ĐHĐCĐ 2024: Ngân hàng OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 66%

Sáng ngày 15/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, năm 2023, đối mặt với những cơn gió ngược từ thế giới như: căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều NHTW lớn nhằm kiểm soát lạm phát, tổng cầu thế giới giảm… kết hợp những khó khăn nội tại, tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng không như kỳ vọng, xuất nhập khẩu suy yếu, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng…  từ đó, lĩnh vực ngân hàng cũng bị ảnh hưởng sâu rộng khi lượng hấp thụ vốn toàn nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB phát biểu tại ĐHĐCĐ 2024.
Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB phát biểu tại ĐHĐCĐ 2024.

OCB đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong năm 2023, đạt 148,005 tỷ tăng 20,53% so với năm 2022.  Tập trung vào các ngành nghề ưu tiên, đầu tư công, giảm tỷ trọng ngành nghề có rủi ro cao đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, với mục tiêu đa dạng hóa, tối ưu hiệu quả danh mục. Đẩy mạnh hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng có TSĐB, thẻ tín dụng đối với khách hàng cá nhân.

Tích cực đồng hành cùng khách hàng, bên cạnh các biên pháp cơ cấu nợ, OCB triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp chỉ từ 5,2% năm, được khách hàng đón nhận tích cực, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình ngành.

Huy động thị trường 1 trong 2023 tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 168.000 tỷ đồng, trong đó tăng chủ yếu từ tiền gửi khách hàng, nguồn vốn tài trợ và ủy thác đầu tư từ các định chế tài chính. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của khách hàng đối với OCB ngày càng được gia tăng. Quan hệ hợp tác với các định chế tài chính quốc tế như IFC, DEG… được tăng cường, qua đó giúp ngân hàng củng cố nguồn vốn trung dài hạn.

OCB đạt lãi trước thuế hơn 4.139 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, lợi nhuận còn lại năm 2023 còn gần 2.770 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại gộp với các năm trước là hơn 5.307 tỷ đồng.

OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%.

Các chỉ số về tỷ suất sinh lời trên vốn (ROAE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) cũng đặt mục tiêu đều tăng mạnh so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định; tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 (Basel II) đạt ít nhất 11% (so với quy định tối thiểu 8%).

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 tăng 66% 

Năm 2024, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Từng bước tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, nhằm đưa lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm  tăng 19% lên 286.562 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 17% lên 197.346 tỷ. Dư nợ thị trường 1 dự kiến  tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng  do NHNN phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

ĐHĐCĐ 2024: Ngân hàng OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 66% - Ảnh 1

Năm 2024, OCB sẽ triển khai các chương trình chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, định vị OCB là “Ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam”.  Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số với việc ra mắt thành công ngân hàng số OCB OMNI phiên bản 4.0, thúc đẩy Open Banking và mở rộng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của ngân hàng. Mở rộng quy mô mạng lưới trên toàn quốc với việc khai trương thêm 5 CN, 12 PGD.

Tăng vốn điều lệ lên 24.717 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu

Với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm,  năm 2024 OCB tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

ĐHĐCĐ 2024: Ngân hàng OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 66% - Ảnh 2

Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.

Thực tế cho thấy, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, từ đó mở rộng quy mô, năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch. Tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ, tăng trải nghiệm dịch vụ khách hàng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh hiệu quả hơn nữa.

Tại hội nghị, nhiều phương án, tờ trình quan trọng khác cũng được OCB trình tới đại hội.

Đại hội bước vào phiên thảo luận

Cổ đông hỏiKết quả kinh doanh năm 2023 vì sao không đạt mục tiêu và vì sao sau kết quả kiểm toán, kết quả kinh doanh lại có thay đổi?

Lãnh đạo OCB trả lời: Sỡ dĩ sau báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh của OCB có một số thay đổi là do Ngân hàng đã chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

Lý giải chi tiết hơn, lãnh đạo OCB cho biết, với mong muốn đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ngoài việc chủ động giảm lãi suất cho vay hiện hữu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi, ngân hàng cũng liên tục triển khai nhiều biện pháp quản trị rủi ro tiên tiến và xử lý nợ xấu đồng bộ, xuyên suốt để đảm bảo chất lượng tài sản tín dụng, bao gồm cả giải pháp cho phép khách hàng sử dụng tài sản đảm bảo để bàn giao cho ngân hàng nhằm thay thế nghĩa vụ trả nợ, nhằm rút ngắn thời gian xử lý và giảm gánh nặng về lãi và các khoản phí liên quan cho khách hàng so với việc thi hành các biện pháp xử lý nợ thông qua tố tụng thông thường. 

