Chứng khoán Việt Nam lọt top giảm mạnh nhất Châu Á với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa HoSE mất gần 3 tỷ USD ngay phiên đầu tuần

Phương Linh

Nhà đầu tư bán mạnh đưa khối lượng giao dịch trên sàn HoSE vượt 1,3 tỷ cổ phiếu, trở thành phiên có lượng cổ phiếu giao dịch cao thứ hai trong năm 2023, chỉ sau phiên 18/8.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần mới bằng phiên giao dịch có phần "sóng gió". Đi ngược với diễn biến khả quan trong phiên sáng, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều đẩy hàng loạt cổ phiếu chìm sâu trong sắc đỏ, thậm chí giảm sàn. VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại mức 1.223,63 điểm, ghi nhận mức giảm gần 18 điểm, mạnh nhất trong vòng gần một tháng kể từ phiên 18/8.

Mức giảm 1,44% cũng đưa VN-Index vào top các chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á vào ngày 11/9. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực. Với phiên giảm điểm mạnh, giá trị vốn hóa HoSE tương ứng mất gần 72.000 tỷ đồng (~3 tỷ USD), xuống còn xấp xỉ 4,9 triệu tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam lọt top giảm mạnh nhất Châu Á với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa HoSE mất gần 3 tỷ USD ngay phiên đầu tuần - Ảnh 1

Đi kèm với biến động mạnh về chỉ số, thanh khoản cũng đẩy lên mức cao. Nhà đầu tư ồ ạt bán ra đưa khối lượng giao dịch trên sàn HoSE vượt 1,3 tỷ cổ phiếu, trở thành phiên có lượng cổ phiếu giao dịch cao thứ hai trong năm 2023, chỉ sau phiên rơi tự do ngày 18/8.

Xét theo giá trị, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE cũng xấp xỉ 30.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD), cao thứ hai trong năm nay.

Chứng khoán Việt Nam lọt top giảm mạnh nhất Châu Á với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa HoSE mất gần 3 tỷ USD ngay phiên đầu tuần - Ảnh 2

Xét về mức độ đóng góp cụ thể , bộ đôi VHM và VCB trở thành "tội đồ" lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tổng cộng hơn 3 điểm trong phiên đầu tuần. Cụ thể, VHM giảm tới 2,8% về mức giá 52.500 đồng/cổ phiếu, khiến VN-Index giảm hơn hơn 1,6 điểm trong khi VCB mất hơn 1% xuống 88.500 đồng/cp và khiến VN-Index giảm gần 1,4 điểm.

Bên cạnh đó, HPG và GVR tiếp tục là hai nhân tố đè mạnh lên thị trường khi lần lượt lấy đi 1,1 điểm và 0,95 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, trong khi HPG điều chỉnh tới 2,6%, về mức 28.000 đồng/cp thì GVR giảm mạnh nhất nhóm VN30 với 4,2%.

Top những cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như MSN, NVL, VRE, BCM... Ngoài ra, bên cạn VCB, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh cũng nằm trong nhóm tác động tiêu cực đến thị trường hôm nay như TCB, BID, CTG, MBB, STB, ACB, ...

Việc những nhóm trụ cột của thị trường như ngân hàng, thép, bất động sản gặp áp lực bán mạnh đã khiến các chỉ số nhanh chóng giảm sâu. Cộng thêm lực cầu chưa thực sự sẵn sàng lao vào bắt đáy cổ phiếu khiến thị trường càng mất đi lực chống đỡ.

Chứng khoán Việt Nam lọt top giảm mạnh nhất Châu Á với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa HoSE mất gần 3 tỷ USD ngay phiên đầu tuần - Ảnh 3

Ở chiều ngược lại, SAB hôm nay ngược dòng tăng 4,3% lên mức 167.500 đồng/cổ phiếu đã trở thành "công thần" lớn nhất giúp VN-Index tăng 1,1 điểm. Hai mã nhà băng là OCB và VPB cũng xuất sắc đi ngược xu hướng điều chỉnh và giúp thị trường chung bớt phần ảm đạm.

Nhịp điều chỉnh tại vùng đỉnh ngắn hạn

Phiên đầu tuần giảm mạnh trái ngược với nhiều niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều luồng thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế VN-Index đã tăng đáng kể từ đáy ngắn hạn. Đà hồi phục mạnh không những đưa điểm số lên vùng đỉnh ngắn hạn mà định giá của chứng khoán Việt Nam đã lên cao đáng kể, P/E của VN-Index tăng lên 13,89 lần. Mức định giá này không còn quá hấp dẫn khi cao hơn nhiều so với vùng đáy hồi giữa tháng 11/2022 và gần tương đương vùng giá trước dịch Covid. Đây là một trong những yếu tố có thể sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường thời gian tới, đặc biệt là khối ngoại.

Sau giai đoạn mua ròng mạnh mẽ 2 tháng cuối năm 2022, khối ngoại đã có dấu hiệu đảo chiều xu hướng giao dịch. Tháng 8/2023 là tháng thứ 5 liên tiếp nhà đầu tư ngoại bán ròng trên toàn thị trường, xu hướng vẫn đang tiếp tục trong nửa đầu tháng 9.

Chứng khoán Việt Nam lọt top giảm mạnh nhất Châu Á với thanh khoản tăng vọt, vốn hóa HoSE mất gần 3 tỷ USD ngay phiên đầu tuần - Ảnh 4

Dù vậy, vẫn có những điểm tích cực trong triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn cuối năm 2023. Mặt bằng lãi suất thời điểm hiện tại đã thấp hơn đáng kể so với cách đây một năm và thậm chí còn có thể giảm tiếp dù dư địa không còn nhiều. Số lượng tài khoản mở mới đang có xu hướng tăng trở lại, thanh khoản thị trường cũng được cả thiện rõ rệt.

Thêm nữa, thị trường cũng đang đón nhận một số thông tin tích cực đến từ hệ thống KRX và tiến trình nâng hạng. Ngoài ra, sự kiện Tổng thống Mỹ đến Việt Nam cũng mở ra mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco, thị trường đang ở vùng đỉnh năm 2023 nên sẽ khó có thể tránh khỏi việc phải chịu áp lực bán và các nhịp rung lắc xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Agriseco Research cho rằng đây chỉ là những nhịp bán kĩ thuật nên sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đặc biệt, nhà đầu tư lưu ý hạn chế giải ngân trong các phiên tăng mạnh để giảm thiểu rủi ro khi thị trường tiềm ẩn khả năng điều chỉnh.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục