Công ty mẹ của VNPAY hoàn thành vòng gọi vốn với tổng giá trị lên đến 200 triệu USD

Như Quỳnh

VNPAY là mảng kinh doanh lớn nhất của VNLIFE. VNPAY giúp các ngân hàng Việt Nam xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng ngân hàng di động của họ.

Công ty mẹ của VNPAY hoàn thành vòng gọi vốn với tổng giá trị lên đến 200 triệu USD

VNLIFE, công ty mẹ của VNPAY được cho là sắp hoàn thành vòng gây quỹ hơn 200 triệu USD với sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính toàn cầu. Vòng gây quỹ dự kiến sẽ được đóng trong vòng một tháng tới. 

Một nguồn tin từ VNLIFE cho hay tập đoàn đã tiếp cận Facebook với tư cách là một nhà đầu tư tiềm năng, tuy nhiên 2 bên không thể đạt được thỏa thuận. 

VNPAY (Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam) là mảng kinh doanh lớn nhất của VNLIFE. VNPAY giúp các ngân hàng Việt Nam xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng ngân hàng di động của họ.

VNPAY cũng vận hành một cổng thanh toán và hệ thống thanh toán dựa trên mã QR. Trong khi đó, tập đoàn mẹ VNLIFE đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và bán lẻ. 

Trước đó vào năm 2019, VNLIFE đã nhận được cam kết rót vốn trị giá 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và quỹ GIC Pte (Singapore). Khoản tài trợ này đã đưa VNLIFE gia nhập câu lạc bộ startup "kỳ lân" trị giá hơn 1 tỷ USD vào năm 2020. Đây là công ty khởi nghiệp thứ hai của nước ta đạt được mức định giá 1 tỷ USD sau công ty internet VNG Corporation.

Bên cạnh VNPAY, hệ sinh thái của VNLIFE cũng có một số cái tên nổi bật như công ty khởi nghiệp chia sẻ xe Dichung, nhà cung cấp giải pháp công nghệ du lịch Tripi và các nền tảng đặt vé Dinogo và Mytour.vn.

Các đơn vị bán lẻ của VNLIFE bao gồm Teko, đơn vị cung cấp các giải pháp cho lĩnh vực thương mại điện tử, hậu cần và thanh toán; nền tảng quản lý bán hàng đa kênh Sapo; nhà bán lẻ điện máy Phong Vũ và nền tảng quản lý trải nghiệm khách hàng, tiếp thị kỹ thuật số Mobio.

Ngoài ra, VNLIFE còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp như iCheck, chuyên cung cấp dịch vụ mã vạch và mã QR cho doanh nghiệp, và phần mềm hóa đơn điện tử VNInvoice.

Niraan De Silva, giám đốc điều hành của VNLIFE cho biết tập đoàn đã ghi nhận lãi trong vài năm qua. Công ty này tuyên bố sở hữu mạng lưới thanh toán QR cho người bán hàng lớn nhất Việt Nam với hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán. VNLIFE cũng cung cấp dịch vụ cho hơn 40 ngân hàng ở Việt Nam, 12 ngân hàng ở Campuchia và 7 đối tác ví điện tử. 

Hiện thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam vẫn đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo ước tính của Statista, tổng giá trị giao dịch thanh toán điện tử sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm nay và dự kiến ​​sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 15%, chạm mức 26,4 tỷ USD vào năm 2025.

Ngoài VNPAY, các công ty nổi bật trong thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam còn có MoMo, GrabPay by Moca, ViettelPay và ZaloPay. Trong số đó MoMo là ví điện tử huy động được nhiều vốn nhất khi kêu gọi thành công 230 triệu USD từ các nhà đầu tư như Warburg Pincus, Affirma Capital, Goodwater Capital, Macquarie Capital và Tybourne Capital Management.