Hụt thu từ cho thuê đất KCN, lợi nhuận "bốc hơi" một nửa, tương lai nào đón đợi cổ phiếu LHG của Long Hậu?

Quỳnh Chi

Kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc bên cạnh những lùm xùm xoay quanh các giao dịch phức tạp với cổ đông lớn Tân Thuận IPC vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng khiến cổ phiếu LHG có dấu hiệu “đuối sức”.

Trong bối cảnh thị trường chung đang nỗ lực phục hồi sau 2 phiên điều chỉnh, cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu lại cho thấy dấu hiệu “hụt hơi” sau một thời gian “mon men” quanh vùng đỉnh những không thể bứt lên vì thiếu động lực rõ ràng.

Khu Công nghiệp Long Hậu. Ảnh: Internet.
Khu Công nghiệp Long Hậu. Ảnh: Internet.

Cổ phiếu này hiện đi ngược thị trường và đang tạm dừng phiên sáng 19/5 với mức giảm nhẹ 0,6%. Điều đáng nói là thanh khoản của LHG bất ngờ "tụt áp" rõ rệt khi cả phiên sáng chỉ giao dịch chưa đến 100.000 đơn vị. Dòng tiền không mấy “mặn mà” trong thời điểm trống tin hỗ trợ để ngỏ khả năng về một nhịp điều chỉnh.

Dữ liệu quá khứ cho thấy LHG có thói quen điều chỉnh khá sâu sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu này thường đánh rũ mạnh với biên độ lớn, tiềm ẩn rủi ro cao. Ngay trong năm, sau nhịp tăng khá dài từ đầu tháng 11/2020, cổ phiếu này cũng giảm gần 25% từ đỉnh đạt được trung tuần tháng 1/2021.

Trước đó vào đầu năm 2018, sau con sóng tăng mạnh và đạt đỉnh, LHG cũng đã nhanh chóng đánh mất gần như toàn bộ thành quả. Điệp khúc này thậm chí còn được lập đi lập lại nhiều lần sau đó.

Thời điểm hiện tại, khó có thể chờ đợi một sự bùng nổ đến từ LHG khi dòng tiền đang có sự tập trung vào các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao như ngân hàng, thép.

Trong khi đó, bức tranh lợi nhuận của Long Hậu cũng không mấy khởi sắc, chưa kể những lùm xùm xoay quanh các giao dịch phức tạp với cổ đông lớn Tân Thuận (IPC) vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Hụt thu từ cho thuê đất KCN, lợi nhuận “bốc hơi” một nửa

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, Long Hậu ghi nhận doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ, còn hơn 110 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Long Hậu giảm gần một nửa so với quý I/2020, xuống gần 32,7 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu từ thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại tăng nhưng không thể bù đắp được mức giảm của doanh thu cho thuê lại đất khu công nghiệp (KCN) là nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt giảm.

Trong kỳ, doanh thu cho thuê đất phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu giảm mạnh tới 66,3% so với quý 1/2020, xuống còn 53,5 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú tăng 15,4% lên 32,2 tỷ đồng và doanh thu khác cũng tăng 24,9% lên 24,6 tỷ đồng.

Hụt thu từ cho thuê đất KCN, lợi nhuận "bốc hơi" một nửa, tương lai nào đón đợi cổ phiếu LHG của Long Hậu? - Ảnh 1

Năm 2021, Long Hậu lên kế hoạch kinh doanh đi lùi với chỉ tiêu tổng doanh thu gần 866 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 143,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 25,7% và giảm 27,8% so với thực hiện trong năm 2020.

Trong năm nay, Long Hậu sẽ tiếp tục công tác bồi thường thu hồi đất Khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 1 và thi công bàn giao cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục tìm kiếm quỹ đất mới, chuẩn bị thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 2 với diện tích 90 ha, Khu công nghiệp An Định diện tích 200 ha.

Ngoài ra, Long Hậu dự kiến sẽ triển khai nhà xưởng mới 10.000 m2 và nhà kho 10.000 m2 tại Khu công nghiệp Long Hậu; triển khai thêm nhà xưởng mới 10.000 m2 tại Đà Nẵng.