Ngoài ra, OCB vẫn hỗ trợ các điều khoản để khách hàng được ưu tiên mua lại tài sản của mình tại thời điểm phù hợp khi có nhu cầu và các khó khăn về thu nhập đã được cải thiện.

Theo OCB, mặc dù phương thức nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ được pháp luật cho phép nhưng việc triển khai lại đang thiếu thống nhất và đồng bộ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan do vướng mắc tại khâu đăng ký cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.Việc hạch toán các khoản vay liên quan cũng còn nhiều quan điểm trái chiều từ nhiều phía cho dù nghĩa vụ nợ của khách hàng được xác định là đã chấm dứt khi hoàn tất bàn giao tài sản đảm bảo. Trên cơ sở đó, cùng với nguyên tắc cẩn trọng trong điều hành, OCB đã chủ động trích lập tăng thêm chi phí dự phòng cho các khoản nợ đã bàn giao tài sản đảm bảo này.

Lãnh đạo OCB cũng cho biết thêm, phần điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 đã được hoàn tất ghi nhận trong quý I này, đồng thời các khoản nợ khách hàng đã bàn giao tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ, tính đến nay, ngân hàng đã xử lý giảm hơn 50%, nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản này vào cuối 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng.

Cổ đông hỏi: Xin cho biết khoản vay của 2 khách hàng FLC và Đại Nam đến thời điểm hiện tại như thế nào?

Lãnh đạo OCB trả lời: Hai khoản này đã được giải trình với cổ đông rất kỹ trong ĐHĐCĐ 2023 và OCB đã thu hồi đầy đủ các khoản nợ của 2 khách hàng này. Riêng đối với khách hàng FLC, hoạt động cho vay của OCB rất chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch. Còn sai phạm chỉ mang phương diện cá nhân.

Lãnh đạo OCB điều khiển cuộc họp và trả lời cổ đông
Lãnh đạo OCB điều khiển cuộc họp và trả lời cổ đông

Cổ đông hỏi: Được biết OCB vừa ký hợp tác với IFC cho việc triển khai chiến lược chuyển đổi ngân hàng xanh, ban lãnh đạo OCB có thể chia sẻ thêm về những lợi ích mà chiến lược này mang lại cho OCB trong trung và dài hạn?

Lãnh đạo OCB trả lời: Mối quan hệ hợp tác giữa OCB – IFC đã được thiết lập từ năm 2011 thông qua nhiều chương trình. Vào ngày 02/4 vừa qua, OCB và IFC chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME. Theo đó IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi ngân hàng xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu (tài trợ các khoản vay cho mục đích phục hồi của các quần thể bị ảnh hưởng và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu) mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng của OCB là các doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. 

Thực tế, OCB đã xây dựng các chuẩn mực “xanh” trong hoạt động từ nhiều năm trước, nhưng trong năm 2024, chúng tôi quyết định đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng thành khung với 3 trụ cột liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường. Đồng thời nâng cao tiêu chuẩn trong quản trị, quản lý nội bộ trong ngân hàng và xây dựng, bảo vệ môi trường, đóng góp nhất định vào sự phát triển bền vững của cộng đồng cũng như của Việt Nam. OCB đã không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8 - 10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng, quy mô này dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới. 

Sự hợp tác chiến lược giữa OCB và IFC khẳng định cam kết trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh, góp phần xây dựng tương lai thịnh vượng, đem đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội tại Việt Nam.

Dự kiến, Quý III/2024 OCB sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập với sự tư vấn từ PwC, một trong các công ty rà soát tư vấn về tiêu chuẩn xanh hàng đầu thế giới.

Cổ đông hỏi: Theo báo cáo quản trị, thì ngân hàng Aozora Nhật Bản hiện vẫn là cổ đông nước ngoài lớn nhất của OCB, vậy sau 3 năm với vai trò là đối tác chiến lược, Aozora đã hỗ trợ OCB như thế nào và hiệu quả ra sao?

