Có 2 con trai nối nghiệp, tỷ phú giàu nhất Nhật Bản vẫn muốn chọn phụ nữ làm CEO vì lí do bất ngờ

Đ.L (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Đó là cả một chiến lược kinh doanh của Uniqlo chứ không đơn thuần là quyết định cảm tính.

Tadashi Yanai là người sáng lập đế chế thời trang lớn nhất châu Á. Ông và gia đình sở hữu 44% cổ phần Fast Retailing, là công ty mẹ của hãng Uniqlo. Ước tính tổng giá trị tài sản của họ vượt quá con số 29 tỷ USD, giàu nhất Nhật Bản và đứng thứ 41 thế giới (theo Forbes tháng 9/2019).

Gần đây, ở tuổi 70, tỷ phú Yanai nhận được nhiều câu hỏi về người kế vị dẫn dắt Uniqlo. Và ông đã bất ngờ khi cho biết: "Công việc CEO phù hợp với phụ nữ hơn. Họ là những người kiên trì, chi tiết và có gu thẩm mỹ tuyệt vời".

Có 2 con trai nối nghiệp, tỷ phú giàu nhất Nhật Bản vẫn muốn chọn phụ nữ làm CEO vì lí do bất ngờ - Ảnh 1

Nhà sáng lập Tadashi Yanai và nữ minh tinh danh tiếng Susan Sarandon - đại diện quảng bá cho BST Mùa thu của Uniqlo

Tuyên bố này lập tức gây bất ngờ lớn bởi tỷ phú Yani có đến 2 người con trai kế nghiệp. Đó là anh cả Kazumi Yanai hiện là Giám đốc Fast Retailing và Chủ tịch Uniqlo Mỹ. Người em Koji Kanai cũng đồng giữ chức Giám đốc Fast Retailing kiêm Giám đốc makerting toàn cầu của Uniqlo.

Có 2 con trai nối nghiệp, tỷ phú giàu nhất Nhật Bản vẫn muốn chọn phụ nữ làm CEO vì lí do bất ngờ - Ảnh 2

 Anh cả Kazumi (trái) và em trai Koji Yanai

Tuy vậy, chủ tịch Yanai cho biết ông muốn tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ lên 50%. Fast Reatailing hiện có 6 "bóng hồng" đảm nhận các vị trí điều hành cấp cao. Trong khi đó, tính trung bình toàn Nhật Bản chỉ có khoảng 4,1% lãnh đạo là phụ nữ tại các công ty niêm yết, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 25% ở Mỹ.

Mà theo nhà phân tích Kathlyn Collins từ Matthews Asia thì các nhà đầu tư sẽ luôn nhìn vào sự đa dạng trong cấu trúc quản trị của công ty để định giá. Điều này càng đặc biệt đúng với các công ty hàng tiêu dùng (ví dụ như Uniqlo bán lẻ thời trang) - họ cần người lãnh đạo phù hợp, nắm bắt nhạy bén tâm lí và nhu cầu của khách hàng.

Có 2 con trai nối nghiệp, tỷ phú giàu nhất Nhật Bản vẫn muốn chọn phụ nữ làm CEO vì lí do bất ngờ - Ảnh 3

Ngay trong Uniqlo hiện giờ, ứng cử viên tiềm năng bậc nhất cũng là bà Maki Akaida - điều hành mảng kinh doanh tại Nhật và đem về lợi nhuận cao nhất cho công ty, đồng thời cũng quản lý thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Khi được truyền thông hỏi liệu Akaida sẽ kế vị mình hay chăng, chủ tịch Yanai đáp gọn: "Cũng có thể". Được biết, nữ giám đốc Akaida năm nay 40 tuổi, gia nhập Fast Retailing đã 18 năm (từ 2001), trải qua nhiều bộ phận khác nhau bao gồm nhân sự và bán hàng.

Có 2 con trai nối nghiệp, tỷ phú giàu nhất Nhật Bản vẫn muốn chọn phụ nữ làm CEO vì lí do bất ngờ - Ảnh 4

Maki Akaida - ứng viên cho vị trí CEO Uniqlo

Dù sao để ngồi lên chiếc ghế quyền lực của đế chế thời trang lớn nhất châu Á sẽ còn là một hành trình dài. Vị trí này càng nóng hơn khi năm ngoái, Uniqlo thu về lợi nhuận 2,3 tỷ USD. Tính đến ngày 3/9/2019, doanh thu bán lẻ của công ty ở Nhật cũng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình sẽ tiếp tục tươi sáng ở châu Á trong khi tại Mỹ, hãng chỉ mở thêm được 50 cửa hàng mới - một con số quá khiêm tốn so với bản kế hoạch 1.000 cửa hàng mới từng được chính Yanai khởi xướng năm 2012.

Ngoài câu chuyện bất bình đẳng giới ở vị trí lãnh đạo, Uniqlo và các công ty Nhật Bản khác đang đối mặt vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động. Lí do không gì khác ngoài già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm. Dự báo dân số đất nước mặt trời mọc sẽ giảm đến 1/3 trong 40 năm nữa. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và giới kinh doanh bày tỏ lo ngại sâu sắc. Chủ tịch Yanai cũng thừa nhận: "Vì chúng tôi kinh doanh thời trang nên việc người dân già đi không phải là một chuyện tốt".

Tin Cùng Chuyên Mục