Xét xử cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình

Hoàng Quý

Cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình cho rằng mình cố gắng hoàn thành trách nhiệm, chỉ vì thiếu sót dẫn đến gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng

Ngày 5/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Đặng Thanh Bình (64 tuổi, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cùng 4 đồng phạm khác về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Do được tại ngoại nên ông Bình cùng 4 thuộc cấp có mặt tại tòa từ rất sớm. Những người có quyền nghĩa vụ liên quan, bị án Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây Dựng - VNCB) cũng được trích xuất đến tòa. Bị án Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng - VNCB) vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Đặng Thanh Bình mức án 3 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, 4 bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB bị xét xử cùng tội danh.

Xét xử cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình - Ảnh 1

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm

Trong đó, ông Hà Tấn Phước (55 tuổi, nguyên tổ trưởng tổ giám sát NHNH, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) lãnh 2 năm tù, Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) nhận 2 năm 6 tháng.

Ông Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An) nhận 1 năm 6 tháng tù và ông Phạm Thế Tuân (62 tuổi, nguyên phó giám đốc ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP HCM) lãnh án 1 năm tù.

Sau bản án này, cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng tòa sơ thẩm đánh giá mình có vai trò chính trong việc tái cơ cấu VNCB, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thỏa đáng. Ngoài ra, 4 bị cáo còn lại đều có kháng cáo xin giảm án, được hưởng án treo.

Tại phiên tòa hôm nay, ông Đặng Thanh Bình tiều tụy hơn so với phiên sơ thẩm, vẻ mặt tỏ ra lo lắng.

Ông Bình trình bày rằng, "Bản án sơ thẩm là chưa thỏa đáng, các căn cứ buộc tội tôi chưa đầy đủ. Mức án 3 năm tù với tôi quá nặng nề, tôi mong tòa xem xét để đánh giá lại".

Khi được HĐXX đặt vấn đề có kêu oan, cựu Phó thống đốc NHNN bảo: "Tôi không biết mình có oan không. Trong đơn kháng cáo tôi đã nêu một số chứng cứ để đánh giá trách nhiệm của mình. Tôi có thiếu sót nhưng cần được xem xét".

Xét xử cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình - Ảnh 2

 Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình tại phiên tòa

"Cụ thể bị cáo đã sai sót những vấn đề gì?" HĐXX chất vấn. Ông Đặng Thanh Bình trình bày: "Như đã nói trong thực hiện giám sát, kiểm soát trực tiếp hoạt động của Đại Tín (TrustBank) thì có sự hiểu lầm chưa đầy đủ anh em tổ giám sát. Thậm chí tôi nghĩ rằng dường như anh em chi nhánh NHNN Long An chưa hiểu rõ.

Vì vậy việc phối hợp thanh tra, giám sát Đại Tín không kịp thời. đó là lý do dẫn đến hậu quả. Thiếu sót là không nhận ra sự khác biệt tổ giám sát đặt tại địa phương với tổ giám sát đặt ở các thành phố lớn".

Quá trình điều tra cũng như thẩm vấn tại phiên sơ thẩm, ông Bình khẳng định làm đúng trách nhiệm mà Thống đốc NHNN giao phó, song "thấy ân hận vì chưa làm tròn nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao phó" trong việc tái cơ cấu ngân hàng. Bốn bị cáo nguyên là thành viên Tổ giám sát NHNN cho rằng bản án sơ thẩm đã phản ánh đúng các hành vi, song việc xác định mức độ phạm tội của họ "còn quá nghiêm khắc".

Bị cáo Hà Tấn Phước - cựu Tổ trưởng tổ giám sát, cựu Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An cho biết, về trình tự bản chất vụ việc sai phạm nêu trong bản án là đúng, tuy nhiên có những nhận định đánh giá HĐXX chưa đề cập. "Bị cáo thấy đối với tội danh của bị cáo còn quá nghiêm khắc cần kháng cáo để nhờ HĐXX phúc thẩm xem xét thêm", bị cáo Phước nói.

Theo bản án sơ thẩm, ông Đặng Thanh Bình được NHNN giao phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có VNCB.

Đến tháng 8/2012, ông Bình ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp thuận chủ trương. Tổ giám sát hoạt động tại VNCB sau đó được thành lập theo Quyết định số 12.

Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm cổ đông Thiên Thanh) mua lại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, VNCB được xếp vào một trong 6 nhà băng hoạt động không hiệu quả. Từ đó, ngân hàng này chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của tổ giám sát.

Theo Quyết định số 12 và các bảng phân công, ông Bình cùng tổ giám sát phải chủ động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Tuy nhiên, họ đã để ông Danh cùng đồng phạm tùy tiện rút tiền của VNCB trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn.

Trong đó, cựu phó thống đốc NHNN đã quyết định để ông Danh tham gia quản lý, sử dụng ngân hàng "như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội" gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB.

Tin Cùng Chuyên Mục