Đóng cửa một loạt chi nhánh và đổi tên, Chủ chuỗi Gogi, Kichi Kichi dự kiến lãi 2023 giảm mạnh gần 75%

Linh An

Doanh nghiệp dự kiến trình đại hội thông qua mức cổ tức tới 257% bằng tiền mặt cho năm 2022, tương ứng 25.700 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu.

Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 30/6.

Theo tài liệu công bố, Công ty lên kế hoạch doanh thu thuần năm 2023 đạt 6.886 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch lãi sau thuế của tập đoàn đưa ra giảm mạnh chỉ còn hơn 167,2 tỷ đồng, bằng 1/4 so với năm trước, tương ứng mức giảm 74,6%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Golden Gate.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Golden Gate.

Năm 2023, công ty sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào việc phát triển và mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, khai thác thế mạnh của các thương hiệu mũi nhọn, phát triển các nhãn hàng mới, phát triển các mảng kinh doanh mới như lĩnh vực đồ ăn giao hàng, xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp và áp dụng công nghệ nhằm tối ưu vận hành.

Trong khi trước đó, năm 2022, Golden Gate chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trên nền thấp vì dịch bệnh của năm trước đó, đạt doanh thu 6.970 tỷ đồng, gấp 2,09 lần năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 658,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 430 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả cao nhất mà doanh nghiệp đạt được kể từ năm 2018 tới nay.

Tận dụng khoảng thời gian nhịp kinh doanh chậm lại trong thời kỳ dịch, Golden Gate đã chú trọng đầu tư vào nâng cao năng lực quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải thiện sản phẩm dịch vụ. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công nghệ chuyển đổi số (các ứng dụng bán hàng, quản lý thông tin khách hàng, quản lý tài sản, lập kế hoạch và quản lý vận hành tại nhà hàng …) làm nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả vận hành, chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí,.... 

Doanh nghiệp dự kiến trình đại hội thông qua mức cổ tức tới 257% bằng tiền mặt cho năm 2022, tương ứng 25.700 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu. Trước đó, Golden Gate đã thực hiện tạm ứng trước 65%, tương đương 6.500 đồng/cổ phiếu. Số cổ tức còn lại sẽ được chi trả trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến báo cáo việc mua lại cổ phần ESOP từ nhân sự đã nghỉ việc từ 03/06/2022 - 26/05/2023, với khối lượng 1.190 cổ phiếu và giá 0 đồng, qua đó giảm vốn điều lệ còn 76,91 tỷ đồng; đồng thời trình phương án phát hành 76.341 cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/đơn vị cho các nhân sự chủ chốt trong năm 2023.

Gần đây nhất, công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) mới đây đã công bố việc thay đổi tên công ty cũng như con dấu. Theo đó, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng đã chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate kể từ ngày 2/6. Các thông tin khác như người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh… vẫn được giữ nguyên.

Con dấu của công ty trong nghị quyết công bố ngày 31/5/2023 cũng đã thay đổi, từ Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate Group JSC). Bên cạnh đó, công ty cũng đã tiến hành thay đổi bộ logo nhận diện của thương hiệu.

Trước đó, vào ngày 01/03/2023 qua, Golden Gate gây xôn xao khi thông qua việc chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của Công ty tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Doanh nghiệp sau đó lên tiếng đính chính, việc chấm dứt hoạt động các chi nhánh là nhằm đưa các địa điểm kinh doanh về quản lý tập trung để đảm bảo hoạt động hiệu quả, còn các nhà hàng vẫn hoạt động bình thường.

Xuất phát điểm từ một startup ẩm thực với khởi đầu là nhà hàng lẩu nấm Ashima năm 2005 tại Hà Nội, đến nay, Golden Gate đã sở hữu hơn 21 thương hiệu cùng hơn 400 nhà hàng trên gần 50 tỉnh thành.

Golden Gate được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vào năm 2008, hiện có vốn điều lệ hơn 77 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục