Chuỗi thương hiệu đồ uống tuy mới nhưng "nổi như cồn", âm thầm đe đọa các "ông lớn" Highlands Coffee, The Coffee House

Linh An

Sự xuất hiện của các thương hiệu Katinat, Phê La, Mixue.. ít nhiều khiến cuộc chiến F&B trở nên sôi động và khốc liệt hơn.

Vài năm trở lại đây, văn hóa và nhu cầu với ngành kinh doanh đồ uống trở nên sôi động, thậm chí trở thành lựa chọn đầu khi khởi nghiệp của nhiều người. 

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực năm 2022 do iPOS mới công bố cho thấy, trên tổng số 3.940 người tham gia khảo sát, có 53,3% người được hỏi cho biết đi cà phê 1 - 2 lần/tháng; 22,6% người đi từ 1-2 lần/tuần và 14,6% đáp viên đi cà phê 3 - 4 lần/tuần. 

Thống kê của iPOS cho thấy, có tới hơn 50% khách hàng thỉnh thoảng đi cà phê mỗi tháng.
Thống kê của iPOS cho thấy, có tới hơn 50% khách hàng thỉnh thoảng đi cà phê mỗi tháng.

Những thương hiệu thuộc hàng top chiếm lĩnh thị trường kinh doanh đồ uống ở Việt Nam có thể kể đến như Highland Coffee, Phúc Long, The Coffee House , Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-coffee... với số lượng cửa hàng lên tới hàng trăm đơn vị. 

Bên cạnh chuỗi cửa hàng lớn được hậu thuẫn bởi các tập đoàn có tiềm lực như trên, nhiều thương hiệu trẻ khác ra đời thu hút một lượng lớn khách hàng.

Dù quy mô còn nhỏ nhưng những thương hiệu này nhanh chóng trở thành hiện tượng và được lòng khách hàng trẻ. 

Thương hiệu Mixue

Mixue là một trong những cái tên gây xôn xao thời gian gần đây khi số lượng cửa hàng mọc lên nhanh như "nấm sau mưa".

Thương hiệu Mixue có tên đầy đủ là Mixue Bingcheng, được thành lập từ năm 1997 bởi Zhang Hongchao. Đây là chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm về kem tươi và đồ uống từ trà.

Chuỗi thương hiệu đồ uống tuy mới nhưng "nổi như cồn", âm thầm đe đọa các "ông lớn" Highlands Coffee, The Coffee House  - Ảnh 1

Ngoài Việt Nam, Mixue còn có mặt tại Indonesia cũng như đăng ký nhãn hiệu tại 30 thị trường khác nhau như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Kyrgyzstan và Uzbekistan.

Tại Trung Quốc, nơi thị trường trà sữa có doanh thu khoảng 20 tỷ USD và mảng đồ uống từ trà trị giá 40 tỷ USD vào năm 2021, Mixue đang là tay chơi lớn khi sở hữu 21.000 cửa hàng, gấp 3 lần đối thủ cùng ngành là Good Me. Riêng năm 2021, Mixue đã mở hơn 7.000 cửa hàng.

Tính đến tháng 3, thương hiệu này đã có 21.619 cửa hàng và dự kiến chạm 30.000 vào cuối năm nay nếu duy trì tốc độ mở rộng nhượng quyền nhanh chóng như hiện nay.

Các loại đồ uống của Mixue có giá tương đối bình dân, sản phẩm chủ đạo tại Mixue là cây kem giá 10.000 đồng, trà sữa có giá trung bình 25.000 đồng/ly. Các cửa hàng của Mixue chủ yếu phân bổ ở khu vực tập trung người trẻ tuổi như trường học, trung tâm thương mại, phố mua sắm.

Theo Nikkei Asia Review, doanh thu của Mixue Bingcheng năm ngoái đạt 10,3 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,6 tỷ USD theo tỷ giá đầu năm 2022.

