Câu chuyện ông Tây làm socola vị phở và hành trình 10 năm đưa socola Việt Marou ra thế giới

Quỳnh Chi

Năm 2010, từ bỏ công việc ổn định trong ngành quảng cáo tại San Francisco, Vincent Mourou đã gặp Samuel Maruta trong một chuyến cắm trại trong rừng ở Việt Nam. Ấn tượng bởi cách người dân địa phương trồng cacao, họ quyết định thành lập một công ty sản xuất socola made in Viet Nam và đưa socola Việt vươn tầm thế giới.

Khởi nghiệp với nhà máy socola đầu tiên ở Việt Nam

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ định mệnh của hai nhà sáng lập Vincent Mourou (cựu chuyên gia trong ngành quảng cáo) và Samuel Maruta (cựu giám đốc ngân hàng) khi cùng tham gia một chuyến cắm trại trong rừng ở miền Nam Việt Nam. Bị ấn tượng bởi cách người dân trồng cacao ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hai người quyết định bắt tay vào con đường sản xuất socola ở Việt Nam – điều trước đây chưa từng có ai làm.

Câu chuyện ông Tây làm socola vị phở và hành trình 10 năm đưa socola Việt Marou ra thế giới - Ảnh 1

Từ chỗ chưa từng có kinh nghiệm trong ngành này, những thỏi socola đầu tiên của hai chàng trai người Pháp đã ra đời trong một căn bếp nhỏ với cái tên Marou Faiseurs de Chocolat (viết tắt bởi tên của 2 co-founders là Vincent Mourou và Samuel Maruta) với dụng cụ sản xuất chỉ là chiếc máy xay sinh tố, lò nướng và khuôn bánh.

Căn bếp của Samuel khi đó đã trở thành một phòng thí nghiệm socola. Năm 2011, hai người đã thử nghiệm 55 mẫu socola trong suốt 6 tháng trước khi đạt tới phiên bản hoàn thiện cuối cùng. Lúc bấy giờ, chẳng ai ngờ rằng thương hiệu socola Marou Faiseurs de Chocolat này sẽ nổi tiếng toàn cầu.

Lang thang khắp 6 tỉnh thành Việt Nam để thu gom các hạt cacao chất lượng với giá cao gấp đôi thị trường, Samuel và Vincent nhận ra rằng các hạt cacao trồng tại các vùng miền khác nhau sẽ cho hương vị khác nhau.

Do đó, họ đã tạo ra 6 dòng sản phẩm dựa theo hương vị và địa điểm trồng với những cái tên giản dị và gần gũi nhằm tôn vinh các tỉnh thành Việt: Đắk Lắk 70%, Tiền Giang 70%, Đồng Nai 72%, Lâm Đồng 74%, Bà Rịa 76% và Bến Tre 78%. Tất cả đều là socola đen (nguyên chất) và không hề pha thêm phụ gia hay hương liệu khác.

Câu chuyện ông Tây làm socola vị phở và hành trình 10 năm đưa socola Việt Marou ra thế giới - Ảnh 2

Sau 9 tháng ấp ủ, tháng 11/2011, “cặp bài trùng” người Pháp này đã mang một vali đầy socola tới tham dự hội chợ triển lãm ở Hồng Kông, Paris, Singapore cũng như bày bán trong các cửa hàng ở Việt Nam; đánh dấu sự xuất hiện của thương hiệu Marou Faiseurs de Chocolat trên thị trường.

Các năm sau đó, Marou Faiseurs de Chocolat liên tục có những bước phát triển mới. Thậm chí, năm 2020, khi ngành thực phẩm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 thì doanh thu xuất khẩu của thương hiệu này lại tăng tới 50%.

Socola Marou đã nhận được rất nhiều lời khen “có cánh” từ truyền thông quốc tế. Tờ New York Times đã dành hẳn một bài viết với tựa đề “Bạn chưa bao giờ ăn loại socola ngon đến thế” để nói về những thanh socola Marou với hương vị cực kì đặc biệt so với các thanh socola khác trên thế giới.

Từ sản phẩm độc đáo tới triết lý kinh doanh tràn đầy cảm hứng

Để kỷ niệm cột mốc 10 năm thành lập, Marou đã tung ra một sản phẩm táo bạo: thanh socola đặc biệt có vị phở như một lời ca ngợi đối với ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Cảm hứng này được bắt nguồn từ hương thơm đầy kích thích của các loại gia vị được nướng trên củi lửa trong quá trình nấu phở - món ăn đã “ghi tên Việt Nam” trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Là sự pha trộn thú vị của cacao với lần lượt 5 loại gia vị gồm bạch đậu khấu, hoa hồi, hạt ngò, quế và đinh hương, Phở Spice Bar như một “bài ca dành cho Việt Nam”, ghi dấu ấn từng chặng đường của công ty và mang tới nguồn năng lượng mới mẻ cho người thưởng thức.

Câu chuyện ông Tây làm socola vị phở và hành trình 10 năm đưa socola Việt Marou ra thế giới - Ảnh 3

Thanh socola vị phở của Marou đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới “nghiền” socola thế giới và được Bloomberg đánh giá như sau: "Đó là một loại socola đen với cây hồi, thảo quả, rau mùi, thì là, đinh hương, quế, và hạt tiêu, các gia vị rất đặc trưng của phở Việt Nam. Cảm hứng cho món tráng miệng ngọt ngào đến vô cùng ngẫu nhiên: từ mùi thơm của gia vị nướng ở một hàng phở gần nhà máy socola ".

Với tham vọng trở thành công ty sản xuất socola truyền cảm hứng nhất thế giới, sau một thập kỉ hoạt động, Marou vẫn giữ cam kết mạnh mẽ về tính bền vững, xác thực và minh bạch. Ngay từ bước khởi đầu, công ty đã đề ra tiêu chí: tìm nguồn cung ứng trực tiếp và công bằng; hỗ trợ người nông dân, bỏ qua khâu trung gian và trả giá cao hơn thị trường để khuyến khích và tán thưởng những người nông dân tài năng, tận tâm. Đồng thời, những sản phẩm của Marou luôn được cam kết chất lượng tốt nhất và đảm bảo yếu tố đạo đức.

Hiện nay, công ty đã khởi xướng các dự án như nông lâm kết hợp Madagui Agroforestry – trồng cây cacao trong các khu rừng miền núi và Cacao Footprint – cung cấp cây giống cacao cho nông dân. Là công ty chocolate thủ công đầu tiên tại Việt Nam, Marou hy vọng những sáng kiến ​​này có thể tái hiện đức tính kiên cường, giàu bản sắc và tinh thần nỗ lực không ngừng của Việt Nam.

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, nhà sáng lập Vincent tiết lộ: “Năm nay chúng tôi chưa bao giờ năng động như vậy. Cùng với việc giới thiệu mô hình Marou Stations tới người tiêu dùng, chúng tôi sẽ cho ra mắt một dòng chocolate mới mang tên “Marou Bar”. Ngoài ra, Marou cũng rất hào hứng được trình làng dòng chocolate năng lượng có tên “Iron Bar” vào tháng 1/2022.”

Tin Cùng Chuyên Mục