Hệ thống kinh doanh của bà chủ bệnh viện Thu Cúc

Quỳnh Chi

Bà chủ bệnh viện Thu Cúc vẫn loay hoay khi lấn sân sang những chuỗi kinh doanh về dịch vụ làm đẹp và ẩm thực.

Hệ thống y tế Thu Cúc (TCI) hay còn được gọi là Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, mới đây được chú ý hơn khi quỹ đầu tư VinaCapital rót vốn và trở thành doanh nghiệp y tế tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Hà Nội.

Hệ thống bệnh viện này của Công ty TNHH Dịch vụ Zinnia do nữ doanh nhân Nguyễn Thu Cúc sáng lập. Bốn năm gần đây, chuỗi bệnh viện này thu hút sự chú ý khi đạt được tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận.

Hai năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của hệ thống bệnh viện Thu Cúc đạt lần lượt 278 tỷ đồng và 363,3 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần trong 2 năm tương ứng là 19,3 tỷ và 20,8 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu của bệnh viện Thu Cúc tiếp tục tăng lên ngưỡng 436 tỷ và đến năm 2019 nhảy vọt lên hơn 660 tỷ đồng. Đi kèm với doanh thu là lợi nhuận, khi con số này năm 2019 gấp gần ba lần giai đoạn 2016 - 2017.  

Cơ cấu nguồn vốn của đơn vị này cũng có sự cải thiện. Năm 2016, tổng tài sản của Thu Cúc đạt gần 300 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, con số này tăng gần gấp đôi lên 587 tỷ đồng.

Tính tới số liệu được công bố gần nhất vào năm 2019, tổng tài sản của bệnh viện Thu Cúc đạt 933,7 tỷ đồng, tăng 45% so với thời điểm năm 2018. Trong đó vốn chủ sở hữu tăng từ 398,5 tỷ đồng lên mức 452,8 tỷ đồng.

Hệ thống kinh doanh của bà chủ bệnh viện Thu Cúc  - Ảnh 1

Với khoản đầu tư gần 27 triệu USD được nhận từ VinaCapital cho 30% cổ phần, đơn vị này cho biết sẽ dùng để mở thêm các cơ sở y tế, cũng như nâng cao chất lượng.

Gặp khó khi lấn sân sang lĩnh vực mới

Tuy nhiên, không phải mọi lĩnh vực kinh doanh của nữ doanh nhân Thu Cúc cũng gặt hái được thành công như hệ thống y tế.

Trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, nữ doanh nhân này đầu tư vào mô hình chuỗi ẩm thực với Công ty TNHH Dịch vụ Zinnia Việt Nam (Zinnia Việt Nam), được thành lập vào tháng 7/2014. Đơn vị này là chủ sở hữu hai chuỗi nhà hàng nổi tiếng là Chuju Kitchen và Thái Sawasdee.

Nhưng không như hệ thống bệnh viện Thu Cúc, Zinnia Việt Nam hiện có kết quả kinh doanh không mấy tích cực khi vài năm gần đây luôn trong tình trạng thua lỗ.

Hai năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của công ty chỉ loanh quanh ngưỡng 6 tỷ đồng, đồng thời chịu lỗ lần lượt là 6,3 tỷ đồng và 1,64 tỷ đồng. Trong năm 2018, chỉ số này giảm xuống chỉ còn 3,45 tỷ đồng, lỗ thuần ghi nhận 3,44 tỷ đồng.

Riêng năm 2019, cả hệ thống của Zinnia Việt Nam không phát sinh doanh thu và lợi nhuận.

Về cơ cấu vốn, đến cuối năm 2016, tổng tài sản đạt 6,26 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12,26 tỷ đồng. Những năm sau đó, chỉ số này liên tục giảm. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Zinnia Việt Nam chỉ đạt 0,14 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu sụt giảm mạnh chỉ còn 7,35 tỷ đồng.

Hệ thống kinh doanh của bà chủ bệnh viện Thu Cúc  - Ảnh 2

Bên cạnh ẩm thực, nữ doanh nhân Thu Cúc còn tham gia lĩnh vực thẩm mỹ và buôn bán thiết bị y tế.  Hệ thống Thu Cúc Clinics thuộc quản lý của Công ty cổ phần Thẩm mỹ Thu Cúc (Thu Cúc Beauty) cũng đã được thành lập từ đầu năm 2019 và tới nay vẫn chưa cho thấy sự khả quan trong hoạt động kinh doanh. Trong năm 2019, doanh thu thuần của đơn vị này đạt 67 tỷ đồng, mức lỗ thuần 9 tỷ đồng. 

Bà chủ của chuỗi Thu Cúc thành lập Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Zinnia (Zinnia T&E Ltd), hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ dụng cụ, thiết bị y tế và chỉnh hình. Đơn vị này có vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông bao gồm bà Nguyễn Thu Cúc đầu tư 4,8 tỷ đồng, ông Phạm Văn An góp 1,2 tỷ đồng. Sau thời gian hoạt động 1 tháng, phần vốn của ông Phạm Văn An đã được chuyển lại cho bà Bùi Thị Lan, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Zinnia T&E Ltd.

Tin Cùng Chuyên Mục