Kết quả kinh doanh giảm mạnh, Vietcap liên tục vay hàng chục triệu USD từ nước ngoài

Quỳnh Chi

Liên tục vay vốn khủng từ nước ngoài nhưng tình hình kinh doanh của Vietcap lại không mấy khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm.

Liên tục vay vốn nước ngoài

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (mã VCI) thông báo đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay hợp vốn trị giá 75 triệu USD (tương đương 1.815 tỷ đồng) với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 50 triệu USD (tương đương 1.210 tỷ đồng).

Khoản vay được thu xếp bởi Maybank Securities Pte Ltd và Taishin International Bank Co Ltd Singapore Branch với tư cách thành viên đầu mối dàn xếp tín dụng và bên quản lý sổ tín dụng; Maybank International Labuan Branch là thành viên đầu mối cấp tín dụng và thành viên đầu mối nhận tài sản bảo đảm; Ngân hàng Malayan Banking Berhad chi nhánh TP HCM là ngân hàng mở tài khoản và ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm.

Với khoản vay này, Vietcap sẽ ghi nhận thêm một đợt huy động vốn thành công sau hai vòng huy động vốn trước đó trong năm 2023. Gần nhất vào tháng 8/2023, CTCK này ghi nhận khoản vay 100 triệu USD, được Ngân hàng Mega International Commercial Bank thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking.

Trước đó vào tháng 7/2023: 45 triệu USD, được Ngân hàng Shanghai Commercial and Savings Bank, Ltd. thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking.

Tháng 10/2022, 105 triệu USD, với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, do Maybank Securities Pte. Ltd và O-Bank Co., Ltd, với tư cách là bên thu xếp và bên quản lý sổ đầu tư chính được ủy quyền, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.

Tháng 5/2022, 100 triệu USD do Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Megabank) thu xếp thông qua chi nhánh ngân hàng nước ngoài Offshore Banking của ngân hàng này.

Tháng 11/2021, 100 triệu USD, với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, từ một nhóm ngân hàng do Maybank Kim Eng Securities Pte Ltd (nay là Maybank Securities Pte Ltd) thu xếp, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.

Tháng 5/2020, Khoản vay hợp vốn không đảm bảo trị giá 40 triệu USD từ một nhóm ngân hàng do Ngân hàng Sinopac đứng đầu.

Lợi nhuận 9 tháng giảm sâu

Liên tục vay vốn khủng từ nước ngoài nhưng tình hình kinh doanh của Vietcap lại không mấy khởi sắc. 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của Vietcap đạt 1.667 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế giảm đến 59% so với cùng kỳ 2022, xuống mức 421 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, Vietcap mới thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu (3.256 tỷ đồng) và 42% mục tiêu lợi nhuận trước thuế (1.000 tỷ đồng) cả năm đề ra dù đã đi hết 3/4 chặng đường. Nếu không tăng trưởng mạnh trong quý 4, rất có thể công ty chứng khoán này sẽ không kịp về đích năm 2023.

Thời điểm 30/9, giá trị các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của Vietcap ở mức 1.123 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Danh mục chủ yếu là các trái phiếu chưa niêm yết (586 tỷ đồng). Còn danh mục chứng khoán niêm yết (537 tỷ đồng) là các cổ phiếu vốn hóa lớn, nổi bật như HPG, VNM, CTG.

Giá trị các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cuối quý 3 đạt 6.657 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu như KDH, PNJ, IDP, MSN, STB. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu IDP đang lãi hơn 1.769 tỷ đồng so với giá mua. Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn nắm 150 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 484 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trong danh mục các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).

Tính đến cuối quý 3, dư nợ cho vay của Vietcap ở mức 5.783 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm.

Tin Cùng Chuyên Mục