Tháng 6/2021, AOZ và OCB đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số. Đồng thời liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.Đến nay, với sự hỗ trợ từ AOZ, nhóm khách hàng Nhật Bản tại OCB ngày càng mở rộng, đem lại nhiều kết quả cho ngân hàng. Hỗ trợ các thương vụ M&A, xúc tiến các hoạt động hợp tác giữa OCB và đối tác Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực: Bancassurance, định chế tài chính, BĐS, năng lượng, tư vấn…

Cổ đông hỏi: Trong phần chia sẻ của đại diện OCB có đề cập đến việc chuẩn bị ra mắt phiên bản mới của ngân hàng số OCB OMNI, vậy phiên bản này có gì khác biệt? Đặc biệt, hiện nay, tình trạng khách hàng bị lộ thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng... đang có xu hướng tăng lên, ngân hàng đã có biện pháp gì ngăn ngừa không?

Lãnh đạo OCB trả lời: OCB là một trong những ngân hàng được đánh giá tiên phong trong việc chuyển đổi số từ sản phẩm, dịch vụ đến quy trình nội bộ từ rất nhiều năm trước.

Riêng về ngân hàng số OCB OMNI, đáp ứng xu hướng không tiền mặt, mọi giao dịch cần được tinh giản và thuận tiện nhất khi giao dịch trực tuyến, giữa năm 2023, chúng tôi đã hợp tác cùng công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới là Backbase để xây dựng ngân hàng số thế hệ mới với năng lực xử lý giao dịch mạnh mẽ hiện đại bậc nhất, đảm bảo tốc độ nhanh chóng, mượt mà, tự động đề xuất sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính được cá nhân hóa cho từng khách hàng.

Điểm đặc biệt nhất chính là tính bảo mật vượt trội của OCB OMNI với công nghệ FIDO kết hợp với xác thực sinh trắc học tiên tiến được ra mắt vào tháng 07 sắp tới, loại bỏ hoàn toàn mã OTP gây bất tiện trong trải nghiệm cũng như bảo mật. Qua đó, xác thực an toàn tuyệt đối, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng một cách tối ưu."

Ông Yoshizawa Toshiki, Thành viên HĐQT OCB trả lời cổ đông
Ông Yoshizawa Toshiki, Thành viên HĐQT OCB trả lời cổ đông

Cổ đông hỏi: Trên báo cáo tài chính, chúng tôi nhận thấy khoản mục đầu tư chứng khoán sẵn sàng để bán của OCB khá lớn. Có thể cho biết chiến lược đầu tư của khoản mục này như thế nào?

Lãnh đạo OCB: Chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) chủ yếu là trái phiếu chính phủ, mục đích là đảm bảo tính thanh khoản của OCB, đồng thời đảm bảo các chỉ số khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây không phải là các chứng khoán vốn. Vì vậy, Ngân hàng không có mục đích đầu tư vào chứng khoán có rủi ro mà chỉ tập trung vào nâng cao khả năng thanh khoản của ngân hàng nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cổ đông hỏi: 2 thành viên HĐQT của AOZ không cư trú tại Việt Nam thì hỗ trợ như thế nào cho HĐQT?

Lãnh đạo OCB: Mặc dù 2 thành viên HĐQT từ AOZ không cư trú cố định tại Việt Nam, chúng tôi đã cử chuyên gia của mình làm việc tại văn phòng OCB để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các đội nhóm OCB. Ngoài ra, hai ngân hàng có cơ chế báo cáo và họp cũng như tổ chức các cuộc họp HĐQT định kỳ hoặc đột xuất mà 2 thành viên HĐQT của AOZ có thể tham gia trực tiếp hoặc qua hình thức hội nghị trực tuyến. Do đó, AOZ luôn có thể giám sát các hoạt động kinh doanh cũng như tình hình của OCB.”

ĐHĐCĐ 2024: Ngân hàng OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 66% - Ảnh 3

Đại hội kết thúc thảo luận, bước sang phần bỏ phiếu thông qua các tờ trình. Kết quả, tất cả các tờ trình đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ nhất trí cao.

Tin Cùng Chuyên Mục