và “ông bị coi là kỳ quặc … ngay cả với chị gái của mình”.

 “Năm 13 tuổi, anh ấy mặc trang phục ninja đến một sân chơi và tất cả những đứa trẻ khác đều gọi anh ấy là đồ dị hợm”, bà McGovern cho biết. Đối với Wright, toán học và mật mã đã trở thành nơi ẩn náu để tránh bị bắt nạt ở nhà và ở trường.

Những phủ nhận về “hợp tác” với Dave Kleiman

Chẩn đoán tự kỷ, bên cạnh việc thiếu hợp đồng giấy trắng mực đen về việc hợp tác, được xem là vũ khí của phía bị đơn để phủ nhận khả năng hợp tác, dù là tạo ra hay đào Bitcoin chung với Dave Kleiman. “Tôi ghét toàn bộ khái niệm hợp tác”, Wright nói trong lời khai năm 2019.

Tuy nhiên, chẩn đoán tự kỷ này cũng còn tranh cãi. Theo phía nguyên đơn, chứng tự kỷ của Wright mới phát triển gần đây: ông được chẩn đoán vào khoảng cuối năm 2018 bởi Tiến sĩ Ami Klin, giám đốc Trung tâm Chứng tự kỷ Marcus, người chuyên làm chứng cho người bị kiện. Hơn nữa, việc chẩn đoán chỉ qua điện thoại.

Bấp chấp phủ nhận của Wright, bên nguyên đơn trình ra hàng trăm email, cả công việc lẫn cá nhân giữa Dave và Wright. Chúng chứng minh họ là bạn tốt và từng làm chung với nhau nhiều dự án. Họ còn chia sẻ những mẩu chuyện đùa, công thức làm bánh quy và thậm chí lên kế hoạch đi chơi Florida cùng nhau.

Kleiman và Wright cũng viết chung một nghiên cứu (white paper), loạt email thể hiện. Tuy nhiên, đây không phải sách trắng Bitcoin, mà chỉ là một nghiên cứu tựa đề “Overwriting Hard Drive Data: The Great Wiping Controversy” (Tạm dịch: Viết đè dữ liệu ổ cứng: Tranh cãi lớn về xóa dữ liệu), được xuất bản Tháng Chín 2008.

Nghiên cứu chung chứng tỏ sự hợp tác giữa Craig và Dave. Nguồn: https://security.web.cern.ch/
Nghiên cứu chung chứng tỏ sự hợp tác giữa Craig và Dave. Nguồn: https://security.web.cern.ch/

Sách trắng Bitcoin được xuất bản hơn một tháng sau đó. Do vậy, nếu họ thực sự hợp tác tạo nên Bitcoin, đáng lẽ ra phải có hàng loạt email trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên, bên nguyên chỉ đưa ra được một email duy nhất mà trong đó Wright nhờ Kleiman giúp mình chỉnh sửa một thứ “mang tính cách mạng” gọi là “bit cash” và “bit coin”. Mà nếu chỉ là “chỉnh sửa”, thì có vẻ Kleiman chỉ là người đến sau, chứ không góp phần tạo nên Bitcoin.

Phiên tòa kéo dài và đầy tình tiết mới

Theo tường thuật của phóng viên Cheyenne Ligon trên trang Coindesk, phiên tòa Kleiman v. Wright mỗi ngày đều có thêm những tình tiết mới được đưa ra. Mặc dù phủ nhận là “đối tác kinh doanh”  với Dave Kleiman, nhưng Wright thừa nhận Dave là “một trong những người quan trọng nhất” trong đời ông trong nhiều năm, và rằng ông “nói quá lên” về việc hai người cùng tạo ra Bitcoin là để “tạo ra một di sản trong tâm trí” người thân của Dave.

Vụ kiện đình đám về đồng tiền số hàng đầu: vén màn bí ẩn thực sự cha đẻ của Bitcoin? - Ảnh 3

Cũng trong phiên tòa, Wright nói trước bồi thẩm đoàn mình thực sự đã đào được khoảng 1 triệu Bitcoin, dưới danh nghĩa Satoshi (khối 1 đến khối 16), và dưới danh nghĩa của mình sau khi bỏ các tài khoản mang tên Satoshi năm 2010. Ông cũng cho biết năm 2011 mình từng mua một số Bitcoin từ sàn giao dịch của nước Nga, sau đó tạo ra Quỹ tín thác Tulip Trust để che dấu tài sản khỏi cơ quan thuế Úc (ATO). Ông ký thác tài sản trong Quỹ này, bao gồm hơn 1 triệu Bitcoin cho Dave Kleiman, người bạn thân nhất để bảo vệ mình khỏi phá sản. Tuy nhiên, số Bitcoin Wight đi mua đã tiêu hết vào các công ty của mình.

Wright cũng khai rằng thứ mà ông cùng Dave tạo ra không phải Bitcoin thật, mà chỉ là “testnet Bitcoin”, loại tiền ảo giả lập vô giá trị dùng để thử nghiệm “siêu máy tính” mà hai người phát triển trong hai năm 2011 và 2012.

Wright lập luận rằng vì một mình ông đào được khoảng 1 triệu Bitcoin, Dave độc lập đào 1 triệu “testnet Bitcoin”, và vì số Bitcoin tương tự trong quỹ Tulip, nên gia đình Kleiman mới có nhầm lẫn. Lập luận Craig Wright trước bồi thẩm đoàn vừa tỏ rõ ông chính là Satoshi Nakamoto, vừa loại trừ khả năng hợp tác với Dave Kleiman.

Phiên tòa cũng đưa ra nhiều nhân chứng bày tỏ sự nghi ngờ về uy tín của Craig Wright. Dù nhiều lập luận gay gắt, hàng loạt chứng cứ được ra, phiên tòa vẫn đầy tranh cãi, và mở ra nhiều câu hỏi hơn là giúp làm sáng tỏ bí mật Satoshi Nakamoto là ai.

“Việc Satoshi Nakamoto lộ diện danh tính hay việc giao dịch Bitcoin của nhân vật bí ẩn này có thể tác động tiêu cực tới giá của đồng tiền ảo. Bằng cách duy trì sự ẩn danh như hiện tại, Satoshi Nakamoto cũng có thể tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi”, theo Coinbase trong một bản cáo bạch nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).

Tin Cùng Chuyên Mục