Bóng dáng tập đoàn bất động sản kinh doanh 'bết bát', bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đằng sau lô trái phiếu 3.000 tỷ vừa phát hành của công ty kín tiếng Hưng Thịnh Phát là ai?

Trung Hiếu

Chỉ mới được thành lập 2 năm và khá kín tiếng trên thị trường, vì thế Hưng Thịnh Phát gây bất ngờ khi huy động thành công 2.888 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Đáng nói, các cổ đông lớn của Hưng Thịnh Phát có nhiều liên hệ đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi.

Mối quan hệ mật thiết giữa Hưng Thịnh Phát và Danh khôi Holdings

CTCP Phát triển Tổng hợp Hưng Thịnh Phát vừa công bố đã hoàn tất phát hành 28.880 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/tp ra thị trường trong nước, huy động 2.880 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 48 tháng, đáo hạn vào ngày 31/12/2027. Lãi suất trái phiếu thuộc loại lãi suất kết hợp, lãi suất phát hành ở mức 12%/năm. Các nội dung khác như mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ,... không được doanh nghiệp công bố.

Bóng dáng tập đoàn bất động sản kinh doanh 'bết bát', bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đằng sau lô trái phiếu 3.000 tỷ vừa phát hành của công ty kín tiếng Hưng Thịnh Phát là ai? - Ảnh 1

Về tổ chức phát hành trái phiếu, Hưng Thịnh Phát được thành lập vào tháng 10.2021, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sở hữu đi thuê.

Hưng Thịnh Phát đặt trụ sở chính tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn thành lập công ty là ông Lâm Kỳ Diệu (nắm 70% vốn điều lệ) và ông Phạm Văn Ngọc (nắm 30% vốn điều lệ). Trong đó, ông Diệu giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật doanh nghiệp.

Đến tháng 11/2022, Hưng Thịnh Phát dời trụ sở về TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phần vốn góp 30% của ông Ngọc được chuyển sang cho bà Nguyễn Thị Lệ Thủy. Còn phần vốn góp 70% của ông Diệu không thay đổi.

Ngày 19/12/2023 (tức khoảng 2 tuần trước khi phát hành lô trái phiếu 2.888 tỷ đồng nói trên), Hưng Thịnh Phát chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 940 tỷ đồng.

Phần vốn tăng thêm đến từ 3 cổ đông mới là ông Nguyễn Đình Ngọc, ông Lê Khởi và bà Nguyễn Thị Anh Thư. Khi đó, đây cũng là 3 cổ đông nắm quyền sở hữu lớn nhất tại Hưng Thịnh Phát, trong đó, bà Thư nắm 46,81% vốn điều lệ, còn ông Ngọc nắm 45,74% vốn điều lệ. Vị trí người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp lúc này cũng được chuyển sang cho ông Ngọc.

Ngày 9/1 vừa qua, Hưng Thịnh Phát tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông mới không được doanh nghiệp tiết lộ.

Đáng nói, cả hai cổ đông lớn của Hưng Thịnh Phát đều có mối liên hệ với nhóm Danh Khôi. Bà Nguyễn Thị Anh Thư hiện đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật tại Công ty TNHH Bất động sản GDK - nơi bà là cổ đông lớn nắm 97% vốn điều lệ. Phần vốn 3% vốn điều lệ còn lại do CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings sở hữu.

Về phía ông Nguyễn Đình Ngọc, ngoài Hưng Thịnh Phát, ông đang đứng tên đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT tại CTCP Bất động sản ADK - nơi ông là cổ đông lớn nắm 96,9% vốn điều lệ và CTCP Đầu tư Danh Khôi Holdings nắm 3% vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) cũng thể hiện GDK và ADK là hai doanh nghiệp có cùng thành viên quản lý chủ chốt với Danh Khôi.

Cả GDK và ADK đều có địa chỉ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và là hai trong số các doanh nghiệp xuất hiện trong thương vụ nhóm Danh Khôi mua lại dự án Nhơn Hội - Bình Định từ CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR). 

Tập đoàn Danh Khôi - kinh doanh bết bát, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã CK: NRC), quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 1,64 tỷ đồng. Mặc dù tăng 88% so với cùng kỳ năm trước, song đây là quý thứ 5 liên tiếp tình hình bán hàng và cung cấp dịch vụ của NRC ở mức “thảm họa” (quý IV/2022: 876 triệu đồng, quý I/2023: 0 đồng, quý II/2023 1,93 tỷ đồng, quý III/2023: 1,05 tỷ đồng).

Với doanh thu teo tóp, lợi nhuận gộp cũng chỉ ở mức 1,62 tỷ đồng. Trong kh đó, chi phí tài chính đạt tới 20 tỷ đồng.

May thay, quý này, NRC ghi nhận chi phí quản lý âm 71 tỷ đồng, do hoàn nhập chi phí dự phòng phải thu khó đòi.

Nhờ đó, NRC có lợi nhuận trước thuế 55,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 29,9 tỷ đồng, đảo ngược so với cùng kỳ (lỗ trước và sau thuế lần lượt là: 63,5 tỷ đồng và 60,2 tỷ đồng).

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của NRC đạt 4,6 tỷ đồng, giảm 97%, thấp nhất trong 7 năm qua. Lợi nhuận gộp 4,4 tỷ đồng, giảm 97%.

Điều đáng nói là dù ghi âm chi phí quản lý (-10 tỷ đồng) nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi) và giảm được 14% chi phí tài chính, song NRC vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 39 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ thuần thứ 2 liên tiếp.

Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác lên đến 79 tỷ đồng, chủ yếu là thu nhập từ khoản bồi thường hợp đồng (83 tỷ đồng), công ty mới có lợi nhuận trước thuế 39,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,2 tỷ đồng (cải thiện mạnh so với cùng kỳ lỗ trước và sau thuế là: 67,9 tỷ đồng và 72,8 tỷ đồng).

Dẫu vậy, mức lợi nhuận sau thuế năm 2023 của NRC vẫn là thấp nhất trong 7 năm qua (không tính năm 2022 lỗ).

Năm 2023, NRC đặt mục tiêu doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt là 200 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 2,3% mục tiêu doanh thu và 24% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của NRC đạt 2.083 tỷ đồng giảm 8,5% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm 83% tài sản, đạt 1.725 tỷ đồng, giảm 6,7%. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 67 lần lên 26 tỷ đồng.

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn năm qua tăng thêm 2 tỷ đồng, đạt s102 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dự án Bình Đăng (Saigon Metro Mall). Trong khi đó, hàng tồn kho chỉ 11 tỷ đồng, giảm 81%.

Tiền và tương đương tiền của NRC ở mức rất thấp, chỉ 897 triệu đồng.

Nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 đạt 789 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 399 tỷ đồng, giảm 31%. Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng 15% lên 108 tỷ đồng. Còn khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ 2,4 tỷ đồng, giảm 95%.

Vốn chủ sở hữu của NRC đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,6 lần.

Dòng tiền kinh doanh năm 2023 dương 146 tỷ đồng, do giảm các khoản phải thu và hàng tồn kho. Dòng tiền đầu tư dương 39 tỷ đồng do thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác. Trong năm, NRC không phát sinh hoạt động vay mượn, trong khi chi trả nợ gốc vay đạt 186 tỷ đồng.

Trước đó, Chi cục thuế quận 1 (TP HCM) cũng đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập Đoàn Danh Khôi. Lý do cưỡng chế là do doanh nghiệp nợ 99,6 tỷ đồng tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp, cũng như thời hạn gia hạn theo quy định. Việc cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn sẽ chính thức có hiệu lực từ 17h ngày 13/11/2023, kéo dài trong thời hạn một năm.

Hợp tác với công ty Đại Nam

Lô trái phiếu 2.888 tỷ đồng do Công ty cổ phần Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát vừa hoàn tất phát hành là lô trái phiếu riêng lẻ có giá trị phát hành lớn nhất kể từ cuối tháng 12/2023 đến nay.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Tổ chức lưu ký là Công ty cổ phần Chứng khoán HD.

Đáng nói, trước đó, vào tháng 12/2023, Công ty Hưng Thịnh Phát đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/2023 với Công ty cổ phần Đại Nam.

Công ty cổ phần Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát được thành lập vào Quý IV/2021, với vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng. Gần đây nhất, tháng 12/2023, công ty thực hiện điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh chính lúc này là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất và thay đổi vốn điều lệ từ 30 tỷ lên 940 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục