Bí kíp kinh doanh: Chuyên gia bật mí cách hình thành tư duy khởi nghiệp cho sinh viên

An Minh

Bà Lê Hạnh – Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam tổng kết bí quyết khởi nghiệp cho các startup trẻ là “mượn”. Bà khẳng định, tuổi trẻ, ý tưởng, hoài bão, khát vọng chính là giá trị của các startup và các nhà khởi nghiệp trẻ hãy mạnh dạn, tự tin “mượn” các nguồn lực của xã hội để tiến nhanh hơn.

Ngày 28/6, tại Đà Nẵng, Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam cùng TVHub và Songhan Incubator tổ chức Hội thảo "Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung".

“Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung” tập trung thảo luận về các chiến lược phát triển từ startup thành thương hiệu quốc gia, vai trò của sinh viên trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, và cách hình thành tư duy khởi nghiệp cho học sinh sinh viên.

Startup trẻ “mượn” nguồn lực xã hội để tiến nhanh hơn

Là người con sinh ra và lớn lên tại miền Trung (Tam Kỳ - Quảng Nam), Shark Lê Hùng Anh - Chủ tịch Bin Corporation Group nhận định điểm mạnh của các nhà khởi nghiệp miền Trung là có tinh thần cầu tiến, học hỏi vô cùng mãnh liệt, đồng thời rất “máu” và “lì”.

Tuy nhiên, rào cản ở khu vực này là thị trường nhỏ và mức tiêu dùng của khách hàng không cao như thành phố lớn. Ông gợi ý startup có thể cung cấp sản phẩm cho các thị trường lớn để khám phá hết năng lực của mình trước khi đưa sản phẩm đi vào các thị trường nhỏ hơn.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Nhìn lại sau 6 mùa phát sóng và đã làm việc cùng hơn 4.000 startup, bà Lê Hạnh – Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam tổng kết bí quyết khởi nghiệp cho các startup trẻ là “mượn”. Bà khẳng định, tuổi trẻ, ý tưởng, hoài bão, khát vọng chính là giá trị của các startup và các nhà khởi nghiệp trẻ hãy mạnh dạn, tự tin “mượn” các nguồn lực của xã hội để tiến nhanh hơn.

Tiếp cận với nhiều mô hình kinh doanh ở miền Trung xuất phát từ tài nguyên bản địa, bà Lê Hạnh khuyên các startup cần ứng dụng công nghệ để thay đổi giải pháp của mình, giúp cho sản phẩm, dịch vụ có thể tiếp cận thị trường ở quy mô lớn hơn.

Từ kinh nghiệm khởi nghiệp gần 30 năm, trong đó có khoảng 10 năm hỗ trợ hệ khởi nghiệp tại miền Trung, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Songhan Incubator, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá ẩm thực TP. Đà Nẵng cho rằng startup địa phương có thể rút ngắn việc hấp thụ tri thức, năng lực, nguồn lực để trưởng thành nhanh chóng bằng cách tích cực kết nối vào mạng lưới tri thức, công nghệ cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Giáo dục khởi nghiệp để tạo ra con người có tư duy khởi nghiệp

Tại Hội thảo, các diễn giả cũng nhận định, sinh viên đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tiến sĩ Hoàng Kim Toản - Giám đốc trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế, Phó Chủ tịch Mạng lưới VNEI phân tích, sinh viên là nguồn lực đổi mới sáng tạo, mang đến những năng lượng, ý tưởng, tư duy mới đóng góp vào quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ. Những sinh viên trẻ thường dễ dàng chấp nhận sản phẩm, dịch vụ mới nên chính họ cũng là khách hàng tiềm năng của các công ty khởi nghiệp.

Bạn Trần Nhân Kiệt  chia sẻ tại hội thảo
Bạn Trần Nhân Kiệt  chia sẻ tại hội thảo

Bên cạnh đó, sinh viên còn là chủ thể khởi xướng ý tưởng, lan tỏa văn hóa khởi nghiệp trong trường đại học và tương lai họ sẽ có kỹ năng phù hợp để trở thành doanh nhân tiềm năng hoặc nguồn nhân lực cho công ty khởi nghiệp. Vị Tiến sĩ này khẳng định giáo dục khởi nghiệp trong trường học sẽ tạo ra những con người có tư duy khởi nghiệp.

Một minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của việc đưa giáo dục khởi nghiệp vào môi trường đại học, cao đẳng là Mực thực vật – dự án đoạt giải Quán quân cuộc thi SV.Startup 2024.

Bạn Trần Nhân Kiệt – sinh viên năm 2 khoa Khoa học Y sinh - Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng, Trưởng dự án Binks - Mực thực vật chia sẻ, bên cạnh việc học nhiều môn có ích cho dự án khởi nghiệp như Design Thinking (tư duy thiết kế)... bạn còn được tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp kinh doanh trong trường.

Hai năm liên tiếp lọt vào vòng chung kết cuộc thi SV.Startup V và VI, Nhân Kiệt rút ra rằng một startup trước khi đưa sản phẩm ra thị trường thì cần nghiên cứu kỹ để đánh giá được tính khả thi, khả năng scale-up (nhân rộng) hay chỉ là ý tưởng trên giấy. “Khi nắm được rằng thị trường có sẵn, tiềm năng của dự án, tiềm năng của sản phẩm có thì mới đầu tư các nguồn lực liên quan cũng như xin sự hỗ trợ của các bên”, cậu sinh viên năm 2 khẳng định.

Tin Cùng Chuyên Mục