Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà

Selina Nguyễn (Theo Bloomberg)

(Doanhnhan.vn) – Những nhà hàng và hàng loạt nhân viên trong lĩnh vực này đang phải phụ thuộc vào lòng tốt cũng như chia sẻ từ chủ nhà khi những lỗ hổng trong kế hoạch hỗ trợ của chính phủ ngày càng rõ ràng.

Linden Pride, chủ sở hữu của nhà hàng Caffe Dante West Village đã dành 18 tháng và hơn 1,6 triệu USD để xây dựng quán với sức chứa 74 người, dự kiến sẽ mở cửa đón khách tại New York vào ngày 16/3.

Thế nhưng, mọi kế hoạch và dự định của Pride đã sụp đổ khi Thống đốc bang New York Andrew Cuomo yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết bắt đầu từ ngày 15/3.

Linden Pride ngay lập tức gửi email cho chủ nhà của mình - Công ty bất động sản William Gottlieb yêu cầu đàm phán lại các điều khoản thuê nhà.

Nói một cách dễ hiểu, Pride không đủ khả năng để chi trả tiền thuê nhà trong tháng 3 và tháng 4. “Chúng tôi đã dùng tất cả khoản tiền tiết kiệm của mình để mở nhà hàng mới. Chúng tôi đang ở vạch xuất phát với khoản dự trữ trong ngân hàng chỉ đủ chi trả cho các nhà cung cấp cũng như trả lương cho nhân viên trong tuần đầu tiên”, Pride chia sẻ.

Tồi tệ hơn, nhà hàng mới của Pride không đủ điều kiện để nhận khoản tiền trợ cấp từ chính phủ liên bang, bởi nhà hàng chưa mở cửa và phát sinh chi tiêu.

Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà - Ảnh 1

Nhà hàng Caffe Dante West Village ở New York

Sau một vài cuộc đàm phán giữa Pride và đại diện của Gottlieb, vào ngày 7/4, chủ nhà đã đưa ra quyết định. Nếu Pride không trả tiền thuê nhà và các khoản phí quá hạn trước ngày 14/4, chủ nhà sẽ nhờ tới sự can thiệp của luật pháp. Trong trường hợp xấu nhất, khi lệnh phong tỏa kéo dài tới 90 ngày và kết thúc vào giữa tháng 6, nhà hàng mới của Pride có thể phải đóng cửa trước khi nó mở cửa.

Tôi đã dành tất cả số tiền mình có để sửa chữa không gian nhà hàng mà họ có thể lấy lại và tiền của chúng tôi sẽ cạn kiệt”, Pride nói.

Trường hợp của Pride chỉ là 1 trong rất nhiều khó khăn mà nhà hàng tại Mỹ đang phải đối mặt. Giờ đây, ranh giới giữa khả năng tồn tại và phá sản chỉ trông chờ vào sự hào phóng, rộng lượng từ phía chủ nhà.

Vượt qua khủng hoảng

Cho thuê nhà không bao giờ là một gợi ý. Sự sợ hãi của tôi là hàng trăm nghìn chủ nhà hàng sẽ nghĩ rằng, vì họ đang tạm dừng kinh doanh hoặc đóng cửa mà không phải trả tiền thuê nhà. Thật không may, đó là điều hoàn toàn vô lý”, Lee Jacobs, một đối tác của Helbraun & Levey LLP, chuyên về ngành nhà hàng cho biết.

Jacobs nói, “nhiều chủ nhà sẵn sàng làm việc với những người thuê nhà, đặc biệt là chủ nhà của các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc do gia đình quản lý. Chủ nhà của các doanh nghiệp lớn thường ít có khả năng thương lượng hơn, bởi doanh nghiệp này có đủ tài chính để vượt qua cuộc khủng hoảng và có thể tồn tại lâu hơn dù phải đóng cửa trong khoảng thời gian này”.

Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà - Ảnh 2

Nhà hàng Boqueria Chicago.

Jacobs cũng cho biết thêm “trường hợp các nhà hàng không đàm phán thành công, người tiêu dùng cả nước sẽ thấy rất nhiều biển hiệu “đóng cửa” treo bên ngoài chuyển thành “có nhà cho thuê” vào đầu tháng 6 hoặc tháng 7 tới”.

Đàm phán

Chủ các nhà hàng đang nỗ lực tìm cách để tránh kịch bản xấu nhất này. Điều này càng trở nên khó khăn hơn, mặc dù gói cứu trợ 350 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp nhỏ vay theo Chương trình Bảo vệ thanh toán (PPP) của chính phủ Mỹ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng nếu không đáp ứng một số yêu cầu nhất định, chẳng hạn như sử dụng 75% số tiền đó để trả lương nhân viên.

Yann de Rochefort, chủ hệ thống chuỗi nhà hàng Boqueria với 7 cơ sở ở Chicago, New York và Washington D.C, đã nộp đơn xin hỗ trợ cho các khoản vay cho biết “Tôi đang cố gắng tìm đủ mọi cách để tiếp tục kinh doanh, và sẽ không trả tiền thuê nhà ngay bây giờ”.

De Rochefort có những nhà hàng với quy mô khác nhau. Với cá nhân ông, các chủ nhà nhỏ là những người dễ tính nhất, họ sẵn sàng giúp đỡ nhà hàng lúc này. Nhưng ngay cả những công ty quản lý bất động sản lớn cũng sẵn sàng đám phán, để tìm ra phương án tốt nhất cho cả hai, cùng vượt qua cuộc khủng hoảng lần này.

Rochefort hy vọng rằng giai đoạn tiếp theo của kế hoạch cứu trợ của chính phủ sẽ giải quyết những khó khăn còn lại để các nhà hàng có thể tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi. “Nếu không thì các doanh nghiệp phá sản, chủ nhà không thu được tiền, khi đó các ngân hàng sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Vì vậy, chúng ta hãy cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn này”, de Rochefort nhấn mạnh.

Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà - Ảnh 3

Yann de Rochefort, người sáng lập chuối nhà hàng Boqueria.

Chủ nhà

Will Donaldson là giám đốc điều hành của Tập đoàn Politan, với hệ thống 6 nhà hàng cho thuê ở Chicago, Houston, Miami và New Orleans. Tất cả đã phải đóng cửa trong 3 tuần theo quy định của chính phủ.

Donaldson đã miễn tiền thuê nhà cho những người thuê nhà của mình cho đến khi có thông báo mới. “Những người thuê nhà của tôi là những doanh nhân trẻ tuổi, họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, tôi thấy bản thân mình cũng nên có trách nhiệm để cùng họ vượt qua khó khăn”, Donaldson cho biết. Ông nghĩ rằng chính phủ nên xem xét tạm dừng việc kinh doanh trong 6 tháng và từ bỏ tiền thuê nhà, theo cách tương tự như hành động của Tổng thống Franklin Roosevelt đã từng làm trong cuộc Đại khủng hoảng.

Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà - Ảnh 4

Trong khi đó, Steve Gonzalez, người đứng đầu dịch vụ cho thuê bán lẻ tại TF Cornerstone cho biết, họ sẵn sàng cho người thuê nhà thêm lựa chọn để sử dụng tiền dự trữ của họ trong 3 tháng đầu tiên, sau đó, có thể trả tiền thuê nhà dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu của họ trong tháng đó và sẽ quay trở lại mức cũ khi mọi thứ trở lại bình thường.

Nhiều doanh nghiệp trông chờ chúng tôi sẽ miễn tiền thuê nhà, nhưng đó là điều chúng tôi không thể đáp ứng. Phần lớn những người thuê đều hài lòng với phương án giải quyết của chúng tôi đưa ra”, Gonzalez cho biết.

Chủ nhà cũng không thể miễn tiền thuê nhà, bởi rất nhiều chủ sở hữu tài sản cũng đang phải giải quyết những khó khăn của họ như nghĩa vụ tài chính và các khoản vay phải trả. Vì vậy, việc chấp nhận đàm phán và đưa ra các phương án giải quyết tốt nhất cho cả hai bên đã là sự giúp đỡ tích cực nhất trong lúc này.

Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà - Ảnh 5

Boka, ở Chicago

Hướng về phía trước

Pride đang cố gắng chủ động trong việc kinh doanh của mình. Lúc đầu, Pride buộc phải sa thải 45/49 nhân viên của Caffe Dante; bây giờ anh ấy đã thuê lại 12 người và bắt đầu một dịch vụ mới (cocktail-to-go, tạm dịch cocktail mang đi). Tất cả số tiền thu được sẽ được dùng để trả tiền dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bữa ăn gia đình của nhân viên, và tặng 200 bữa ăn mỗi tuần cho các bệnh viện.

Sau một thời gian ngắn phục vụ, mặc dù chưa có doanh thu nhưng Pride vẫn tràn trề hy vọng. “Tôi vẫn đang ở đây, nhưng không có tiền, số tiền duy nhất sẽ đến từ việc chăm sóc những người có nhu cầu”, Pride nói.

Cuộc thoả thuận nảy lửa để sinh tồn giữa chủ nhà hàng và người cho thuê nhà - Ảnh 6

Negroni, loại cocktail đặc trưng ở nhà hàng Dante

Tôi không trông chờ vào các giải pháp của chính phủ cũng như chủ nhà. Tôi vẫn sẽ tìm cách tiếp tục công việc của mình, chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp, để ít nhất cũng sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, sẽ triển khai những kế hoạch sẵn có, hy vọng sẽ đủ trang trải và giữ vững nhà hàng. Chủ nhà nếu có thể hãy chia sẻ sự khó khăn này với chúng tôi”, Pride chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục