EVN có thể tiếp tục cắt giảm công suất điện gió ở mức cao do thừa điện

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Theo EVN, dự kiến nguồn điện gió vào vận hành thời gian tới sẽ đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết, nên có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao.

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam năm 2021. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất đạt 6038 MW.

EVN có thể tiếp tục cắt giảm công suất điện gió ở mức cao do thừa điện - Ảnh 1

Báo cáo của các chủ đầu tư nêu rõ, tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại của các dự án điện gió cụ thể là: 12 dự án đã đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất đạt 582MW; khoảng 87 dự án dự kiến tiếp tục vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với tổng công suất là 4.432MW; khoảng 14 dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12/2021 với tổng công suất là 1.024MW.

EVN cho hay, liên quan đến tình hình cắt giảm năng lượng tái tạo, thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh, để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.

Giai đoạn mùa lũ và cuối năm 2021, hiện tượng thừa nguồn sẽ tiếp tục xuất hiện khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, nhất là vào các dịp lễ, tết. Từ tháng 10/12/2021, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, cùng với giai đoạn mùa lũ miền Trung - Nam, lượng công suất thừa có thể lớn hơn, với thời gian dài hơn.

Ngoài ra, EVN nhận xét giai đoạn tháng 7-9/2021 là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiêu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung - Bắc duy trì ở mức thấp.

Như vậy, nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống sẽ trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên đến 3000/6500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Dự kiến sản lượng năng lượng tái tạo cắt trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh.

EVN thông tin, giai đoạn tháng 10-12/2021 là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500kV cùng với thừa nguồn điện trên hệ thống trong ngày thường hoặc chủ nhật có thể đạt 6.800MW/10.800MW. Dự kiến sản lượng năng lượng tái tạo cắt trong mỗi tháng là 350-400 triệu kWh.

Đặc biệt, trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến, hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn.

Trước đó, trong tháng 1/2021, loạt nhà đầu tư điện gió cho rằng điện gió đang "chịu thiệt đơn thiệt kép" khi giá bán không hấp dẫn bằng điện mặt trời. Ngoài ra, việc cắt giảm công suất dự án năng lượng tái tạo vừa qua khiến nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, nhằm tránh quá tải lưới truyền tải điện, EVN cũng đã tính toán các kịch bản, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng, đưa vào vận hành một số đường dây truyền tải như 220 kV Đông Hà - Lao Bảo, Bạc Liêu - Vĩnh Châu... trong quý III hoặc IV/2020. Đại diện EVN đề nghị các chủ đầu tư đã ký PPA phối hợp chặt chẽ với EVN, đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại (COD) trước tháng 11/2021.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục