Cuộc chiến tập đoàn công nghệ Đông Nam Á: Grab, GoTo nhen nhóm trên con đường có lãi, Sea mất dần sức hút

Linh Bùi

Theo nhà quản lý quỹ chứng khoán ở Đông Nam Á, các công ty phải làm cho dịch vụ của mình trở nên “bền chặt” hơn, nếu không họ sẽ không thể hoàn toàn thoát khỏi việc phải dựa vào những ưu đãi lớn để thu hút người dùng.

Giá cổ phiếu các công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á có sự chênh lệch lớn trong năm nay. Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm tới những công ty có khả năng cắt giảm chi phí hiệu quả và tránh xa công ty có kế hoạch tăng trưởng tốn kém, theo Asia Nikkei.

Cụ thể, giá cổ phiếu của Grab - siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore đã tăng lên sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý II/2023 có phần khởi sắc. Doanh nghiệp đang trên đà có lãi và dự kiến sẽ hòa vốn trong thời gian không xa. 

Cuộc chiến tập đoàn công nghệ Đông Nam Á: Grab, GoTo nhen nhóm trên con đường có lãi, Sea mất dần sức hút - Ảnh 1

Ngược lại, giá cổ phiếu Sea - công ty mẹ Shopee lại chứng kiến mức giảm lớn nhất trong một phiên giao dịch khi họ công bố kế hoạch tăng cường đầu tư vào mảng kinh doanh thương mại điện tử, điều có thể khiến công ty thua lỗ.

Biến động trên thị trường chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư vẫn quan tâm tới những công ty có khả năng có lãi trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trên thị trường công nghệ tại Đông Nam Á ngày càng tăng.

Sự nhiệt tình của giới đầu tư với siêu ứng dụng như Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) đã hạ nhiệt vào năm ngoái khi lạm phát và lãi suất tăng, qua đó ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của cả hai công ty.

Dù giá cổ phiếu cả hai công ty hiện đều giảm khoảng 60% so với mức giá cổ phiếu vào thời điểm mới chào sàn, song giá cổ phiếu Grab đã tăng 15% kể từ đầu năm, phản ánh nhu cầu với mảng gọi xe và giao đồ ăn tại Đông Nam Á đã phần nào phục hồi.

Tuần trước, giá cổ phiếu Grab đã có thời điểm tăng 11% trong một phiên giao dịch, mức tăng lớn nhất trong ba tháng, sau khi công ty dự đoán Grab có thể hòa vốn trên cơ sở EBITDA (lãi trước vay, khấu hao, thuế) đã điều chỉnh.

Grab đặt mục tiêu có lãi và đang từng bước thực hiện để đạt mục tiêu.
Grab đặt mục tiêu có lãi và đang từng bước thực hiện để đạt mục tiêu.

CFO của Grab Peter Oey cho biết: “Grab đặt mục tiêu có lãi và đang từng bước thực hiện để đạt mục tiêu đó, bước đầu tiên là đạt điểm hòa vốn dựa trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh”.

Nhà phân tích Kelvin Tan của Maybank Securities cho biết Grab là "lựa chọn ưu tiên" của giới đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực Đông Nam Á nhờ triển vọng được cải thiện trong năm nay. Điều tương tự cũng diễn ra với GoTo.

Công ty có trụ sở tại Indonesia đã thu hẹp khoản lỗ trong quý II xuống còn 3.300 tỷ rupiah (215 triệu USD) và tái khẳng định mục tiêu có lãi trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh trong quý IV.

Trong tuần trước, giá cổ phiếu GoTo cũng có thời điểm tăng 7% trong một phiên giao dịch, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6, khi CEO Patrick Walujo tiếp quản công ty. Giá cổ phiếu GoTo đã tăng 7,7% kể từ đầu năm.

Piter Abdullah, CEO Viện nghiên cứu Segara có trụ sở tại Jakarta, cho biết việc giá cổ phiếu GoTo tăng cho thấy “niềm tin của thị trường” vào chiến lược cắt giảm chi phí mà CEO mới nhậm chức được vài tháng của công ty đề ra.

Trái lại, giá cổ phiếu Sea lại chứng kiến mức giảm 29% sau khi công bố báo cáo tài chính quý II, qua đó khiến vốn hóa thị trường công ty giảm gần 10 tỷ USD, mức giảm lớn nhất kể từ khi công ty lên sàn vào năm 2017.

Điều này diễn ra khi nhà đồng sáng lập Forrest Li tái khẳng định rằng công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng kinh doanh thương mại điện tử khi sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng. Các đối thủ của Shopee trong khu vực như Lazada hay TikTok Shop đều nhận được sự hậu thuẫn của các công ty lớn như Alibaba hay ByteDance.

Nhà đồng sáng lập Forrest Li cũng cảnh báo rằng việc tăng cường đầu tư vào Shopee có thể khiến Shopee nói riêng và Sea nói chung “thua lỗ ở một số thời điểm nhất định”.

Công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore mới đây dự đoán rằng thị phần của TikTok Shop trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ tăng từ 4,4% trong năm 2022 lên 13,2% vào năm 2023, qua đó trở thành dối trọng lớn với các sàn thương mại điện tử hàng đầu như Shopee, Lazada hay Tokopedia.

“Từ góc độ người bán và người dùng, hầu hết các trang thương mại điện tử đều có chi phí chuyển đổi thấp”, một nhà quản lý quỹ chứng khoán ở Đông Nam Á cho biết. “Các công ty phải làm cho dịch vụ của mình trở nên “bền chặt” hơn, nếu không họ sẽ không thể hoàn toàn thoát khỏi việc phải dựa vào những ưu đãi lớn để thu hút người dùng”.

CFO Oey của Grab cho biết chiến lược cắt giảm chi phí của họ nhằm mục đích làm cho nền tảng này có giá cả phải chăng hơn. “Nếu bạn nhìn vào thị trường Đông Nam Á ngày nay, rõ ràng chúng ta thấy người tiêu dùng quan tâm đến giá cả. Họ có nhiều lựa chọn hơn khi nói đến dịch vụ tiêu dùng”, ông Oey chia sẻ.

Josua Pardede, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Permata ở Indonesia, cho biết GoTo phải đối mặt với áp lực tương tự vì phải cạnh tranh với Grab trong mảng kinh doanh gọi xe và giao đồ ăn, cũng như thương mại điện tử với Shopee và TikTok Shop.

Tin Cùng Chuyên Mục