Mixue ra mắt cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 9/2018. Sau 5 năm gia nhập, hiện Mixue đã nâng quy mô của mình lên 1.000 cửa hàng, phát triển theo hình thức nhượng quyền. Theo tìm hiểu, tổng chi phí đầu tư nhượng quyền một cửa hàng Mixue khoảng 700 - 800 triệu đồng, chưa tính chi phí thuê mặt bằng và nhân viên.

Dù vậy, việc mở rộng quy mô lớn, nhiều cửa hàng trong cùng một khu vực đặt ra áp lực lớn với các cửa hàng cùng thương hiệu nhưng phải cạnh tranh với nhau. 

Thương hiệu Phê La 

Trong khi các thương hiệu thuần trà sữa như Ding Tea, Gongcha... đang có dấu hiệu hạ nhiệt thì chuỗi thương hiệu cà phê Phê La như một làn gió mới thổi vào thị trường Hà Nội.

Là thương hiệu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tập trung vào phát triển dòng trà Ô Long đặc sản Đà Lạt, Phê La mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 3/2021. 

Chuỗi thương hiệu đồ uống tuy mới nhưng "nổi như cồn", âm thầm đe đọa các "ông lớn" Highlands Coffee, The Coffee House  - Ảnh 2

Từ cửa hàng nhỏ, phù hợp với take-away, Phê La dần "bành trướng" và hiện đã mở 18 cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt. Với mức giá tầm trung 55.000 - 65.000 đồng/ly, nhưng lượng khách hàng đến với Phê La vẫn đông, đặc biệt vào dịp cuối tuần. 

Qua tìm hiểu, chuỗi cửa hàng Phê La được vận hành bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Tra La, thành lập tháng 3/2020, có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện pháp luật.

Bà Nguyễn Hạnh Hoa cũng là người đại diện của Công ty cổ phần Tmore - vận hành thương hiệu tiệm trà chanh Tmore.

Thương hiệu Katinat 

Được thành lập từ năm 2016, Katinat là một thương hiệu của D1 Concepts - công ty sở hữu các chuỗi F&B khác như San Fu Lou, Dì Mai và Sorae. Theo website chính thức của Capella Group, D1-Concept (tên gọi trước đây là Capella-D1) lại là thành viên thuộc hệ sinh thái Capella Group của đại gia Nguyễn Cao Trí, kinh doanh đa ngành trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, nhà hàng, giáo dục từ năm 2015. Tới năm 2020, Capella Holdings thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Capella-D1.

Tuy nhiên, theo đại diện của D1-Concept thì tới thời điểm hiện tại, các thương hiệu San Fu Lou, Dì Mai, Sorae thuộc quyền sở hữu tuyệt đối và duy nhất của Công ty Cổ phần D1 Concepts. D1 Concepts là pháp nhân hoàn toàn độc lập so với Capella Holdings và không có bất kỳ mối liên quan gì đến hệ sinh thái Capella Group nói chung và ông Nguyễn Cao Trí nói riêng. 

Chuỗi thương hiệu đồ uống tuy mới nhưng "nổi như cồn", âm thầm đe đọa các "ông lớn" Highlands Coffee, The Coffee House  - Ảnh 3

Dù ra mắt sớm nhưng phải đến năm 2021, Katinat mới thực sự trở thành tên tuổi đáng chú ý. Từ con số chỉ 10 cửa hàng nhỏ ở thời điểm cuối năm 2021 tập trung tại quận 1 và quận 3, Katinat tận dụng thời cơ, âm thầm "gom" vị trí đắc địa. Đến nay, số lượng cửa hàng Katinat đã lên tới con số 50, "phủ sóng" tại TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Lạt, Cần Thơ, Tiền Giang.

Tháng 4 vừa qua, Katinat đã "Bắc tiến" cùng chiến dịch "ly cầu vồng" tặng kèm đồ uống, tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. 

Thống kê cho thấy, năm 2022, người Việt chi khoảng 53.000 tỷ đồng uống trà và cà phê. Mỗi năm, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%. Giữa thị trường hàng chục nghìn tỷ như vậy, cuộc chiến cà phê được dự đoán sẽ còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới. 

Tin Cùng Chuyên Mục