Đề xuất thời hạn sử dụng chung cư 50-70 năm có thể tạo cơn sốt đất mới?

Trung Hiếu

Theo các chuyên gia bất động, sản đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay có tác động rất mạnh đến thị trường bất động sản, có thể khiến phân khúc này đi xuống và tạo ra những cơn sốt đất mới.

Nhiều ý kiến lo ngại

Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay. Theo đó, có 2 phương án được đề xuất, là sổ hồng cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn lâu dài như hiện nay, hoặc sẽ có thời hạn 50 năm hay 70 năm.

Đề xuất thời hạn sử dụng chung cư 50-70 năm có thể tạo cơn sốt đất mới? - Ảnh 1

Sau đề xuất này đã có nhiều ý kiến trái chiều, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đề xuất này rất cần thiết để giải quyết dứt điểm tình trạng chung cư cũ đã xuống cấp, nhưng rất khó để cải tạo lại do người dân không chấp nhận mức đền bù mà chủ đầu tư đưa ra.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, sở hữu chung cư có thời hạn sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, giá trị của các chung cư hiện nay không chỉ có công trình căn hộ chung cư mà còn bao gồm cả giá trị của khu đất. Đất xây dựng chung cư là đất ở ổn định lâu dài giống như đất xây dựng nhà phố, cần có phương án tính toán giá đất đối với những tòa chung cư có thời hạn.

Hạn sử dụng mỗi chung cư chỉ nên 50 - 70 năm tùy theo chất lượng xây dựng của từng công trình, có cả loại hình nhà ở dài hạn và có thời hạn từ 50 - 70 năm. Mỗi loại nhà dựa theo thời gian sở hữu sẽ có mức đóng thuế, giá đất khác nhau. Sở hữu nhà lâu dài sẽ có mức thuế và tiền đất cao nhất.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng việc chung cư có thời hạn. Bởi tâm lý của đại đa số người Việt đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài và để thay đổi điều này không dễ, cần thời gian cho phát triển thị trường căn hộ cho thuê lâu dài đáp ứng nhu cầu của người dân. Đề xuất này có thể khiến thị trường chung cư bị đi xuống, thậm chí người dân quay lưng với thị trường căn hộ chung cư mà chỉ tập trung vào đất ở lâu dài.

Nếu áp dụng đề xuất chung cư sở hữu có thời hạn thì điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là tâm lý người mua sẽ chững lại. Khi đó, chung cư trở thành một tài sản tiêu dùng, chứ không còn là của để dành và người mua chung cư sẽ đắn đo.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, văn hóa chung của người Việt, nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn có giá trị thừa kế. Hiện tại trừ hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM thì người dân nhìn chung chưa có thói quen ở chung cư. 61 tỉnh, thành còn lại rất khó bán được căn hộ chung cư, ngoại trừ khu vực lõi các đô thị trung tâm.

“Nếu chọn chính sách chung cư sở hữu có thời hạn 50 năm sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là khuyến khích thói quen, tập quán ở nhà chung cư. Thậm chí người dân sẽ thêm hoang mang với loại hình nhà ở này dù giá nhà sẽ rẻ xuống, tuy nhiên dù rẻ cũng chưa chắc là sự lựa chọn của người dân. Đây là chính sách vĩ mô liên quan đến toàn xã hội, cho nên, để làm được điều này, chúng ta cần phải nghiên cứu rất kĩ và xin ý kiến của các chuyên gia, những người bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.

 Bộ Xây dựng nói sẽ giúp giá căn hộ "hạ nhiệt", người ở chung cư có lợi

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, việc đề xuất sửa đổi chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư như nêu trên được dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người, trên cơ sở thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay và có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Theo Bộ Xây dựng, xuất phát của đề xuất trên từ đặc điểm của nhà chung cư là công trình đặc thù có quy mô lớn, tập trung nhiều người sinh sống, theo thời gian sử dụng thì công trình sẽ bị xuống cấp, không còn bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.

Nếu công trình vẫn còn sử dụng được thì sẽ tiếp tục cho phép sử dụng theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, nếu công trình không còn bảo đảm an toàn, người sử dụng nhà chung cư thì sẽ phải phá dỡ để xây dựng lại. Và như vậy, khi vòng đời của nhà chung cư không còn (do đã bị phá dỡ) thì quyền sở hữu của các chủ sở hữu đối với nhà chung cư này cũng sẽ chấm dứt do tài sản được ghi nhận quyền sở hữu không còn trên thực tế.

“Quy định nêu trên cũng phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự. Theo đó, quyền sở hữu tài sản sẽ bị chấm dứt khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị chấm dứt theo quy định của luật”, Bộ cho hay.

Bộ Xây dựng cho biết, đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng không có nghĩa là nhà chung cư chỉ có thời hạn 50-70 năm. Hiện nay theo quy định, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình và theo thời hạn sử dụng thực tế. Tuổi thọ thiết kế của công trình phải được nêu rõ trong hồ sơ thiết kế và các hồ sơ liên quan (có thể 50-70 năm hoặc dài hơn, tùy từng công trình cụ thể.

Khi hết hạn sử dụng thì sẽ thực hiện kiểm định, đánh giá để có thể cho phép tiếp tục sử dụng hoặc phá dỡ để xây dựng lại. Như vậy, thời hạn sở hữu nhà chung cư có thể 50 năm, 70 năm hoặc có thể dài hơn, là 80, 90 năm... tùy thuộc vào chất lượng của công trình.

Theo cơ quan này, đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư vẫn bảo đảm quyền lợi cho người dân đang sinh sống trong các nhà chung cư. "Bởi, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các tình huống cụ thể để xử lý. Theo đó, người dân vẫn được thực hiện mua bán, tặng cho, để thừa kế trong thời hạn sở hữu nhà chung cư", Bộ nêu rõ.

Sau khi hết hạn sử dụng, nếu kết quả kiểm định chất lượng vẫn còn đảm bảo an toàn thì chủ sở hữu vẫn tiếp tục được sở hữu theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền...

Bộ này đánh giá, đề xuất nêu trên cũng sẽ không dẫn đến việc người dân sẽ chuyển từ mua chung cư sang mua nhà đất riêng lẻ, do tâm lý muốn sở hữu lâu dài nhà ở. Bởi vì, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ có tác động đến giá bán nhà ở (giá bán sẽ giảm hơn so với sở hữu lâu dài), từ đó tạo điều kiện để người dân có khả năng tài chính trung bình có thể tạo lập được nhà ở cho bản thân và gia đình; đồng thời cũng sẽ đáp ứng cho những người có nhu cầu sở hữu một thời hạn nhất định (mà hiện nay Luật Nhà ở 2014 cũng đã có quy định về mua bán nhà ở có thời hạn, khi hết thời hạn mua bán theo thỏa thuận thì người mua phải trả lại tài sản cho bên bán)…

"Với việc đề xuất các chính sách xử lý sẽ xảy ra như nêu trên thì người sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ vẫn được bảo đảm quyền lợi của mình, không như các băn khoăn mà dư luận đang quan tâm", Bộ Xây dựng nêu.

Tin Cùng Chuyên Mục