Khoảng 156.000 tỷ đồng dành cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên

Thành Trung

Đến năm 2030, vùng Tây Nguyên sẽ hoàn thành 5 tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Các cao tốc này kỳ vọng mở ra cơ hội bứt phá cho Tây Nguyên.

Vừa qua, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".

Để tăng trưởng kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết giao thông phải hiện đại, kết nối toàn vùng tới các cảng biển, sân bay. Trước năm 2030, Tây Nguyên cần hoàn thành các cao tốc quan trọng như Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn ThànhTân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Cao tốc LIên Khương - Prenn dài 19km hiện là cao tốc duy nhất ở Tây Nguyên
Cao tốc LIên Khương - Prenn dài 19km hiện là cao tốc duy nhất ở Tây Nguyên

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc kết nối vùng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (năm 2021 - 2025), tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương...) với kinh phí khoảng hơn 28.000 tỷ đồng. Bộ đã bố trí khoảng 12.300 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương; ngân sách địa phương dự kiến hơn 6.500 tỷ đồng và kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước hơn 9.200 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng (cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...) với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu hơn 89.000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội của Tây Nguyên đến năm 2030. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%...

Tin Cùng Chuyên Mục