Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam: "Tôi chỉ là người đưa đò thầm lặng"

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Bầu Đức là cái tên được nhắc tới nhiều sau thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 và tại Asian Cup 2019.

Nhân sự kiện Asian Cup 2019, Doanhnhan.vn xin trích đăng bài viết phỏng vấn tổng hợp từ các nguồn tin về doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, người thường được biết đến với cái tên Bầu Đức.

Bầu Đức đã đưa ra những lời chia sẻ và nhận định về cuộc sống, công việc, bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang-seo. 

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

"Tôi là người rớt đại học nhiều lần, chứ không phải chỉ một lần. Nói sòng phẳng ra thì trượt đại học tận 3 lần. Nhưng nếu nghe vậy bảo tôi dốt thì cũng chưa phải, có thể học thì chưa bằng họ nhưng đấu trí thì có thể hơn (cười). 

Tôi cho rằng đó là định mệnh chứ không phải lười. Thi tới 3 lần thì sao lại nói là tôi lười!

Sau đó, tôi xác định tư tưởng rất rõ ràng: Con đường học vấn không mỉm cười thì phải lao thân vào kinh doanh lập nghiệp. Suy nghĩ này đã có trong đầu tôi từ năm 1982, và vẫn ám ảnh cho đến năm 1984, khi không còn chút tia hy vọng nào để vào đại học. Từ đó tôi đã chiến đấu đến bây giờ.

Hồi đó người ta cho rằng không học đại học thì không làm gì được, nói cách khác đại học là cánh cổng duy nhất để vào cuộc đời. Bạn bè tôi rất đông, hồi lớp 12 ra trường 40 - 50 người, trong đó đỗ đại học hơn 30 người, sau 20 năm gặp nhau, tất cả đều như nhau, không ai hơn ai. Mỗi người mỗi việc, ai cũng đều có quyền thành đạt ở lĩnh vực chuyên môn của mình, đừng bao giờ nghĩ không học là không thành đạt.

Tôi đã từng làm thuê, làm mướn, bắt cá,... đều trải qua cả. Đến bây giờ có thể nói tôi cuộc đời tôi đã nếm trải tất cả những điều từ thấp nhất, cho tới đỉnh cao. Tại sao nói vậy, vì đất nước này có lẽ mình tôi sở hữu phi cơ.

Bằng đại học không phải tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sĩ..., còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc

Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ học có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi. 

Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…

Bản thân tôi cũng khuyên con mình, học thì rất tốt nhưng không phải là trên hết. Ý chí và quyết tâm mới là nền tảng thành công cho tương lai."

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:
Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

"Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết.

Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê, và nói thật, vì điều gì nữa tôi cũng không thể định nghĩa. Cuộc sống mà, phải có người này người khác. Người đam mê cái này, kẻ đam mê cái kia. Còn tôi đam mê công việc

Tôi cũng không quen ai chân dài. Vì tôi không có thời gian và cũng không có sở thích ngắm chân dài. Tôi cũng không biết sau này tôi già có đổi tính đổi nết hay, không nhưng hiện tại tôi chưa có ý nghĩ đó".

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

"Một ngày nếu không còn làm bóng đá thì với tôi điều đó hết sức bình thường, mỗi người có một đam mê, nhưng khi đam mê không thành, niềm vui không còn nữa thì nên chuyển sang một thú vui khác, không sao cả.

Ai cũng có sở thích, sở trường riêng nhưng khi điều này vì một lý do a,b,c... gì đó buộc mình phải chấm dứt đam mê thì nên chuyển sang chuyên môn khác. Không có vấn đề gì quá to tát. Cứ không làm sai là được.

Trong số các đội bóng V.League, tôi là người bỏ tiền ra nhiều nhất, đầu tư nhiều nhất cho bóng đá, có thể khẳng định như vậy. Để có thể kiếm tiền từ bóng đá Việt Nam, thời điểm hiện tại vẫn chưa làm được. Hơn 20 mươi năm qua tôi chưa thu về được đồng nào từ bóng đá cả. Với tôi, bóng đá chỉ giúp tôi giải quyết đam mê."

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:
Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

"Ấn tượng của tôi về ông Park Hang Seo, nói đơn giản, điểm danh dùm tôi cả châu Á có ai hơn ông này về thành tích không. Năm 2002 Hàn Quốc là thứ 4 thế giới và ông Park là trợ lý phó của HLV danh tiếng Guus Hiddink. Ở châu Á lúc đó không ai hơn ông Park. Mình đang theo trường phái châu Á. Nhu cầu đến với nhau là rất rõ ràng và phải chọn người giỏi nhất có thể.

Tôi nhớ hồi ký hợp đồng với ông Park, dư luận “ném đá” nhiều lắm. Họ nghi ngờ và chê bai ông đủ điều. Riêng tôi luôn có một linh cảm và niềm tin mãnh liệt ông sẽ làm nên chuyện. Tôi nghĩ rất đơn giản rằng, trình độ của ông Park từng góp công đưa đội tuyển Hàn Quốc đứng hạng 4 thế giới thì cả châu Á này ai hơn ông nữa?

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

Thế nhưng có những chuyện bây giờ tôi mới nói, có thể gây chấn động với ai mặc kệ. Đầu tiên là việc tôi phản đối VFF tính dựng một HLV trong nước lên, dù anh ta chưa đủ trình độ lẫn tư cách.

Điều quan trọng thứ hai, tôi muốn chỉ cho VFF thấy rõ, người giỏi không bao giờ vác đơn nộp cho các ông xin việc, rồi chờ các ông họp tới họp lui. Trên thế giới này chẳng có ai tìm nhân tài thật sự theo cách này cả. Mình cần thầy giỏi thì mình phải mời người ta một cách trân trọng".

Suốt một thời gian dài, tôi và các cộng sự phải lăn lộn tìm kiếm người giỏi từ khắp nơi, dĩ nhiên phải phù hợp với yêu cầu của hai bên. Ba lần tôi sang Hàn Quốc mời ông Park không phải dễ dàng gì, bởi ông ta còn phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lắm! Cuối cùng ông Park chịu về với bóng đá Việt Nam, có thể ông thấy chúng ta có tiềm năng và bản thân ông đủ sức khai phá tiềm năng ấy

Biết bao nhiêu năm rồi, bóng đá Việt Nam chỉ mong mỏi qua mặt Thái Lan mà làm không nổi, tôi khó chịu vô cùng. Trong tôi thường có rất nhiều câu hỏi, tại sao hơn 90 triệu dân Việt Nam không thể có một đội tuyển ngon lành? Hơn 10 năm trước, tôi cũng đặt câu hỏi tại sao cả nước không có một Học viện bóng đá tử tế? Và tôi đã làm được. Cũng như bây giờ, mình vừa có nền tảng là lứa cầu thủ giỏi từ một số “lò” bóng đá của tư nhân hoặc Viettel, thì cần phải có thầy giỏi nữa.

Hồi giữa năm 2017, công việc kinh doanh của tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ mời cho bằng được HLV Park Hang-seo. Ông ấy nói có biết tôi và biết… Xuân Trường khi ấy đang chơi bóng ở Hàn Quốc. Vậy mà ông cũng đắn đo ghê lắm! Tôi nói sẽ mời ông về giúp cho bóng đá Việt Nam trong hai năm, lương tôi trả. Mọi việc xong xuôi, tôi mới nhắn cho VFF bay sang Hàn Quốc ký hợp đồng.

Nhớ lần ông Park dẫn dắt U.23 Việt Nam đoạt ngôi á quân xong có lên Pleiku thăm và cảm ơn tôi. Còn tôi chỉ nói sẽ luôn âm thầm hỗ trợ ông bất kể lúc nào. Ông Park cảm động siết tay tôi hứa sẽ làm hết mình và không muốn để ai nói ông ăn may.

Tôi phải cảm ơn ông Park đã cống hiến cho bóng đá Việt Nam hết mình để mang lại hạnh phúc cho giới hâm mộ. Thú thật, việc tôi mời ông thầy Hàn Quốc hay bỏ công bỏ của đào tạo lứa cầu thủ trẻ từ các đây hơn 11 năm không phải để lấy tiếng hay nhận lời cảm ơn của ai cả! Tôi làm vì đam mê và tự hứa với lòng, đã làm thì làm cho tới cùng."

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

"Không thể tả được niềm vui với khoảnh khắc cầu thủ Việt Nam nâng cao cúp vô địch. Nhưng niềm vui của tôi không khác với hàng triệu người hâm mộ trên đất nước này. Niềm vui chiến thắng thì ai cũng như ai thôi, nếu đã và đang dành trọn tình yêu cho bóng đá Việt Nam.

Bầu Đức và tâm huyết với bóng đá Việt Nam:

Kể cả khi cầu thủ của HAGL phải ngồi dự bị ở trận chung kết, tôi cũng không có gì chạnh lòng. Nói thẳng thế này, nếu cầu thủ của tôi xuất hiện nhiều, liệu họ có làm cho VN chiến thắng để đoạt cúp vàng AFF năm nay? Cầu thủ giỏi đến mấy thì cũng phải phụ thuộc cách dùng người của HLV trưởng. Chiến thắng là của đất nước chứ có riêng gì cho đội bóng phố núi của tôi.

Nhiều người nói không có bầu Đức thì HLV Park Hang-seo không đến và đưa bóng đá Việt Nam nổi đình nổi đám như hôm nay? Tôi không nghĩ vậy, ai muốn nói gì hay nhận định thế nào là quyền của họ. Còn tôi luôn xem mình là người đưa đò thầm lặng. Làm được gì cho bóng đá nước nhà, tôi không bao giờ từ chối."

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 

Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là Bầu Đức, sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ năm 1982 đến năm 1984, ông lên TPHCM với khát vọng thi đỗ Đại học, nhưng đều không thành công.

Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG.

Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức nổi tiếng là người đam mê bóng đá, và được giới truyền thông thể thao gọi là "bầu" Đức. 

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Bầu Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsenal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007…

Ông cũng là người góp công lớn để đưa HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, từ đó tạo nên hàng loạt kỳ tích của đội tuyển, bao gồm chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018.

Bài viết được tổng hợp từ các bài phỏng vấn của Youtube Vlog Minh Hải, PV Sĩ Huyên/Tuổi Trẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục