Canon xây dựng nhà máy 345 triệu USD sản xuất chip bán dẫn tại Nhật Bản

Hải Đăng

Cuộc chạy đua sản xuất chip bán dẫn trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi mới đây, công ty Canon lên kế hoạch xây dựng một nhà máy thiết bị bán dẫn mới ở miền đông Nhật Bản.

Công ty Canon sẽ khởi công xây dựng nhà máy trị giá 50 tỷ yên (345 triệu USD) ở Tochigi (Nhật Bản), nhằm mở rộng sản xuất các máy in thạch bản – thiết bị quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.

Thông tin từ Nikkei cho biết, nhà máy mới sẽ được xây dựng tại tỉnh Tochigi vào năm sau và dự kiến đi vào hoạt động vào mùa xuân năm 2025. Tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ yên (345 triệu USD), bao gồm chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất hiện tại.

Canon xây dựng nhà máy 345 triệu USD sản xuất chip bán dẫn tại Nhật Bản - Ảnh 1

Canon có kế hoạch tăng cường sản xuất thiết bị in thạch bản, hay còn gọi là in litô hoặc quang khắc, một phần quan trong trong sản xuất chip tiên tiến ngày nay. Công ty cũng sẽ xem xét sản xuất các hệ thống thế hệ tiếp theo có khả năng tạo ra các mạch tiên tiến với chi phí thấp.

Canon hiện đang sản xuất thiết bị tương tự tại hai nhà máy ở Nhật Bản. Thiết bị được sử dụng để sản xuất chip cho các ứng dụng như hệ thống điều khiển ô tô.

Nhà máy mới sẽ được xây dựng trên một khu đất trống rộng khoảng 70.000 mét vuông trong khuôn viên của một nhà máy hiện có. Đây là nhà máy mới đầu tiên dành cho thiết bị in thạch bản do Canon xây dựng trong 21 năm qua.

Doanh số bán thiết bị in thạch bản bán dẫn năm 2022 dự kiến ​​sẽ tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lên 180 chiếc, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước. Nhà máy mới sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Thị trường chất bán dẫn toàn cầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới WSTS. Tthị trường bán dẫn dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, tăng gấp đôi về quy mô so với năm 2021.

Canon kiểm soát 30% thị trường toàn cầu về thiết bị in thạch bản trên cơ sở khối lượng, đứng sau ASML (Hà Lan) chiếm 60%. Intel và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cũng đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ và các quốc gia khác. Canon quyết định cần phải tăng năng lực sản xuất tại các cơ sở hiện có khi nhu cầu chất bán dẫn tăng lên qua từng năm.

Công ty cũng sẽ phát triển công nghệ thế hệ tiếp theo được gọi là in thạch bản nano-imprint. Công nghệ này cho phép khắc các mạch mịn tiên tiến với chi phí thấp hơn so với thiết bị in thạch bản hiện có.

Canon xây dựng nhà máy 345 triệu USD sản xuất chip bán dẫn tại Nhật Bản - Ảnh 2

Quá trình này được đơn giản hóa bằng cách sử dụng phương pháp vẽ mạch như thể nó được dập tem, giảm chi phí sản xuất. Canon hiện đang dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ mới, với sự tham gia của Kioxia và Dai Nippon Printing của Nhật Bản. 

Nhu cầu đối với chất bán dẫn có độ rộng giữa các dòng dẫn (line width) nhỏ hơn sẽ tăng lên cùng với sự lan rộng của công nghệ dẫn động tự động tiên tiến. Hiện nay, thiết bị sử dụng công nghệ được gọi là cực tím (EUV) là không thể thiếu để tạo thành các mạch ở cấp độ nanomet, tức là bằng một phần tỷ mét. 

Nhà cung cấp thiết bị chip Châu Âu ASML là công ty duy nhất sở hữu công nghệ này. Tuy nhiên, thiết bị này có giá vô cùng đắt đỏ, khoảng 20 tỷ yên, và tiêu tốn nhiều điện năng.

Nếu phương pháp in thạch bản nano-imprint có thể được đưa vào sử dụng thực tế, Canon hy vọng, chi phí sản xuất cho quy trình in thạch bản sẽ giảm tới 40% và tiêu thụ điện năng giảm tới 90% so với EUV. Canon đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh in thạch bản nano-imprint để phá vỡ sự thống trị của ASML trên thị trường.

Tin Cùng Chuyên Mục