Vụ kiện liên quan Dự án liên doanh 140 triệu USD (Bài 2):Bộ, ngành vất vả thuyết phục hai bên 'yêu lại từ đầu'

Nhóm PV

Sau khi xảy ra bất đồng, trong đó có chuyện Hồng Phát đem 13 sổ đỏ thế chấp ngân hàng bất thành, hai bên trong dự án xây trường đua ngựa 140 triệu USD dù nói “thống nhất thành lập liên doanh”, nhưng lại không có động thái gì. Điều này khiến các cơ quan Bộ, ngành phải vất vả khi giải quyết sự việc.

Dự án ì ạch “kìm hãm sự phát triển của địa phương”

Nhiều cuộc họp đã diễn ra nhằm tìm hướng xử lý sự việc, như cuộc họp ngày 9/5/2018 do Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì cùng lãnh đạo VKSND Tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) (Bộ Tư pháp), Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, VKSND tỉnh và các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Cục THADS tỉnh, UBND huyện Đức Hòa.

Vụ kiện liên quan Dự án liên doanh 140 triệu USD (Bài 2):Bộ, ngành vất vả thuyết phục hai bên 'yêu lại từ đầu' - Ảnh 1

Cổng vào khu vực dự án trăm triệu USD.

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa nhận xét, dự án kéo dài hơn 10 năm trải qua các quá trình giải phóng mặt bằng, tái định cư. Vị Chủ tịch huyện phải thốt lên: “Quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn, tạo áp lực, kìm hãm sự phát triển của địa phương và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”. Ông Lành đề nghị: “Hai công ty phải có thiện chí để tiếp tục triển khai dự án, nếu không được thì phải có giải pháp khác để giải quyết khó khăn cho địa phương”.

Là cơ quan từng ra phán quyết về vụ việc, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh TP HCM khẳng định lại hướng giải quyết vụ việc: “Khi ban hành phán quyết trọng tài là phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu của nguyên đơn.

Trong thời hạn 30 ngày, các bên có quyền yêu cầu sửa đổi nội dung phán quyết nhưng Trọng tài không nhận được yêu cầu của bên nào, và TAND TP HCM đã bác yêu cầu hủy phán quyết. Do đó, phán quyết phải được thi hành”. Nói cách khác, hai bên phải thành lập liên doanh như đã thỏa thuận, 13 sổ đỏ phải được đóng góp vào liên doanh.

Hai bên kiện tụng nhau nói gì? Theo biên bản cuộc họp, bà Trần Thị Việt Thanh, đại diện Hồng Phát “khẳng định mong muốn tiếp tục thực hiện theo phán quyết trọng tài để thành lập công ty liên doanh”. Ông Lương Văn Trung, đại diện CPL cũng “mong muốn thực hiện đầy đủ Thỏa thuận khung và phán quyết trọng tài”.  

Thế nhưng ít phút trước đó, cũng tại cuộc họp, chính các cơ quan chức năng đã chỉ ra sự thiếu thiện chí của hai bên. Ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: “Theo quy định thì dự án này kéo dài đã quá lâu chưa triển khai, nhưng không gia hạn hoặc thu hồi (mặc dù đủ điều kiện để thu hồi).

Theo phán quyết của cơ quan chức năng, tháng 10/2017, Sở đã có văn bản hướng dẫn, gợi ý thành lập liên doanh theo Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hai công ty chưa có văn bản xin thành lập doanh nghiệp”. Ông Tiều nhấn mạnh: “Hai bên cần thể hiện thiện chí để giải quyết vấn đề, không để đất đai bị lãng phí”.  

Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp có cùng ý kiến: “Trên thực tế, để thực hiện phán quyết của trọng tài thì hai công ty chưa có thiện chí nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiến tới việc thành lập công ty liên doanh”.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các ý kiến, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh Long An kết luận: “UBND tỉnh yêu cầu hai công ty phải đưa ra mốc thời gian cụ thể để thỏa thuận tiến hành thành lập công ty liên doanh; nếu không được thì chấm dứt và cơ quan THADS tiến hành thi hành phán quyết trọng tài theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Cần nhấn mạnh: “UBND tỉnh không thể chờ đợi trong khi hai bên để sự việc kéo dài làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Phương án nào hóa giải mâu thuẫn?

Sau cuộc họp trên, dù thời gian nửa năm đã trôi qua, hai công ty vẫn chưa đi đến thành lập liên doanh. Mới đây, CPL đã có cuộc làm việc với Tổng cục THADS. 

Theo biên bản làm việc giữa vào ngày 14/11/2018 tại Hà Nội, CPL cho hay: “Chúng tôi đã nhân nhượng với Hồng Phát như đồng ý chi phí phát triển Dự án nhưng phải đàm phán cụ thể về cách thức, điều kiện trả, con số hợp lý và hợp pháp”.

Vụ kiện liên quan Dự án liên doanh 140 triệu USD (Bài 2):Bộ, ngành vất vả thuyết phục hai bên 'yêu lại từ đầu' - Ảnh 2
Một góc dự án sau 10 năm đầu tư.

Đại diện CPL trình bày: “Chúng tôi xác nhận là chưa thành lập được công ty liên doanh, do Hồng Phát tự ý đưa ra nhiều yêu cầu vượt khỏi thỏa thuận giữa hai bên và phán quyết trọng tài. Họ thậm chí không chấp nhận các nhân nhượng hợp lý hợp tình của chúng tôi”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS nhận định: “Do đây là vụ việc phức tạp, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã nhiều lần phối hợp với UBND tỉnh Long An và VKSND Tối cao để thống nhất chỉ đạo theo hướng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong nước và quốc tế nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác liên quan, việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự.

Để thực hiện phán quyết trọng tài, quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS đã nhiều lần tạo điều kiện cho hai bên thỏa thuận thành lập công ty liên doanh, tuy nhiên, đến nay việc thỏa thuận vẫn không có kết quả.

Đến nay, theo báo cáo của Cục THADS tỉnh Long An, các bên không thành lập được công ty liên doanh. Do đó cơ quan THADS không có cơ sở để tiếp tục thực hiện Văn bản số 525/CTHA ngày 18/9/2017”. Nói cách khác, không thể tiếp tục ngăn chặn việc Hồng Phát thế chấp 13 sổ đỏ.

Sự việc được đẩy lên một tầm phức tạp mới, khi trong cuộc làm việc, CPL kiến nghị “sẽ có tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước Việt Nam”. Về vấn đề này, ông Đức giải thích: “Cơ quan THADS nói riêng cũng như các cơ quan của Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo và tạo điều kiện cho môi trường đầu tư phát triển, đồng thời luôn đảm bảo sự công bằng, công lý giữa các nhà đầu tư với nhau, không có sự phân biệt đối xử.

Bản chất vụ việc này là bất đồng nội bộ giữa hai bên doanh nghiệp khi không thực hiện được thỏa thuận liên doanh với nhau, không có nội dung thể hiện đã liên quan đến Nhà nước Việt Nam”. Tuy nhiên, vẫn lời ông Đức: “Đây là quyền của CPL theo quy định của pháp luật, không ai có quyền ngăn cản”.

Cũng tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, cho hay: “Tổng cục đã xin ý kiến nhiều chuyên gia có liên quan, nhưng để giải quyết được vụ việc này thì cơ quan THADS cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành có liên quan và cần sự trao đổi giữa Hồng Phát và CPL để có biện pháp giải quyết tối ưu nhất”.

Và như vậy, những cuộc thuyết phục hai bên công ty trong dự án trăm triệu USD “yêu lại từ đầu” xem ra vẫn chưa có kết quả cuối cùng. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những diễn biến mới liên quan đến vụ việc.

Theo đại diện CPL, nếu Hồng Phát tự ý bảo lãnh thế chấp sổ đỏ khi chưa có ý kiến đồng ý của CPL là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, giá trị 13 sổ đỏ là tài sản chung của Hồng Phát và CPL (Hồng Phát bỏ công sức, CPL bỏ tiền) và nó phải được đưa vào Liên doanh.

“Như vậy không thể nói vì Liên doanh chưa được thành lập thì không thể ngăn chặn Hồng Phát thế chấp 13 sổ đỏ, hay Hồng Phát có thể tự phát triển Dự án trên diện tích đất đó. Hơn nữa, nếu Hồng Phát tự ý tự thực hiện Dự án mà không đưa vào Công ty Liên doanh, là một cách thức hủy bỏ và triệt tiêu đối tượng, nghĩa vụ thi hành của phán quyết mà VIAC và Tòa án đã tuyên”, đại diện CPL nêu quan điểm.

Tin Cùng Chuyên Mục