300 doanh nghiệp bàn cách kết nối cung-cầu

NGUYỄN CHIÊM

Nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới dự đoán sẽ tăng 5-20%, trong khi khả năng cung ứng tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 30-60%.

Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2016 do Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức tuần qua đã thu hút sự tham gia của 300DN.

Tuy nhiên, điều mà cấp chính quyền và người dân Thủ đô quan tâm hơn cả là làm sao tạo được chuỗi giá trị lâu dài từ sản xuất đến tiêu dùng…

Chất lượng quan trọng hơn số lượng

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng 5-20%. trong khi, khả năng cung ứng tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 3060%.

Cụ thể, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP trong 1 tháng Tết: 25.360 tấn gạo (đáp ứng được 34% nhu cầu); thịt bò 783 tấn (đáp ứng được 17%); thủy sản 171 tấn (đáp ứng được 3%); hoa quả 52.000 tấn (đáp ứng 18%),… Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ của Hà Nội hiện chiếm khoảng 10% của cả nước, với nhiều chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng, khách sạn nên nhu cầu tiêu thụ lớn.

Thứ trưởng Thoa cũng cho rằng hiệu ứng kết nối cung cầu với sự tham gia của hơn 300 DN sẽ giúp cho Hà Nội có đầy đủ lượng hàng, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hoá cho người dân Thủ đô đón Tết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến thời điểm này, TP đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, TP trên cả nước.

Việc kết nối cung cầu hàng hoá đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong cả nước, hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững.

Để đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ Tết, tại hội nghị, 21 nhà phân phối đã ký biên bản kết nối với 265 DN, nhà sản xuất, hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh với trị giá tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh về địa bàn TP trong dịp Tết và năm 2017 đạt trên 17.000 tỷ đồng; tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội về các tỉnh đạt trên 6.500 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, 2 điều cần thiết để phát triển kinh tế DN là thể chế và kết nối đều đang được TP Hà Nội thực hiện một cách thiết thực.

“Đây là tín hiệu vui cho các DN muốn tới Hà Nội để đầu tư!”, ông Lộc nhận định. Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, nguồn cung hàng hoá của các địa phương hiện nay rất dồi dào, cho nên việc kết nối giao thương hàng hoá giữa Hà Nội và các tỉnh, TP quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý.

Quan trọng hơn, theo Chủ tịch VCCI, chương trình cần phải đi đến một kết quả mạnh mẽ hơn, đó là tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

300 doanh nghiệp bàn cách kết nối cung-cầu - Ảnh 1
Trên thị trường, nhiều sản phẩm chất lượng nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.

“Các DN Thủ đô với lợi thế về công nghệ cần phải hỗ trợ cho DN các tỉnh, thành nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng các quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có giá trị cao...”, ông Lộc đưa ra lời khuyên.

“Nếu để tự DN bơi thì rất khó vươn xa”

Được biết, năm 2016, Hà Nội đã ký kết trên 350 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế về khai thác đa dạng sản phẩm nông sản thực phẩm, thủy hải sản và các sản phẩm lợi thế, có chất lượng, thương hiệu từ DN các tỉnh, TP về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội những mặt hàng Hà Nội chưa tự cung ứng đủ, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

Mong muốn sản phẩm có chất lượng đến được tay người tiêu dùng, nhưng thực tế nhiều tỉnh, thành, đơn vị DN có sản phẩm có chất lượng tốt lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ như: thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kết nối giữa các tỉnh, TP, vận chuyển…

Tại hội nghị, Cty TNHH MTV Không gian Ngọc (Cà Mau) đem ra các sản phẩm là đặc sản của tỉnh như: tôm khô, cá sạch, mật ong U Minh,… để giới thiệu và kết nối với các DN ở Hà Nội. Mặc dù sản phẩm tốt nhưng đa số các sản phẩm này chưa được nhiều người biết đến.

Đại diện DN này cho biết, sản phẩm đặc sản của tỉnh vẫn chủ yếu sản xuất mang tính truyền thống, nên rất trông chờ vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể phát triển thế mạnh của địa phương.

“Rất mong Bộ Công Thương kết nối, hỗ trợ sao cho sản phẩm của Cà Mau có thể ra được thị trường Hà Nội một cách dễ dàng hơn, nếu để tự DN bơi thì rất khó để vươn ra xa…”, đại diện DN bày tỏ.

DN tư nhân Quảng Chân (Sóc Trăng) đã có 65 năm kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm nổi tiếng của tỉnh như: bánh pía, lạp xưởng, nấm linh chi, hành củ,… nhưng tới thời điểm hiện tại cũng chỉ cung ứng ở các tỉnh khu vực phía nam. DN này cũng cho biết hiện DN cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề cung ứng thương mại.

“Hiện tại, ở Hà Nội, công ty mới chỉ có 1 cửa hàng phân phối, nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi năng lực kết nối của DN có hạn, các DN Việt Nam không cung ứng theo chuỗi, mà mạnh ai người ấy lo, nên sản phẩm dù chất lượng cũng khó đến tay người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết…”, đại diện DN chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục