Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu sau 11 năm lên thành 8,8 tỷ đồng: Ngân hàng Eximbank (EIB) không đưa ra bảng tính lãi chi tiết, các chuyên gia cho rằng còn nhiều nghi vấn, thắc mắc

An An

Tới thời điểm hiện tại, phía ngân hàng vẫn chưa đưa ra một thông tin chính thức nào về cách tính phí trả lãi cho trường hợp khách hàng này. Chuyên gia tài chính cho biết, dù ngân hàng chưa cung cấp cách tính lãi cụ thể, nhưng mức lãi suất và phạt được dự đoán ở khoảng 5,4%/tháng.

Thẻ tín dụng vốn được biết đến là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, qua đó giúp khách hàng chi tiêu trước, trả tiền sau trong khoảng thời gian nhất định không tính lãi.

Tuy nhiên, câu chuyện một khách hàng ở Quảng Ninh mở thẻ tín dụng tại Eximbank và có phát sinh dư nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng "quên không" thanh toán, 11 năm sau khoản nợ lên tới 8,8 tỷ đồng khiến dư luận hoang mang. Tới thời điểm hiện tại, phía ngân hàng Eximbank (mã CK: EIB) vẫn chưa đưa ra một thông tin chính thức nào về cách tính phí trả lãi cho trường hợp khách hàng này.

Còn nhiều nghi vấn, thắc mắc

Theo chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh, thẻ tín dụng mang lại tiện ích nhất định cho người dùng khi giúp khách hàng chi tiêu mà không cần đem theo tiền mặt, đặc biệt là không bị tính lãi suất 45 - 60 ngày kể từ ngày sử dụng, tùy thuộc vào mỗi ngân hàng. 

Quá thời gian được miễn lãi suất, khách hàng sẽ phải đối mặt với phí trả tiền phạt trả muộn và khoản lãi suất rất cao, có thể lên tới 4-6%/tháng, tùy thuộc từng ngân hàng. 

Đơn cử với câu chuyện khách hàng ở Quảng Ninh, việc nợ 8,5 triệu đồng, sau 11 năm (132 tháng) phải trả nợ 8,8 tỷ đồng, theo ông Chánh, mức lãi suất và phạt dự đoán ở khoảng 5,4%/tháng.

Lãi suất = ((Giá trị tương lai/ Giá trị hiện tại)^(1/số kỳ)) -1

= ((8,8 tỷ / 8,5 triệu)^(1/132)) - 1

= 5,40%

Kiểm tra lại:

Giá trị tương lai = Gía trị hiện tại* (1+ Lãi suất) ^ số kỳ

= 8,5 triệu * (1 + 5,4%) ^ 132

= 8,8 tỷ

Tiền phạt trả chậm và mức lãi suất này đã được thể hiện trong hợp đồng ký kết, và đương nhiên vẫn theo luật pháp.

Theo ông Chánh đánh giá, sự việc trên đặt ra nhiều nghi vấn, thắc mắc trong vấn đề ký kết hợp đồng, cấp thẻ giữa khách hàng và nhà băng. Nếu khách hàng chứng minh được ngân hàng không có bất kỳ tương tác gì với khách hàng để chứng tỏ khách hàng biết đang nợ ngân hàng, thì sau thời gian 02 năm ngân hàng không thể khởi kiện thương mại, vị chuyên gia này cho biết. 

Ở góc độ pháp lý, Luật gia Trần Vũ Nhiếp Đam - Chi hội luật gia Đông Đô - Hội luật gia thành phố Hà Nội cho biết, đối với giao dịch dân sự về vay tài sản thông thường, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Về lãi suất quá hạn, Khoản 5, Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, đối với giao dịch dân sự về vay tài sản thông thường, khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được vượt quá 30%/năm.

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (tương ứng với mức lãi suất 100%/năm) thì phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, các quy định trên không áp dụng với ngành ngân hàng. Theo quyết định số 1125 của Ngân hàng Nhà nước năm 2023, ngân hàng chỉ được phép thỏa thuận lãi suất không quá 4%/năm khi cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đối với các lĩnh vực cho vay khác, theo khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Quy định này cũng được giữ nguyên tại Luật các tổ chức tín dụng 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/07/2024.

Với trường hợp xảy ra tại ngân hàng Eximbank mới đây, trường hợp Ngân hàng áp dụng cách tính lãi suất kép, cộng gộp lãi nhập gốc kèm theo các khoản phí phạt và các loại phí đi kèm khác theo quy định riêng của ngân hàng thì việc phải trả 8,8 tỷ cho khoản nợ ban đầu là 8,5 triệu là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc tính lãi của Ngân hàng cũng không thể tùy tiện áp đặt mà phải đảm bảo đúng với quy định và thỏa thuận trong hợp đồng với khách hàng khi cấp thẻ.

Theo quy định tại Điều 15, Thông tư số 16/2016/TT-NHNN (Sửa đổi bởi các Thông tư 30/2016, 26/2017, 41/2018, 28/2019, 22/2020 của Ngân hàng Nhà nước), thì việc cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phải đảm bảo được thực hiện theo hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và các văn bản thỏa thuận khác về việc cấp tín dụng giữa tổ chức phát hành thẻ (ngân hàng) với chủ thẻ (nếu có).

Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng Eximbank chưa cung cấp bất cứ thông tin cụ thể về cách tính nợ lãi phát sinh trong trường hợp này. Do vậy, nếu trong trường hợp ngân hàng có vi phạm về thu nợ lãi không đúng với quy định pháp luật thì theo quy định tại điểm đ, khoản 3 Điều 14 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, ngân hàng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu lãi nợ quá hạn không đúng quy định của pháp luật.

Đề cập thêm về tính pháp lý trong trường hợp nếu như ngân hàng khởi kiện khách hàng, ông Đam cho biết, ngân hàng khởi kiện ra toà án mà người vay yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu thì Vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết do đã hết thời hiệu khởi kiện. Bởi theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015: “Thời hiệu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu sau 03 năm kể từ thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết (đương nhiên biết) quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm mà họ không yêu cầu toà án giải quyết thì họ đương nhiên mất quyền khởi kiện.

Trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng, Ngân hàng không còn quyền đòi nợ lãi với khách hàng mà chỉ còn quyền đòi nợ gốc theo quy định tại Khoản 2, Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 (không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với việc về yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu).

Tin Cùng Chuyên Mục