Long Hậu thành lập từ tháng 05/2006, được biết đến là chủ đầu tư các dự án KCN Long Hậu với tổng diện tích gần 500 ha, được chia thành các giai đoạn: KCN Long Hậu có quy mô 137,02 ha (năm 2006); KCN Long Hậu mở rộng quy mô 108,48 ha (năm 2009); Khu dân cư - Tái định cư xã Long Hậu quy mô 55 ha (năm 2009) và KCN Long Hậu 3 - giai đoạn 1 quy mô 123,98 ha.

Tính đến hết tháng 3/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này đã tăng 13,3% so với đầu năm lên gần 2.946 tỷ đồng. Trong kỳ, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của Long Hậu phát sinh đột biến thêm hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 440 tỷ đồng cuối quý 1. Phần lớn số tiền này được công ty nắm giữ dưới dạng tiền gửi ngắn hạn.

Đến cuối quý 1, số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn của Long Hậu đã tăng hơn 55% so với đầu kỳ lên mức 1.080 tỷ đồng, chiếm gần 37% tổng tài sản. Nợ vay tài chính vẫn duy trì ở mức trên 200 tỷ đồng.

Nhiều giao dịch phức tạp với cổ đông lớn Tân Thuận (IPC)

Thời điểm 31/3/2021, Long Hậu ghi nhận kinh phí bồi thường và thoả thuận bồi thường các dự án 177,5 tỷ đồng bao gồm khoản tạm ứng cho Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) nghĩa vụ hoàn trả phí bố trí tái định cư cho dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 với số tiền là 59,2 tỷ đồng theo yêu cầu của Thoả thuận nguyên tắc kí kết giữa hai bên.

Trước đó, IPC đã đề nghị thu hồi số tiền chuyển nhượng 280 nền tái định cư tại Khu dân cư Long Hậu. Ban lãnh đạo Long Hậu cho biết, trong các báo cáo tài chính công ty chưa ghi nhận khoản phải trả này và cũng chưa ghi nhận vào giá vốn KCN Long Hậu.

Việc chưa ghi nhận này là do chưa có cơ sở ước tính đáng tin cậy về chi phí phải trả nên chỉ ghi nhận là khoản tạm ứng. Do đó, ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính của Long Hậu có lưu ý việc công ty chưa ghi nhận hoàn trả chi phí bố trí tái định cư của dự án KCN Long Hậu cho IPC.

Hội đồng quản trị Long Hậu đã đề xuất thực hiện tạm ứng 328,7 tỷ đồng cho IPC (bao gồm cả số tiền đã tạm thanh toán trước đây 74,38 tỷ đồng) tuy nhiên đã bị Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra đầu tháng 12 năm ngoái phủ quyết.

Được biết, Khu dân cư Long Hậu rộng 37 ha, do Long Hậu làm chủ đầu tư. Tại dự án này, năm 2002, UBND tỉnh Long An chấp thuận cho cho IPC làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kĩ thuật có quy mô 20 ha.

Đến tháng 10/2006, IPC kí hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Xây dựng Giao thông Hồng Lĩnh. Trong đó, IPC ứng trước chi phí và chịu mọi trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho các hộ dân và được mua 259 nền để bố trí tái định cư cho các hộ dân. Còn Công ty Hồng Lĩnh hoàn trả toàn bộ chi phí hơn 130 tỷ đồng mà IPC ứng trước.

Tuy nhiên, sau đó Thanh tra TP HCM đã kết luận việc hợp tác nói trên trái quy định pháp luật, không xác định cụ thể giá trị, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia sản phẩm. Trong đó bao gồm trách nhiệm của IPC trong quản lý tài chính liên quan đến việc chuyển nhượng 280 nền nhà ở tái định cư tại Khu dân cư Long Hậu giai đoạn 2006 - 2011 nhưng chưa ghi nhận doanh thu và kê khai nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước, chậm ký hợp đồng chuyển nhượng và chậm thanh toán nhiều năm, thỏa thuận nguyên tắc không nêu rõ giá thanh toán phải theo sát giá thị trường.

Được biết, IPC là một trong hai cổ đông sáng lập Long Hậu bên cạnh Công ty cổ phần Việt Âu và hiện đang là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này với 48,61% cổ phần nắm giữ.

Tin Cùng Chuyên Mục