Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Thiếu điểm cân bằng cốt lõi

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Nội dung dự thảo đã bắt đầu định hình về cơ bản chính sách quản lý đối với hoạt động FinTech theo mô hình sandbox. Tuy vậy, nhiều vấn đề của dự thảo cần được thảo luận và góp ý để hoàn thiện trước khi ban hành.

Chính phủ đã công bố dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Thiếu điểm cân bằng cốt lõi - Ảnh 1

Chúng ta chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng trong thời gian qua với sự ra đời của hàng hoạt tổ chức FinTech. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ trong vòng ba năm, số lượng tổ chức FinTech đã tăng lên gần bốn lần, từ con số 40 (năm 2016) lên hơn 150 (năm 2019(1)). Đặc biệt, cũng trong năm 2019, Việt Nam xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á trong việc thu hút vốn đầu tư vào FinTech (sau Singapore) với số vốn đầu tư lên đến 400 triệu đô la Mỹ và chiếm 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này so với cả khu vực(2).

Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Thiếu điểm cân bằng cốt lõi - Ảnh 2

Hệ sinh thái FinTech tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào những dịch vụ sau: (i) thanh toán, với 34 công ty; (ii) cho vay ngang hàng (Peer-To-Peer lending), với 40 công ty; (iii) huy động vốn cộng đồng; (iv) cung ứng giải pháp công nghệ hỗ trợ hoạt động ngân hàng. Các hoạt động khác cũng đã manh nha xuất hiện nhưng chưa phổ biến.

Có thể thấy FinTech tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một thành phần tất yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, thể chế đối với FinTech thì chuyển động quá chậm chạp. Tính đến nay, chỉ có hoạt động trung gian thanh toán được điều chỉnh bởi một khung pháp lý rõ ràng, những dịch vụ còn lại đều đang bị bỏ ngỏ.

Với tình hình hiện tại và mục tiêu hướng đến tương lai chuyển đổi số, việc Chính phủ ủng hộ và xây dựng sandbox điều chỉnh thử nghiệm hoạt động FinTech để mở đường cho những sáng tạo là một việc làm cấp thiết, mặc dù lẽ ra phải làm sớm hơn.

Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Thiếu điểm cân bằng cốt lõi - Ảnh 3

Nhìn tổng thể, chúng tôi cho rằng dự thảo nghị định đã đề cập năm nhóm nội dung cơ bản cần có để xây dựng một cơ chế thử nghiệm như: (i) đối tượng và các lĩnh vực FinTech được tham gia sandbox; (ii) tiêu chí và thủ tục tham gia; (iii) phạm vi thử nghiệm: không gian, thời gian; (iv) cơ chế giám sát rủi ro, đánh giá và công nhận hoàn thành thử nghiệm; (v) quản lý nhà nước trong việc thực hiện cơ chế thử nghiệm. 

Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Thiếu điểm cân bằng cốt lõi - Ảnh 4

Theo đó, sandbox sẽ điều chỉnh hai nhóm: nhóm các hoạt động FinTech là các mô hình/giải pháp do tổ chức không phải là ngân hàng trực tiếp cung ứng - nhóm này sẽ cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tín dụng truyền thống; và nhóm các hoạt động là giải pháp công nghệ được ứng dụng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động ngân hàng truyền thống.

Tính sáng tạo, tính mới và tính an toàn là những tiêu chí điển hình được đưa ra để thẩm định và xét duyệt việc tham gia sandbox (điều 9 dự thảo). Có bảy lĩnh vực sẽ được tham gia sandbox gồm: thanh toán, tín dụng; cho vay ngang hàng; hỗ trợ định danh khách hàng; giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như blockchain; các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn.

Để tham gia sandbox, các chủ thể phải thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đăng ký. NHNN là đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký và trả kết quả sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Về phạm vi thử nghiệm, tổ chức tham gia sandbox sẽ có thời gian thử nghiệm từ 1-2 năm (có thể được gia hạn) và phải đáp ứng một hoặc tất cả ba yếu tố về địa lý, hạn mức giao dịch và số lượng khách hàng tham gia dịch vụ.

Dự thảo cũng đề cập đến các nội dung từ bắt đầu đến khi kết thúc thử nghiệm gồm việc đăng ký, xét duyệt và chấp thuận thử nghiệm, cung cấp dịch vụ thử nghiệm, báo cáo hoạt động thử nghiệm và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý, và kết thúc thử nghiệm.

Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech: Thiếu điểm cân bằng cốt lõi - Ảnh 5

Theo nghiên cứu của CGAP thì hiện tại thế giới đã có hơn 30 nước xây dựng và áp dụng cơ chế sandbox điều chỉnh FinTech, bao gồm một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore(3). Mỗi nước sẽ có những điều chỉnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung trong sandbox là sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro để dự phòng cho sự thất bại. Nhìn lại dự thảo về sandbox tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng điểm cân bằng này tương đối mờ nhạt.

Thứ nhất, các tiêu chí tham gia sandbox mang tính định tính cao, không rõ ràng. Điển hình như tiêu chí “mức độ rủi ro ít hoặc không có khả năng gây ra tác động xấu đến tổ chức tài chính nói riêng và hệ thống tài chính nói chung” và “không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đối với thị trường tài chính - ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung”. Hai tiêu chí này dường như đi ngược lại với bản chất của sandbox là “thử nghiệm”. Bởi với những đổi mới sáng tạo được đưa vào thử nghiệm thì rủi ro là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là mức độ tác động có chênh lệch quá lớn so với lợi ích mà nó mang lại hay không?

Trên thực tế, rất khó có những đổi mới sáng tạo lần đầu tiên áp dụng mà các nhà khởi nghiệp có thể đảm bảo chắc chắn không tiềm ẩn rủi ro. Thông lệ các nước có cơ chế thử nghiệm đều chấp nhận rủi ro nhất định nhưng điều đó sẽ được cân nhắc với lợi ích thương mại và xây dựng các phương án dự phòng rủi ro để ngăn chặn hậu quả của sự thất bại mà không gây tác động xấu đối với xã hội. Với quy định về tiêu chí như dự thảo, có thể dẫn đến nguy cơ của cơ chế xin - cho khi thực thi. Điều này vô tình đi ngược lại với mục đích thiết lập sandbox là hạ chuẩn đối với rào cản gia nhập thị trường và khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Thứ hai, việc liệt kê bảy nhóm lĩnh vực FinTech được tham gia sandbox là điều không cần thiết và vô tình xây dựng bốn bức tường cho các hoạt động sáng tạo tiếp theo. Chưa kể, bảy lĩnh vực được liệt kê trong dự thảo cũng không bao quát hết các hoạt động của FinTech đang tồn tại trên thực tế. Chúng tôi cho rằng, sandbox cần phải lấy nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh - công dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm làm trụ cột. Vì vậy, sandbox không cần giới hạn lĩnh vực mà chỉ cần xây dựng tiêu chí và xác định những “vùng cấm địa” để bảo vệ những giá trị công cộng. 

Thứ ba, các quy định về tiêu chí tham gia sandbox cũng như toàn bộ dự thảo đã không có những quy định cần thiết trong việc bảo vệ khách hàng, người tiêu dùng cũng như cơ chế giám sát rủi ro có thể xảy ra đối với nhóm đối tượng này. Kinh nghiệm các nước cho thấy, sandbox phải đảm bảo việc thử nghiệm không được chuyển rủi ro từ doanh nghiệp sang người tiêu dùng. Theo đó, yêu cầu về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn về tài sản và quyền lợi của khách hàng là một trong những nội dung quan trọng, bên cạnh những quy định về phòng, chống rửa tiền và sự trung thực, liêm chính của “dịch vụ thử nghiệm”.

Thứ tư, FinTech hiện nay đã bao trùm rất nhiều lĩnh vực của thị trường tài chính và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm, huy động vốn,… Là một quốc gia đi sau, nên chăng chúng ta cần xây dựng sandbox cho FinTech bao trùm các lĩnh vực của thị trường tài chính, thay vì chỉ gói gọn trong hoạt động ngân hàng như dự thảo đã công bố.

Thứ năm, khi cơ chế sandbox được áp dụng chính thức, các công ty FinTech đang hoạt động hiện nay nếu như không đáp ứng được tiêu chí tham gia sandbox thì sẽ được xử lý như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng nhưng chưa được dự thảo đề cập đến.

Dự thảo lần này là một bước tiến quan trọng trong tư duy về xây dựng thể chế. Tuy nhiên, cách làm và tư duy quản lý dường như vẫn chưa có nhiều chuyển động theo nhịp điệu của chuyển đổi số.

Tin Cùng Chuyên Mục